7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Cuộc giải cứu nghẹt thở 500 người dân nơi rốn lũ

- Advertisement -

Phá Hạc Hải rộng hàng ngàn héc ta, nằm giáp 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Chiều ngày 18-10, đầm phá này hiện ra trước mũi ca nô của Đồn Biên phòng Ngư Thủy, BĐBP Quảng Bình giống như một biển nước mênh mông.

Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngư Thủy, BĐBP Quảng Bình ngồi trên ca nô tham gia tìm kiếm cứu nạn đã thốt lên: “Dòng sông như biển động, vì sóng đập ầm ầm, ca nô chao đảo như muốn lật úp xuống dòng nước lũ đang chảy xiết”.

Bài 1: Ca nô vào “vùng tử thần”

Dây điện, cọc tre…

Trưa 18-10, thông tin dồn dập chuyển về đội ca nô tìm kiếm cứu nạn của BĐBP Quảng Bình đang neo trên sông Kiến Giang. “Bà con trong nớ chờ anh em vô cứu, chừ thuyền nhỏ không vô được”. Nơi mà thuyền nhỏ không vào được chính là một điểm được dân chài sông nước ở phá Hạc Khải ví von như vùng “cạm bẫy”. Vì đi dọc theo sông từ thị trấn Kiến Giang vào đến cụm dân cư đang kêu cứu ở thôn Ngô Bắc thì phải vượt qua những khu vực cực kỳ nguy hiểm. Đó là trụ điện bị ngập chỉ còn mấp mé ngọn trụ, cộng với dây điện chằng chịt.

Càng vào sâu trong các thôn Vinh Quang, Ngô Xá, Lại Xá, Ngô Bắc, Mỹ Hòa của xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy thì “cạm bẫy” càng giăng khắp nơi. Những bè rớ trên sông với dây neo chằng chịt. Trong ngày đỉnh lũ, nước tại khu vực này dâng cao trên 3 mét, toàn bộ hệ thống dây điện đều bị âm dưới mặt nước. Khu vực bị ngập sâu không phải địa bàn biên giới. Nhưng mệnh lệnh “cứu dân” đặt lên trên hết, nên đội ngũ cán bộ tham gia tìm kiếm cứu nạn của Đồn Biên phòng Ngư Thủy vẫn nhanh chóng khoác áo phao và nổ máy ca nô xuôi xuống cuối nguồn sông Kiến Giang.

Cuộc giải cứu nghẹt thở 500 người dân nơi rốn lũCa nô của Đồn Biên phòng Ngư Thủy tiến vào vùng “rốn lũ” thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy. Ảnh: Tư liệu

Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm, nhân viên hàng hải của Đồn Biên phòng Ngư Thủy, từng có thâm niên công tác tại Hải đội 2, BĐBP Quảng Bình hơn 20 năm cho biết, từng nhiều lần theo tàu đi cứu nạn ngư dân trong điều kiện thời tiết xấu nhưng trong lần cứu nạn này thì anh nghiệm ra rằng, biển hiểm nguy nhưng vẫn có cách vượt qua, đó là cứ kéo ga cho tàu chạy. Còn đường lên rốn lũ thì phải vừa đi, vừa dò đường. Chiếc máy Honda 85 CV gắn sau ca nô liên tục tăng rồi hạ ga.

- Advertisement -

Trung tá Nguyễn Ngọc Tú ra lệnh cắt 2 “hoa tiêu” ngồi trước mũi ca nô và xác định rõ “sự an toàn của cả đội cứu nạn nằm trong tay 2 đồng chí”. Chiếc ca nô từ thị trấn Kiến Giang tới “rốn lũ” gần phá Hạc Khải mất khoảng 25 phút. Lúc khoảng 10 giờ trưa, rốn lũ hiện ra trước mũi ca nô và ai cũng sững sờ thốt lên “đây là sông hay biển vậy?”. Một vùng nước mênh mông, sóng đập ầm ầm và xô ngã từng mảng tường nhà, đánh sập hàng loạt nhà dân ở thôn Ngô Bắc.

Lạc trong đêm tối

Chiếc ca nô chao lắc về nhiều hướng, rồi rẽ về một ngôi nhà nằm ở thôn Ngô Bắc, giống như một cù lao giữa con sông. Anh em trên ca nô chia sẻ về việc người dân trong những ngôi nhà này không rõ còn sống hay chết. Vì khi ca nô vào sát thì nước đã ngập ngang tới nóc nhà, nhưng không có bóng dáng một người nào. Khi ca nô vòng lên phía trước nhà thì xuất hiện những gương mặt thất thần thò ra dưới khe cửa. Bà Dương Thị Doát, 61 tuổi, sau này đã kể lại rằng: “Khi nghe tiếng ca nô rè rè phía sau nhà thì tui la to lên là sống rồi, có người tới cứu rồi”.

Ca nô tiếp cận cách nhà khoảng 1 mét, Đại úy Võ Văn Trọng, cán bộ trinh sát và Thiếu tá Lê Đình Thành, Đội trưởng Đội Tham mưu Hành chính nhảy ào xuống nước bơi vào gần ngôi nhà. Thiếu tá Trọng kể lại, lúc đầu tưởng nước cũng cạn, nhưng nhảy xuống thì lạnh buốt da, chân không tới đất được. Trong tiếng kêu cứu, tiếng hô của đồn trưởng để chỉ đạo ca nô không tiến quá sát nhà, 2 cán bộ Biên phòng đã kịp ôm 2 cháu nhỏ để bơi trở ra và đưa lên khoang ca nô.

Ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, Đồn Biên phòng Ngư Thủy và Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã có công cứu sống rất nhiều người dân ở các thôn Ngô Xá, Lại Xá, Ngô Bắc, Mỹ Hòa, chính quyền và nhân dân địa phương rất biết ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của BĐBP. Đây không phải là địa bàn biên phòng, tuyến đường thủy rất nguy hiểm vì có nhiều dây điện, trụ điện, nhưng anh em đã dũng cảm đưa ca nô đi cứu dân, thực sự là hành động cao cả, vì nhân dân quên mình.

Bà Doát vào lúc đó đã cứng miệng, nhưng tay bà vẫn chỉ liên tục lên chiếc giường được treo lơ lửng giữa những cột nhà. Tới lúc đó, anh em mới phát hiện ra, một người phụ nữ ngồi sâu phía trong giường đang có bầu. Đó là chị Trần Thị Hoa, sau này, chị Hoa cho biết: “Em đang chờ ngày để lên bệnh viện sinh con, khi nước lụt thì lo, nếu lỡ sinh con giữa cảnh nước lụt có khi mất cả mẹ lẫn con. May nhờ BĐBP tới cứu kịp thời”.

Ca nô của Đồn Biên phòng Ngư Thủy liên tục đi lại như con thoi. Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm cho biết, ngay sau khi đi được vào nơi ác hiểm nhất của rốn lũ thì anh em bắt đầu vững tâm hơn, quen đường, nên tốc độ di dời dân ra các vùng cao, chở bà con tới các nhà cao tầng được thực hiện nhanh hơn trước. Khó khăn nhất là tiếp cận những ngôi nhà có bàn tay vẫy rối rít, sau đó, đưa các cụ già bị gãy chân lên ca nô. Cả 7 anh em hò hét khản cổ, vừa khiêng người, vừa canh máy thì mới có thể đưa được người lên khoang, rồi ủ ấm bằng chăn.

Ngày đầu tiên vào rốn lũ, chiều tối 18-10, ca nô trở về bến đỗ. Nhưng trời sập tối thì ca nô vẫn chưa thoát ra khỏi biển nước, tầm quan sát mù mịt trong mưa. Đó là một tình huống hết sức nguy hiểm. Ca nô không có thiết bị định vị như tàu biển, hướng đi của ca nô không rõ có dính vào đường dây điện hay không? Trên ca nô may mắn vẫn còn một chiếc pin tích điện, 2 đồng chí được phân công ngồi trên mũi ca nô soi mặt nước, sau đó anh em mò mẫm dò tìm, sau gần 2 giờ đồng hồ mới đưa được ca nô về bến tạm trên sông Kiến Giang.

- Advertisement -

Ăn mì sống để lấy sức cứu dân

Ngày 18 và ngày 19-10, ca nô cứu nạn của Đồn Biên phòng Ngư Thủy đã tập trung di dời, cứu người dân ở các thôn Bình Minh và Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, sau đó đi ngược dòng để tiếp cận các thôn khác. Công việc quần quật suốt ngày, nỗi lo lắng “ca nô vấp dây điện” luôn thường trực từng phút trong đầu những người lính tham gia cứu nạn. Cái đói dường như bị quên bẵng. Cứ mỗi khi xong một đợt cứu nạn thì anh em lại bẻ mì tôm nhai sống, uống sữa đậu nành để cầm cự, lấy sức “chiến đấu” lâu dài.

Trong lúc các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đi cứu dân thì ở ngay chính gia đình họ cũng đang ngập sâu. Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm – người điều khiển ca nô cho biết: “Nhà em cũng ở gần sông Kiến Giang, lúc nước lên cao nhất thì vợ cho biết nước đã ngập tới cổ, phải di dời đi nơi khác tránh lũ”. Cuộc điện thoại ngắn ngủi sau đó bị ngắt liên lạc, vì phần lớn điện thoại đều bị hết pin hoặc bị ẩm ướt.

Cuộc giải cứu nghẹt thở 500 người dân nơi rốn lũGia đình 6 người, trong đó có 1 thai phụ được BĐBP Quảng Bình cứu sống vào lúc không còn đường bấu víu. Ảnh: Văn Chương

Đại úy Võ Văn Trọng cho biết: “Quê em ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, nhà cạnh sông Long Đại và nước cũng ngập vào nhà cả mét, nhưng gia đình tự thu xếp tránh lũ để em yên tâm hoàn thành nhiệm vụ cứu dân”. Đại úy Hồ Manh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ngư Thủy cho biết, vợ anh đang công tác tại xã vùng cao Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nơi đây bị cô lập hoàn toàn, nhưng anh vẫn ở lại đơn vị tham gia cứu dân.

Chiếc ca nô công suất 85 CV hết ngày này sang ngày khác, liên tục luồn giữa các xóm làng, đi dọc con sông Kiến Giang để đến những cụm dân cư tìm kiếm người dân bị mắc kẹt trong rốn lũ. Tổng cộng 500 người dân đã được những người lính chở từ vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Sau khi giải cứu người dân ở vùng nguy hiểm nhất đến nơi an toàn, anh em lại tiếp tục nhận nhiệm vụ chở lương thực đến từng cụm dân cư, ghé vào từng xóm và bắc loa tay kêu gọi “bà con cần gì thì thông báo, chúng tôi là BĐBP đi giúp đỡ bà con và đưa đến nơi an toàn”.

Bài 2: “Không có BĐBP thì chúng tôi đã chết”

Lê Văn Chương

Nguồn tin:  Báo Biên phòng

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm