7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

"Sống mãi một huyền thoại"

- Advertisement -

Với nhiều văn nghệ sỹ Quảng Bình, hồi ức về những lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất họ mang theo đến suốt cuộc đời. Để rồi, một lần sáng tác về “vị Đại tướng của nhân dân” là một lần họ tâm niệm rằng viết về Người cũng là khi “Người đang hồi sinh trong lòng chúng ta”.

Sống mãi trong ký ức

"Sống mãi một huyền thoại"

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chăm chú trò chuyện cùng đoàn văn nghệ sỹ Quảng Bình tại nhà riêng, tháng 4-2004.

12 năm đã trôi qua kể từ mùa thu năm ấy, nhưng nhạc sỹ Dương Nguyệt Ánh bảo rằng đó là kỷ niệm đầy tự hào mà suốt cuộc đời bà không thể nào quên. Kỷ niệm ấy lại khiến bà mỗi khi nhớ lại đều nghẹn ngào xúc động.

Đó là một buổi sáng mùa thu năm 2004, đoàn Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình gồm 14 người do nhạc sỹ Dương Viết Chiến làm trưởng đoàn có vinh dự được đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của Đại tướng ở số 35 Hoàng Diệu (Hà Nội).

Những ngày trước đó, khi đang trên đường tham dự Trại sáng tác ở Đại Lải (Vĩnh Phúc), đoàn văn nghệ sỹ Quảng Bình đã ấp ủ mong muốn được ghé thăm Đại tướng và hạnh phúc tràn đầy khi niềm mong ước ấy đã trở thành hiện thực.

Trên chuyến xe về Hà Nội, niềm hân hoan cứ như ngọn lửa ấm, lan tỏa từ người này sang người khác. “Lúc đó, cả đoàn bàn với nhau là tới nhà Đại tướng Giáp thì phải hát hò khoan cho Đại tướng nghe. Vì vừa thể hiện nét đặc trưng của văn nghệ sỹ Quảng Bình, vừa để cho Đại tướng thỏa nỗi nhớ quê hương và điệu hò thuở thơ ấu.

Nhiệm vụ ấy được giao cho nhạc sỹ Dương Nguyệt Ánh. Vậy là chúng tôi mỗi người góp một ý, giúp Ánh viết nên tám câu hò khoan như một lời chúc cho Đại tướng sức khỏe và lời hứa quyết tâm của anh em văn nghệ sỹ Quảng Bình”.

- Advertisement -

Ngay trong ngôi nhà ấm áp giữa Thủ đô, điệu hò khoan ngọt ngào của quê hương xứ Lệ đã vang lên da diết. Cả người nghe và người biểu diễn đều nghẹn ngào xúc động. Nhiều văn nghệ sỹ hôm ấy đều không quên nụ cười thật hiền, ánh mắt rưng rưng của Đại tướng khi nghe lại những giai điệu đã đi theo ông đến suốt cuộc đời. Có lẽ, với họ, chưa bao giờ “vị tướng của nhân dân” lại gần gũi và thân thương đến thế! Niềm xúc động càng dâng đầy trong đôi mắt của Đại tướng khi nhạc sỹ Dương Viết Chiến tặng Đại tướng cuốn Tuyển tập “Quảng Bình quê ta ơi” tập hợp 105 bài hát của 78 tác giả khắp cả nước viết về Quảng Bình.

“Văn bản chép lại 8 câu hò khoan đặc biệt ấy cũng được con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – chị Võ Hồng Anh xin giữ lại để coi như một món quà tinh thần đáng trân trọng của quê hương Quảng Bình. Riêng với anh em văn nghệ sỹ Quảng Bình, Đại tướng cứ nhắc đi nhắc lại lời nhắn nhủ rằng anh chị em phải biết đoàn kết, bởi đoàn kết mới làm nên sức mạnh, có đoàn kết mới đưa Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà phát triển”, nhạc sỹ Dương Viết Chiến nhớ lại.

Cũng như nhiều văn nghệ sỹ khác, dù đã không ít lần may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng mỗi cuộc gặp gỡ đều mang đến cho nhà thơ Lý Hoài Xuân những ấn tượng sâu đậm. Ông nhớ mãi kỷ niệm dịp tham dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005, đoàn Nhà văn Quảng Bình đã có cơ hội được đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà thơ Lý Hoài Xuân kể rằng sau những lời hỏi thăm ân cần, bao giờ Đại tướng cũng chăm chú lắng nghe anh em văn nghệ sỹ báo cáo tình hình sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

Bởi đã từ lâu lắm, Đại tướng luôn dành một sự quan tâm đặc biệt và chân tình cho văn nghệ quê hương. Nhà thơ Lý Hoài Xuân bồi hồi: “Lần nào gặp cũng thế, bao giờ Đại tướng cũng không quên động viên đoàn Nhà văn Quảng Bình phải cố gắng sáng tạo không ngừng, phải đoàn kết, gắn bó. Và lần nào, Đại tướng cũng ân cần, nhẹ nhàng như thể đang trò chuyện cùng người thân”.

Sống mãi trong thơ ca

"Sống mãi một huyền thoại"

Tác phẩm “Vị tướng của nhân dân” – Giải A Liên hoan Âm nhạc Bắc miền Trung, năm 2013.

Trong dòng hồi tưởng nghẹn ngào xúc động, nhà thơ Lý Hoài Xuân không quên mang ra cho chúng tôi xem bản thảo hai bài thơ ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một bài được viết tặng Đại tướng cách đây rất nhiều năm và một bài viết trong lần đến thăm khu mộ của Đại tướng tại Vũng Chùa – Đảo Yến. Ông bảo, với ông, đó là những bài thơ đặc biệt. Đặc biệt không phải vì nó mang đến sự tôn vinh bằng những giải thưởng mà bởi đó là sự tri ân sâu sắc ông dành cho một con người suốt đời mình tôn kính.

“Tình cảm dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bao giờ vơi cạn, cũng như nguồn cảm hứng sáng tác về Đại tướng luôn luôn đong đầy” – có lẽ nhà thơ Lý Hoài Xuân nói đúng bởi những tác phẩm văn học nghệ thuật về “vị tướng của nhân dân” bao giờ cũng ăm ắp. Đặc biệt kể từ ngày người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam vĩnh viễn ra đi, những tác phẩm thơ ca lại càng da diết. Nỗi đau mất mát ấy chỉ có thể được khỏa lấp dần bằng những lời thơ, ý nhạc.

- Advertisement -

Như nhà thơ Lý Hoài Xuân tâm sự: “Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cảm xúc cứ thế tự nhiên dâng trào, không màu mè câu chữ, thơ về Đại tướng luôn là những vần thơ mộc mạc nhưng chứa chan tình cảm”.

Nhạc sỹ Dương Viết Chiến cũng kể lại kỷ niệm nhiều xúc động khi sáng tác nên ca khúc “Vị tướng của nhân dân” – giải A Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung năm 2013. Ông bảo, chỉ hai ngày sau khi nghe tin Đại tướng ra đi, như có một sự thôi thúc của cảm xúc, ông lục tìm tất cả những bài thơ đã từng viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và cũng như có một sự đồng cảm khi bắt gặp bài thơ “Vị tướng của nhân dân” của tác giả Đỗ Quý Doãn – nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông đã thức trọn đêm để hoàn thành bản nhạc.

Ông bảo rằng mình may mắn khi đã từng có cơ hội được gặp gỡ, chuyện trò cùng Đại tướng nên khi hay tin Đại tướng mất, những hồi ức đó cứ nhẹ nhàng sống dậy. Mà lẽ thường, một khi nỗi nhớ càng đầy thì nỗi đau càng sâu hơn bao giờ hết. Và ông cứ thế hoàn thành bản nhạc như thể đang tự vỗ về nỗi đớn đau của chính mình.

Có lẽ, khi hàng vạn con người cùng chung một nỗi đau thì cảm xúc không còn là của riêng một tâm hồn người. Điều đó giải thích vì sao mà ngoài những hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thì những tác giả không chuyên khác cũng có không ít tác phẩm viết về Đại tướng, nhất là từ ngày Đại tướng ra đi. Ông Văn Tăng, chủ nhiệm CLB Thơ – Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh chia sẻ rằng tròn ba năm kể từ khi Đại tướng về với đất mẹ, có hàng trăm tác phẩm của các tác giả viết về Người.

“CLB Thơ Kiến Giang (Lệ Thủy) cũng xuất bản một tập thơ về Đại tướng, hay tác giả Nguyễn Tấn Lực – một cựu chiến binh 86 tuổi, tác giả Hoàng Hiếu Nghĩa và nhiều tác giả khác cũng tự in một tập thơ riêng để tri ân Đại tướng”, ông chủ nhiệm CLB Thơ cho biết thêm.

Những nhà văn, nhà thơ và các tác giả Quảng Bình may mắn khi được sống trên quê hương của vị tướng lừng danh. Bởi thế nên dù ở những khía cạnh khai thác nào, các tác phẩm thơ, ca đều thể hiện niềm tự hào và những ân tình sâu nặng của nhân dân đối với người con của quê hương – một con người luôn trăn trở được trở về mảnh đất “chôn rau, cắt rốn” cho đến những phút giây cuối cuộc đời mình. Có lẽ khi cùng chung một lòng tôn kính và chung luôn cả nỗi đau thì đều dễ dàng tìm kiếm được sự đồng cảm. Điều đó cũng lý giải vì sao những tác phẩm văn học nghệ thuật viết về Đại tướng luôn dễ dàng đi vào lòng người đến vậy!

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm