Làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa, thuộc huyện Tuyên Hóa là làng có bề dày lịch sử với hơn 500 năm xây dựng và phát triển. Lệ Sơn là làng nổi tiếng có truyền thống hiếu học từ xưa đến nay. Ngay từ buổi đầu lập làng, cố Lê Văn Hành (vị Tiền khai canh làng Lệ Sơn) đã mời cụ Trần Cảnh Huống nguyên là quan Thái học ở trường Quốc tử giám nghỉ hưu tại làng Phù Kinh về làm thầy học cho con em Lệ Sơn. Cố Trần Cảnh Huống nổi tiếng là người học rộng, văn chương uyên bác lại có phong cách sư phạm mẫu mực. Cố là người đầu tiên đến mở trường khai trí cho con em Lệ Sơn. Làng Lệ Sơn trước đây là nơi khá cách trở về giao thông; đất canh tác nông nghiệp của Lệ Sơn không nhiều mà nguồn nước ngọt lộ thiên lại không đủ tưới cho đồng ruộng khi trời hạn hán trong vụ đông xuân. Vụ hè thu ở Lệ Sơn hầu như năm nào cũng bị ngập úng vì lũ lụt. Do đó mặc dù Lệ Sơn lấy trồng trọt làm ngành kinh tế chủ đạo nhưng đời sống của người dân nơi đây luôn phải đối mặt với đói rét trong các kỳ giáp hạt. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy người Lệ Sơn rất chú trọng đầu tư cho con em mình học hành để mong thoát cảnh nghèo đói. Chính những khó khăn mà thiên nhiên tạo ra cho Lệ Sơn đã khiến các bậc làm cha làm mẹ dù thiếu thốn khổ cực đến đâu cũng ra sức động viên con, cháu chăm lo học tập. Truyền thống khuyến học, khuyến tài do đó sớm hình thành ở Lệ Sơn. Qua thống kê chưa đầy đủ, dưới chế độ phong kiến, con em Lệ Sơn có trên 20 người đỗ cống sĩ (cử nhân) và khoảng gần 100 người đỗ tú tài. Thời nhà Nguyễn, hầu như khoa thi nào cũng có người Lệ Sơn đi thi và đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân. Mặc dù không có người đỗ đại khoa, nhưng làng Lệ Sơn có một Giải nguyên là cố Lê Thời Tập đổ năm Minh Mạng thứ 9 (1828); hai Á nguyên là cố Lê Huy Côn đỗ năm Minh Mạng thứ 6 (1825) và cố Lương Nhị đỗ năm Tự Đức thứ 35 (1882). Có hai khoa thi làng Lệ Sơn có hai người cùng đỗ cử nhân. Đó là năm Gia Long thứ 17 (1818) có Phan Nhật Thạnh và Lê Huệ; khoa thi năm Minh Mạng thứ 8 (1828) có Lê Thời Tập và Lê Tư Duệ cùng đỗ. Lệ Sơn dưới triều Nguyễn có hai cha con cùng đỗ cử nhân là Lê Huy Côn và Lê Huy Tuân. Đặc biệt có ông Lương Khắc Kiệm là người tám khoa liền đỗ tú tài. Lệ Sơn có quy định khuyến học bằng học điền; làng trích ruộng làm phần thưởng cấp cho người đỗ đạt. Một số phú hộ trong làng đã hiến ruộng cho làng làm học điền. Theo nhà Quảng Bình học Nguyễn Tú thì sở dĩ Lệ Sơn được xếp vào bát danh hương vì người Lệ Sơn từ nam phụ đến lão ấu ai cũng thuộc sách Tam tự kinh và Minh tâm bảo giám phụ nữ ai cũng thuộc Truyện Kiều 

Lệ Sơn là làng có nhiều danh sơn kỳ tú. Ở Lệ Sơn gắn với dãy núi đá vôi có tới gần 100 đỉnh là truyền thuyết Lèn 99 chóp, Lèn Đứt chân. Dãy núi này có một loạt các đỉnh nhấp nhô uốn lượn được các bậc trí thức làng đặt cho những cái tên rất đẹp như Thi Đàn, Họa Các, Vũ Tọa, Thần Vì,… Núi Lệ Sơn có nhiều hang động như động Chân Linh, hang Mụ Trằn đã đi vào huyền thoại, thi ca và cổ tích. Lệ Sơn có hệ thống di tích phong phú thờ đủ cả tiên, thánh, thần, phật (miếu Chân Linh thờ tiên nữ, Văn thánh thờ Khổng Tử (thánh), đình làng thờ Thành hoàng và các vị Tiền hiền khai canh, khai khẩn (thần); chùa Phúc Tự và chùa Rôộc (thờ Phật). Ngoài ra, ở Lệ Sơn còn có một loạt di tích lịch sử – văn hóa khác như: 8 miếu thờ của tám họ lớn, miếu thờ Bà Sơn, miếu Tam Tòa thờ Đại càn quốc gia Nam Hải, miếu Hiền lương; miếu thờ các Đức ông gồm Thành hoàng, Câu Kê quan, Mậu Tiên hầu, Mạnh Linh; miếu thờ Tả phủ quận công, Chấn quận công, Hoa quận công.

Thời phong kiến, Lệ Sơn có số lượng người làm quan rất đông. Theo thống kê chưa đầy đủ làng Lệ Sơn thời phong kiến có số lượng võ quan trên 30 người từ Thượng tướng quân đến Đề đốc, Vệ úy, Phó vệ úy, Cai đội… Thượng tướng quân có Tả phủ Trà Quận công Nguyễn Trung Trực, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ có Nguyễn Huy Tưởng. Đô đốc có Hoa Quận công Nguyễn Khắc Tuân; các võ tướng như Trung kiệt tướng quân Lê Đình Liên, Quả cảm tướng quân Lê Huy Điện, Kỵ úy tướng quân Lê Đăng Loan, Tráng kiệt tướng quân Lương Tú Lâm; các Phấn lực tướng quân Lê Đình Luyện, Lê Quốc Thạch, Lương Quốc Hậu, Lương Thiếu Huệ…

Lệ Sơn có nhiều quan văn từ Tuần phủ, Bố chính, Tri phủ, Tri huyện, đến Thừa lại. Lệ Sơn có 1 Tuần Phủ là Lê Duy Dần, 2 Bố Chính là Lê Ngọc Uẩn, Lê Tư Duệ; Án sát có Lê Thời Tập, Lê Huy Tuân,… Đốc học có Lương Nhị, Lê Bính; Tri Phủ và Đồng Tri phủ có Lương Duy Chí, Lương Khắc Khoan, Lê Huệ. Ngoài ra, Lệ Sơn còn có nhiều người làm quan trong triều từ Lang trung, Thừa biện, Viện trưởng Viện Đô sát, Hàn lâm viện; Hành tẩu và Thư lại các bộ. Trong số nói trên có những người nổi tiếng thanh liêm và trung nghĩa. Lệ Sơn có hai người được liệt thờ ở đền Trung nghĩa trong cố đô Huế là Lê Duy Dần và Lê Huệ, 4 người được vua sai làng lập miếu Hiền lương để nhân dân thờ cúng tại quê hương.

Lệ Sơn là làng có trai tài gái sắc, trai thì chăm học, chăm làm nổi tiếng như Lương Duy Chí nhà nghèo không có tiền mua dầu nên phải lên chùa nhặt chân hương về đốt hay bắt đom đóm thả vào chai làm đèn để học tập và thành tài. Con gái Lệ Sơn nổi tiếng trắng da, dài tóc, có người được tuyển vào cung và được vua Nguyễn gả cho vua Ai Lao.

- Advertisement -

Lệ Sơn có nhiều phong tục tập quán tốt, đó là các tập tục giúp nhau lợp nhà, bổ cau, bắt cheo. Người Lệ Sơn có những truyền thống tốt như trọng danh dự, thượng võ, giữ nếp sống thanh bạch, lịch sự hiếu khách, làng không có người ăn xin…

Tục bắt cheo các đám cưới cũng là một phong tục hay để thử tài văn học, đồng thời còn thể hiện hiểu biết thâm sâu của người Lệ Sơn qua việc ra một vế câu đối buộc họ nhà trai phải đối lại khi đến làng rước dâu.

Lệ Sơn có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ cầu đảo, hội làng với nghi lễ tế Thành hoàng và các vị Khai canh, Khai khẩn gắn với các hội thi đấu roi, đi quyền của nam giới; thi làm bánh, nấu cỗ của nữ giới.

Lệ Sơn có nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ đặc sắc như hát nhà trò, bói Kiều, đấu cờ người, hò đối đáp, sáng tác câu đố, làm câu đối: mừng thọ, mừng lên thăng quan tiến chức, mừng khai trương đình, miếu, đền thờ.