5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Trần Tiến kể chuyện "quãng đời gã mơ mộng kiêm đại ngốc"

- Advertisement -

Trần Tiến kể chuyện về thời lập nhóm nhóm du ca Đồng Nội và đến Trại mồ côi Gò Vấp tìm trẻ có năng khiếu mang về Trường Mặt trời nhỏ nuôi dạy. 

Hát với trẻ mồ côi trại Gò Vấp 1992

7 năm Mặt trời nhỏ

“Xưa người ta đánh em, em chạy về núp dưới cánh tay mẹ yêu

Bây giờ người ta đánh em, em biết chạy về đâu, tìm ai

Biết làm sao ôm lấy các em trong vòng tay cuộc đời

Ôi sói con ngơ ngác của tôi

Em đâu có lỗi khi em mồ côi…”.

(Bài Sói con ngơ ngác -1992).

- Advertisement -

Ảnh này, Trại mồ côi Gò Vấp chụp khi nhóm du ca đến tìm trẻ có năng khiếu mang về Trường Mặt trời nhỏ. Đó là ngôi trường mình lập nên bằng tiền đi hát của nhóm du ca Đồng Nội, không nhận bất cứ tài trợ nào khác.

Tự kiếm – tự nuôi – tự dạy những đứa trẻ từ 13 – 14 tuổi đến khi thành nghề 20 – 21 tuổi, trả lại cho xã hội. Ngoài mình và Trần Tài, có thêm nghệ sĩ nhân dân Thanh Trì, nhạc sĩ Tuấn Khanh, Ngọc Giao và một cô giáo dạy piano.

Mình mở và dạy được sáu, bảy năm gì đó (1992 – 1998) thì “hết xí quách” – hết tiền. Năm 1999 chết lâm sàng vì viêm phúc mạc, tỉnh dậy nghĩ ra bài hátSắc màu hay ra phết. Khe khe…

Chả hiểu sao lại bỏ ra bảy năm trời vất vả với đám trẻ này, bọn nó bụi đời, mồ côi, trẻ thiếu may mắn học nhạc thì tốt thôi, nhưng mình có nghiệp vụ nuôi trẻ bất hảo đâu. Trường mất hai đàn điện, tiền học trong tủ, hàng xóm mất đồ lại sang la mình.

Khách đến chơi mất xe máy. Nửa đêm đưa cậu bé núi rừng đi bệnh viện vì ăn bậy… Bảy năm trời không viết nổi một bài hát, chỉ chăm 25 đứa ăn, ngủ, học hành, dã ngoại… tự nhiên thành cô bảo mẫu, thành nhà từ thiện.

Một quãng đời của một gã mơ mộng kiêm đại ngốc.

Nhóm du ca Đồng Nội ngoài giàn khoan 1992

Thời du ca hồn nhiên và hạnh phúc

Du ca ngoài giàn khoan giữa biển, bay ra từ Vũng Tàu bằng trực thăng. Nhóm hôm đó có thêm cô Bích Tường (mặc váy trắng), ca sĩ rất cá tính, dạy trong Trường nhạc Sài Gòn.

- Advertisement -

Vì du ca để lấy tiền nuôi 25 đứa mồ côi học nhạc nên nhiều đồng nghiệp sẵn sàng giúp: ca sĩ Lâm Xuân độc đáo, Y Moan hoang dã, Phương Thảo – Ngọc Lễ dễ thương và nhiệt tình, Quang Lý hiền khô, giọng trong nhẹ như suối ban mai; lâu lâu lại có cặp đôi vũ sư Đặng Hùng – Vương Linh đi cùng. Mọi người tham gia tuy cực mà vui.

Đời đi hát chỉ có thời du ca là hồn nhiên và hạnh phúc. Trên chiếc xe Jeep cà tàng vừa đi, vừa đẩy. Nhóm Đồng Nội du ca khắp nơi, không nhà hát, phông màn, không quảng cáo bán vé. Có bao nhiêu tiền cho hết, đi đến tận cùng trời đất vì trẻ con bất hạnh.

Nhìn lại hình này tự nhiên nhớ câu hát:

“… Bài hát bay đi tan vào sóng muôn trùng

Giọng hát liêu trai như lửa cháy than hồng

Một sớm em đi, mưa buồn đến thế…”.

(Bài hát Ngũ sắc biển)

Trần Tiến, Sài Gòn 1982

Cuộc đời lúc nào cũng đáng để sống tiếp

Ông bạn trẻ thấy sao, đi tiếp đoạn đường 35 năm nữa chứ, ông sẽ gặp chính ông bây giờ. Là tôi đây: tóc thưa, bụng xệ. Quên quên, nhớ nhớ. Đi đứng chậm chạp, mỗi ngày một bệnh… nhưng phải thế thôi, mới hoàn thành vòng đời, ông bạn trẻ.

Tôi nhìn ông vậy chứ ai bảo quay lại tuổi trẻ, tôi cũng không có nhu cầu. Tôi vẫn ổn, yên tâm với thứ tịch lặng cuối đời bên sóng biển. Tôi sẽ chẳng khuyên ông cái gì, con đường trước mặt ông còn nhiều bí mật, đáng để đi, đáng để khám phá lắm.

Không còn muốn khám phá nữa thì sống làm gì. Người ta đang làm cỗ máy thời gian đấy, nhưng chắc ế không ai dùng. Biết tương lai của mình thì sống còn gì thú vị.

Nhưng nếu ai cho tôi trở lại quá khứ thì tôi chỉ thực hiện duy nhất một việc là bay ngay về nhà, ở với mẹ của ông. Cả cái mớ ca khúc tôi làm được một đời, tôi cũng sẽ đổi để được về với mẹ. Ông đâu biết ba năm nữa ông sẽ không còn mẹ.

Ngay cả được như thế nữa thì tôi cũng biết mẹ cho ở vài ngày, rồi xót xa mà đuổi con đi. Mẹ là người đàn bà tuyệt vời nhất, làm sao chịu để con trai bám váy mình.

“Cu Đểnh” của mẹ phải đi tiếp, phải làm người đàn ông mạnh mẽ, xứng đáng với đời. Ông phải tự đi thôi, không được phép thua cuộc. Cuộc đời lúc nào cũng đáng để sống tiếp. Rồi ông sẽ hiểu về mẹ và hiểu thêm về ý nghĩa của đời sống.

Mẹ vẫn trên áng mây vàng nhìn tôi, thằng mít ướt cứ nhớ mẹ là khóc.

Tôi cũng đang phải sống tiếp đây, chả quan tâm sắp đến cuối đường hay chưa. Mỗi ngày trôi qua phải làm được một – cái – gì – dù chẳng – để – làm – gì.

Mới bỏ thuốc lá được hai tháng, tôi còn cố học lại guitar và piano nữa. Nhạc jazz tôi còn chưa hiểu hết. Tôi cũng bận như ông nhưng tự do hơn.

Nhìn ông khổ bỏ mẹ. 

Giao lưu với 
nhạc sĩ Trần Tiến 
tại đường sách TP.HCM

Nhân dịp ra mắt cuốn sách Ngẫu hứng (First News và NXB Hội Nhà Văn ấn hành), nhạc sĩ Trần Tiến sẽ có buổi giao lưu, ký tặng sách lúc 16g30 ngày 27-9 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) cho đến khi nào… hết khách thì thôi.

Không chỉ chia sẻ về sách, tác giả cũng sẽ “hát hò cho vui” cùng những nghệ sĩ và khán giả đến chung vui với ông như: cháu gái Trần Thu Hà, ca sĩ Phạm Anh Khoa và nhóm rock PAK, Đồng Lan, Hà Chương… Dẫu là “hát cho vui” nhưng nhạc sĩ Trần Tiến cũng cho trang bị một dàn âm thanh “thứ dữ” với tám micro không dây để buổi gặp gỡ, giao lưu thêm xôm tụ, vui vầy đúng kiểu Trần Tiến.

Q.N.

_________

Các tít trong bài do Tuổi Trẻ đặt.

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm