7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

“Rốn lũ” Tân Hóa làm nông thôn mới

- Advertisement -

(Xã hội) – Được mệnh danh là “rốn lũ” của huyện Minh Hóa, năm nào cũng vậy, Tân Hóa đều phải trải qua những trận lũ lụt nước ngập dài ngày. Sống trong điều kiện khó khăn đó, người dân Tân Hóa đã biết làm nhà bè cùng nhiều đổi thay khác để sống chung với lũ. Và, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Tân Hóa đang quyết tâm cán đích vào cuối năm nay.
 
Sống chung với lũ  
 
Trong ký ức của người dân Tân Hóa, có lẽ không ai có thể quên được cơn đại hồng thủy năm 2010. Trong đêm, khi cơn lũ lớn ập về, người dân Tân Hóa chỉ kịp dắt nhau chạy lên lèn đá để trốn lũ, còn toàn bộ tài sản, trâu, bò, lợn, gà đều bị dòng nước lũ cuốn trôi tất cả…
 
Sau cơn đại hồng thủy, người dân Tân Hóa đã cầm tay nhau đứng dậy trong sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và sự sẻ chia của đồng bào cả nước. Và, “trong cái khó ló cái khôn”, cũng sau trận đại hồng thủy đó, người dân nơi đây đã sáng chế ra chiếc nhà bè để “sống chung với lũ”. Nhà bè được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phi rỗng này mà nhà nổi theo nước.
 
Để làm một căn nhà nổi rộng chừng 15-20m2, bà con đầu tư từ 30-35 triệu đồng, khi nước lũ về, đây là nơi cư trú cho cả gia đình từ 8-10 người và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu, như: tivi, xe máy, lương thực… Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân sáng tạo thêm hai cột định vị gắn vào hai góc ngôi nhà…

Con đường giao thông chính về xã Tân Hóa được bê tông rộng rãi, thoáng đãng.

Tuy nhiên, không phải ai ở Tân Hóa cũng làm được nhà phao, nhiều người do hoàn cảnh cũng phải tá túc xóm làng hoặc lên núi tránh lũ. Ông Cao Xuân Huỳnh ở thôn 3 Yên Thọ chia sẻ, nhà ông có sáu người, do khó khăn nên cứ đến mùa lũ về là cả gia đình phải bơi thuyền, che bạt trên núi đá ở tạm chờ lũ rút. Nhưng nay thì yên tâm vì cuối năm 2019, gia đình ông là 1 trong 64 gia đình khó khăn trong xã đã được Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ làm nhà bè tránh lũ. 
 
Theo lãnh đạo xã Tân Hóa, ngoài chuyện làm nhà bè tránh lũ, hiện nay, người dân còn sắm thêm những chiếc thuyền, đò để có thể đi lại trong những ngày lũ lớn. Đặc biệt, nhiều hộ dân ở Tân Hóa còn đầu tư những quán hàng tạp hóa bằng nhà bè với đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác để phục vụ bà con trong những ngày lũ.
 
Sẽ sớm cán đích NTM
 
Người dân Tân Hóa chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, lại thường xuyên bị ngập lũ, hạn hán nên đời sống gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, với sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, chương trình XDNTM nơi đây đã đạt kết quả cao, đưa lại diện mạo mới cho một xã thuần nông, đời sống của người dân ngày càng được đổi thay rõ rệt.
 
Xã Tân Hóa có 688 hộ dân, 3.275 khẩu, phân bố ở 6 thôn. Thời điểm bắt đầu XDNTM, Tân Hóa là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, do đó, chương trình XDNTM của xã khó “chồng” khó.
 
Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, khi bắt tay thực hiện chương trình XDNTM, xã mới chỉ đạt 3 tiêu chí, đó là: hệ thống chính trị, an ninh trật tự và điện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Tân Hóa đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao từ cấp ủy, chính quyền đến mỗi người dân tại các thôn trong xã.
 
Trong quá trình XDNTM, Tân Hóa đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các nội dung mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, nhờ đó mà người dân luôn đồng tình ủng hộ. Việc quy hoạch cũng như xây dựng các công trình đều được bàn bạc thông qua người dân để tạo sự thống nhất cao trước khi thực hiện, vì vậy, các tiêu chí khi đã hoàn thành đều đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của bà con.
 
Đến cuối năm 2019, xã Tân Hóa đã có 17/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM, chỉ còn lại 2 tiêu chí chưa đạt là trường học và trạm y tế xã. “Trong 2 tiêu chí này, phần chưa đạt là do chưa có hàng rào, cổng kiên cố. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của huyện và huy động từ con em địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành và nhất định sẽ sớm cán đích NTM trong năm 2020″, ông Duẫn khẳng định.
 
Khai thác tốt tiềm năng để phát triển
 
Tân Hóa không chỉ được cả nước biết đến là “rốn lũ” mà còn nổi tiếng với hệ thống hang động Tú Làn. Cảnh quan hang động Tân Hóa đã đi vào bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” hay phim “Người bất tử”…
 
Hiện tiềm năng du lịch của Tân Hóa đang được “đánh thức” bởi Công ty Oxalis, đơn vị đang khai thác tour du lịch đẳng cấp khám phá hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Để hỗ trợ Oxalis hoạt động tại quê hương mình, người dân Tân Hóa chấp nhận di dời toàn bộ chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa hơn để nhường lại đất cho doanh nghiệp làm trụ sở làm việc và triển khai các dịch vụ, đồng thời để gìn giữ môi trường.
 
Còn Oxalis thì giúp “đánh thức” tiềm năng vùng đất này không chỉ thông qua các hoạt động du lịch dịch vụ mà còn tạo sinh kế cho người dân Tân Hóa như: hỗ trợ làm nhà phao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động thông qua nghề porter (khuân vác hàng hóa cho du khách) trong những chuyến thám hiểm hang động Tú Làn…
 
Không chỉ du lịch, những năm qua, thực hiện chương trình kinh tế trọng tâm của huyện về trồng rừng và phát triển chăn nuôi, Tân Hóa tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả. Đến cuối năm 2019, tổng đàn gia súc của xã là 2.697 con. Trên địa bàn hiện có 16 hộ chăn nuôi theo hướng gia trại, mang lại thu nhập cao. Toàn xã có 2 tổ hợp chăn nuôi bò lai sinh sản với 25 thành viên. Trong năm 2019, người dân xã Tân Hóa đã trồng mới trên 150ha rừng kinh tế, đưa diện tích trồng rừng kinh tế của xã lên 420ha. Xã có 1 mô hình trồng cây hỗn loài và trồng rừng gỗ lớn rộng trên 15ha, hiện đã phát triển rất tốt, trở thành điểm tham quan, học hỏi của nhiều nông dân trên toàn huyện.
 
Trước lúc chia tay, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Duẫn thông tin thêm, tuyến đường nối Cao Quảng với Tân Hóa đang được ngành giao thông tỉnh gấp rút chỉ đạo thi công để nay mai người dân không còn phụ thuộc với tuyến đường độc đạo nối trung tâm huyện với “rốn lũ” Tân Hóa nữa. Và trên cung đường xuyên rừng ấy, nhiều cảnh quan, hang động tuyệt đẹp sẽ được “đánh thức”, không chỉ giúp Tân Hóa sớm cán đích NTM, phát triển đi lên mà còn giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Phan Phương
 
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202009/ron-lu-tan-hoa-lam-nong-thon-moi-2180931/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm