7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Văn học Quảng Bình: Những khoảng trống cần lấp đầy – Bài 2: Lý luận, phê bình văn học: Đất rộng nhưng người thưa

- Advertisement -
Với người nghiên cứu và sáng tác văn chương, lý luận, phê bình văn học được coi là lĩnh vực khó. Ở tỉnh ta, thiếu người được đào tạo chuyên sâu nên mảng lý luận, phê bình văn học còn quá nhạt nhòa. Nói như nhà phê bình trẻ Hoàng Thụy Anh (tạp chí Nhật Lệ): “Đất dụng võ thì bao la nhưng lại thiếu người vẫy vùng”.
Cách đây ít năm, làng văn Quảng Bình nổi lên với cái tên Hoàng Đăng Khoa-một nhà thơ, nhà phê bình trẻ, đồng thời cũng là giáo viên giảng dạy tại trường THPT số 1 Quảng Trạch. Ngoài việc xuất bản nhiều tập thơ tạo được ấn tượng tốt, Hoàng Đăng Khoa được đánh giá là một nhà phê bình trẻ với những bài lý luận sắc sảo, chuyên sâu.
Trong khoảng thời gian từ 2007 đến nay, Hoàng Đăng Khoa viết khoảng vài chục tác phẩm tiểu luận-phê bình, trong đó có các tác phẩm nổi bật như: “Cánh đồng bất tận-từ góc nhìn nữ quyền luận”. Anh đã “mổ xẻ” tác phẩm nổi tiếng của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư bằng lý thuyết hiện đại nhất mà mình tiếp cận được trong thời gian học thạc sỹ.
Anh cũng là thành viên tích cực trên các diễn đàn chuyên môn, là cây viết nổi bật của các tạp chí văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Từ những bài phê bình sắc sảo, đầy chính kiến của mình, Hoàng Đăng Khoa đã góp phần đưa tiếng nói của văn học Quảng Bình đến gần hơn với công chúng khắp cả nước.
Văn học Quảng Bình: Những khoảng trống cần lấp đầy - Bài 2: Lý luận, phê bình văn học: Đất rộng nhưng người thưa
Ảnh minh họa
Ngoài Hoàng Đăng Khoa, mảng lý luận, phê bình văn học tỉnh ta còn có sự góp mặt của nhà phê bình trẻ sinh năm 1979 Hoàng Thụy Anh, con gái của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Lý luận văn học, Hoàng Thụy Anh về công tác tại Tạp chí Nhật Lệ. Chị đã xuất bản hai cuốn sách chuyên sâu về phê bình văn học như: “Thơ Hoàng Vũ Thuật-nhìn từ thi pháp học Roman Jakobson” và “Bản xô-nat thi ca”.
Với “Thơ Hoàng Vũ Thuật-nhìn từ thi pháp học Roman Jakobson”, Hoàng Thụy Anh được đánh giá là đã có “cách mở cánh cửa vào miền thơ khác lạ, đầy lý thú của Hoàng Vũ Thuật và giải mã chúng một cách nghệ thuật với tư cách là chủ thể tiếp nhận đồng sáng tạo theo tinh thần thi học hiện đại”.
Ngoài hai cái tên kể trên, mảng phê bình, lý luận văn học ở tỉnh ta đang thiếu những nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận chuyên sâu. Có thể khẳng định rằng, thể loại này không phải là thế mạnh của văn học Quảng Bình. Tác giả tham gia viết lý luận phê bình thưa vắng, chủ yếu là các bài viết của các nhà văn, nhà thơ. Những bài viết ấy lại chỉ mới dừng lại ở việc nêu và cảm nhận vấn đề, ít đi sâu vào lý luận.
Nhất ở thời điểm phê bình trên báo chí nở rộ như hiện nay, những bài phê bình chuyên sâu càng ít xuất hiện do tính khoa học, hàn lâm và không hẳn là “món ăn dễ nuốt” đối với nhiều người. Nói như nhà phê bình văn học trẻ Hoàng Thụy Anh: “Phê bình báo chí chỉ mới dừng lại ở việc điểm sách, giới thiệu sách. Trong khi đó, một bài phê bình chuyên sâu đòi hỏi người viết phải tích cực tìm tòi, nghiên cứu, có như thế, một bài phê bình mới vừa mang tính khoa học nhưng lại vừa không mất đi tính nghệ thuật”.
Bàn về vấn đề này, Tiến sỹ Lý luận văn học Nguyễn Thị Nga, phó trưởng khoa Khoa học xã hội, Trường đại học Quảng Bình thẳng thắn nhìn nhận: “Thời gian làm việc tại cơ quan quá bận rộn, mà để có được một bài viết chuyên sâu về phê bình lý luận lại phải mất rất nhiều thời gian, trong khi đó, điểm nghiên cứu khoa học tích lũy được từ các tạp chí địa phương lại rất thấp. Đó cũng là một phần lý do tạp chí địa phương chưa thu hút được nhiều đối tượng nghiên cứu phê bình văn học”. Cũng theo bà, tại tỉnh ta chưa có nhiều người được đào tạo chuyên sâu về mảng nghiên cứu này.
Tại Đại học Quảng Bình, hiện chỉ có hai giảng viên chuyên giảng dạy bộ môn Lý luận văn học cho sinh viên của khoa Tiểu học-Mầm non và chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, thuộc khoa Khoa học xã hội, với hơn 1000 tiết/năm. “Nhưng đó chỉ mới dừng lại ở việc giảng dạy trên lý thuyết, còn để có các công trình nghiên cứu chuyên sâu về phê bình, lý luận văn học tỉnh nhà thì cần có sự phối kết hợp giữa các trung tâm đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội VHNT và các ban ngành khác”, TS. Nguyễn Thị Nga khẳng định.
Thời đại công nghệ số, người đọc tiếp cận tác phẩm bằng nhiều kênh thông tin nên chỉ cần tác phẩm nổi bật một chút sẽ có không ít lăng kính phê bình dưới mọi hình thức. Từ các bài phê bình có dung lượng hoành tráng đến các bài điểm sách, bài giới thiệu đến các tản mạn cảm luận trên các trang viết cá
nhân. Từ những trang viết giàu tính chuyên môn khoa học, đến những câu chữ chỉ có giá trị thương mại, mang mục đích cá nhân…
Cùng một đối tượng tác phẩm đó nhưng hoặc sẽ có người khen hết lời nhưng cũng không thiếu những bài chê bai rồi phủ định sạch trơn. Mà đã phê bình thì hẳn sẽ có phản biện, đôi khi lại tạo nên một cuộc bút chiến bất phân. Vậy nên, như TS. Nguyễn Thị Nga bày tỏ: “Cái khó nữa mà nhiều người chuyên môn về phê bình, lý luận văn học thường mắc phải đó là việc họ không muốn đụng chạm, nhất là với văn học địa phương ngay tại nơi mình công tác. Đôi khi, một phê bình về tác phẩm cũng dễ gây mất lòng tác giả. Cái đó thuộc về vấn đề tâm lý của người phê bình”. Cái tâm lý “ngại đụng chạm” đó đã  khiến không ít người có kiến thức, có chuyên môn nhưng lại không muốn tham gia phê bình, phản biện khiến cho lĩnh vực này của văn học Quảng Bình vốn đã yên ắng nay lại càng eo sèo hơn.
Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo. Phê bình văn học là cách thức sáng tạo tác phẩm thêm một lần nữa và làm sống mãi những giá trị văn chương đích thực trong lòng bao thế hệ bạn đọc.
Nói như nhà phê bình Hoàng Thụy Anh: “Một khi, chất lượng của lý luận, phê bình được nâng cao thì nó sẽ đồng hành với sáng tác, thậm chí, đôi khi còn là cú hích. Nó mở ra những cách tiếp cận, xử lý mới cho các cây bút sáng tác. Các cây bút sáng tác biết được điểm yếu, điểm mạnh mà làm chủ ngòi bút của mình, tất nhiên, nhờ nhà phê bình mà người sáng tác có thể bước vào một không gian mới để lạ hóa chính tác phẩm của mình.
Như vậy, với những tiêu chí như trên, ở một góc độ khác, người làm lý luận, phê bình cũng là người sáng tác”. Bởi thế, phát triển đội ngũ phê bình, lý luận văn học chuyên sâu cũng là bắc cầu nối để đưa văn học tỉnh nhà hòa vào dòng chảy của văn học cả nước và quan trọng hơn cả là neo đậu lại trong trái tim độc giả gần xa.
Nghị quyết 23 (ban hành tháng 6-2008) của Bộ Chính trị khóa X đã xác định các chủ trương và giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, trong đó về công tác lý luận, phê bình, Nghị quyết nhấn mạnh:
“Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phát triển lý luận VHNT. Kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, phê bình văn nghệ.
…Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha ta và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi năng lực sáng tạo có cơ hội phát huy, phát triển, khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về lý luận và phê bình văn nghệ vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của văn nghệ”.
Diệu Hương
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm