8.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Kỷ niệm về ca khúc Ngược chiều sơn cước

- Advertisement -

Một chiều đầu mùa thu năm 2001, tại phố núi Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tôi cùng các nhà văn, nhà thơ Hữu Phương, Thế Tường, Hải Kỳ, Lý Hoài Xuân và các hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh đang dự trại sáng tác do Hội phối hợp với UBND huyện và Trung tâm Văn hóa Tuyên Hóa tổ chức, ăn bữa cơm thân mật do anh Hồ Duy Thiện, Chủ tịch UBND huyện mời. Ăn xong, anh em văn nghệ sĩ về nhà khách Ủy ban nhân dân huyện ngồi chuyện trò rôm rả và hát hò vui vẻ, hát hết bài này đến bài khác mà không kết thúc được, nhất là bài Về Đồng Lê của nhạc sĩ Trần Hoàn. Đang hát rôm rả, Thế Tường như nghĩ ra điều gì đó, anh quay mặt sang và nghiêng đầu vào tai tôi nói: “Hát đi hát lại mà ít có bài về Tuyên Hóa quá anh Chiến hè!” Có thể nói, nhà văn Thế Tường là người đã khơi ngòi cảm xúc đầu tiên cho tôi để có thể viết nên một ca khúc về Tuyên Hóa.

Đêm về khuya, anh em ngủ cả, tôi suy nghĩ miên man. Các nhạc sĩ tiền bối từng sống và công tác ở vùng rừng núi Tuyên Hóa lâu năm, đã để lại những ca khúc nổi tiếng như Sơn nữ ca và Về Đồng Lê của Trần Hoàn, bài Minh Cầm ca của Nguyễn Phúc Ân… Tôi đã nghiên cứu kỹ về chủ đề, tiết tấu, giai điệu, chất liệu… của các ca khúc đó. Mình phải làm thế nào để có thể viết được một ca khúc mới mẻ cả về chủ đề âm nhạc và ca từ trong ca khúc. Về âm hưởng, tôi nghĩ ngay đến điệu hò thuốc, vì hai huyện miền núi Tuyên – Minh Hóa như anh em một nhà. Tuy rằng ở Tuyên Hóa cũng ít người hát điệu này, nhưng nếu đưa âm hưởng điệu hò thuốc vào thì cũng có thể gây ấn tượng cho người nghe, nên tôi đã chọn các tuýp nhạc vào đầu bằng những nốt đen đi liền nhau cùng với các nốt móc đơn, ở âm vực thấp, nghe rất hiệu quả. Vậy là đã nghĩ được những nốt nhạc vào đầu, chủ đề và âm hưởng cho bài hát. Vấn đề còn lại là phát triển chủ đề âm nhạc và cấu trúc tác phẩm.

Nơi thượng nguồn Sông Gianh. Ảnh: T.H

Hồi đó, tôi và nhà thơ Đặng Thị Kim Liên cùng một hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật được mời dự buổi tọa đàm thơ do Công an tỉnh tổ chức. Nhiều tác giả nghiệp dư đọc thơ, ngâm thơ của họ sáng tác. Anh Phan Thanh Hà, lúc đó là Giám đốc Công an tỉnh, có một bài rất hay về người chiến sĩ công an, anh Trí – Trưởng phòng PA25 (nay là PA83) cũng có bài thơ hay, đặc biệt gây ấn tượng là bài Lên Tuyên của anh Mai Khoa, Trưởng phòng An ninh điều tra. Bài thơ chỉ sáu câu mà như vẽ nên bức tranh thủy mặc về huyện Tuyên Hóa.

Cuối buổi, tôi và nhà thơ Kim Liên gặp anh Mai Khoa xin bài thơ để phổ nhạc và trao đổi với anh viết thêm khoảng 12-16 câu thơ nữa cho đầy đặn. Anh nhận lời. Hai ngày sau, anh Mai Khoa mời tôi sang phòng làm việc của anh. Anh mở tủ lấy ra một tờ giấy, trên đó có một bài thơ anh chép tay và có trang trí tiêu đề và họa tiết xung quanh trang giấy rất đẹp. Trao bài thơ cho tôi, anh tâm sự: Anh viết bài thơ này như một cơ duyên. Dạo đó, anh lên Tuyên Hóa điều tra một vụ liên quan đến an ninh. Đối tượng là một cô gái miền sơn cước rất xinh đẹp. Trong nghi án, nói cô ta là tội phạm, cô ta không công nhận, mà lại cũng không kêu oan… Anh phải mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu vụ việc này. Đi lên đi về Tuyên Hóa nhiều lần, anh thấy cảnh đẹp quê hương ở đây thật nên thơ, nên viết mấy câu phác họa như bức tranh vậy thôi. Anh cho hay, được tôi và nhà thơ Đặng Thị Kim Liên góp ý, anh đã viết thêm hai khổ nữa. Rồi anh đề nghị khi tôi phổ nhạc thì cứ thêm bớt vào cho hay theo nhạc cũng được.     

Cầm bài thơ, đọc mấy câu đầu: Tìm về lại chốn xưa / Rừng chiều mưa chen mưa / Thổn thức niềm trắc ẩn / Cho mắt người đong đưa. Tôi mừng quá và hát được ngay bốn câu đầu bài hát cho anh Mai Khoa nghe. Anh nói: “Hay! Hay lắm anh Chiến ạ!”. Tôi mừng vô cùng. Mừng không phải được khen hay, mà mừng vì đây là lần đầu tiên tôi được một tác giả thơ rất đồng cảm, rung động trái tim cùng nhạc sĩ.

Sau đó, tôi viết tiếp 4 câu của đoạn I: Anh đến Minh Cầm Trang / Em sang Minh Cầm Nội / Thẳm xa niềm mong đợi / Theo đò về Kinh Châu. Đoạn I của bài hát, chỉ có 8 câu nhạc ngắn, phổ thơ thể 5 tiếng, đã chấm phá được miền quê yêu thương gắn liền với những kỷ niệm đẹp.

Vào đoạn II của bài hát: Ngược thời gian, thời gian / Tóc nhuốm màu nhung nhớ / Biết rằng còn duyên nợ / Với rừng xanh núi ngàn / Sương khói nhòa trong đá / Mây ngàn lãng đãng bay / Lòng ai ngây ngất say / Nhuộm tím chiều sơn cước / Nơi phố núi lèn xanh / Với Đồng Lê một chiều. Cảm xúc nồng nàn từ tác giả thơ, từ lời gợi mở cảm xúc của nhà văn Thế Tường,… tôi đã hoàn thành ca khúc trong ngày hôm đó, một ngày đầy kỷ niệm đẹp đẽ, êm đềm và tình cảm.

- Advertisement -

Mười lăm ngày, đúng vào sáng 11-9-2001, ca khúc Ngược chiều sơn cước ra đời. Hôm đó, tổng kết trại sáng tác tại Đồng Lê, tôi trình bày tác phẩm của mình, anh Hồ Duy Thiện, các anh chị ở lãnh đạo huyện phấn khởi, khen bài hát hay…

Bài hát được phổ biến nhanh chóng và rộng rãi trong công chúng, đặc biệt là ở Tuyên Hóa. Đài PT-TH Quảng Bình đã mời tôi và anh Mai Khoa lên Tuyên Hóa để giới thiệu tác giả, tác phẩm mới do anh Nguyễn Minh Tám hát. Suốt cả ngày, đi từ Minh Cầm Trang, sang Minh Cầm Nội, theo đò về Kinh Châu, tôi nói vui: Có 4 câu đoạn đầu của bài hát mà chúng mình đi suốt cả ngày quay phim vẫn chưa hết, phong cảnh Tuyên Hóa thật là hữu tình…

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm