6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Trưởng thôn của dân

- Advertisement -

Giữa hàng vạn đồng bào bị thiên tai vùi dập là hàng ngàn trưởng thôn, trưởng bản lo cứu người trong bão, lũ. Sau lũ lại cũng những trưởng thôn, trưởng bản này khản giọng, phờ phạc mặt mày lo làm sao cứu trợ đúng đối tượng, không để điều tiếng xảy ra. Trăm thứ đổ lên đầu nhưng họ vẫn kiên cường giữa thôn, làng.

Chiến binh giữa núi rừng

Sâu trong rặng Giăng Màn là bản Lòm (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) sát đường biên giới. Trưởng bản Hồ Biên đang khàn giọng đọc tên 91 hộ dân đồng bào dân tộc với hơn 400 khẩu nhận hàng cứu trợ. Ông Hồ Biên nói: “Phát hàng cứu trợ ở miền núi không như miền xuôi, gọi tên ai một, hai lần là người ta nghe. Bà con dân tộc ở chỗ đông người là họ thẹn, ít nói, gặp người lạ họ càng không nói, cứ đứng như trời trồng, gọi đến lần thứ năm mới nhẹ nhàng đi đến xếp hàng”.

Trưởng thôn của dânTrưởng thôn Hồ Biên hết lòng chăm lo cho dân, nhất là trong những ngày lũ lụt vừa qua

Bản Lòm của người Mày nơi quê hương ông Hồ Biên ở giáp Lào, vì an ninh biên giới, từng cụm nhà không sát nhau mà cụm này cách cụm kia cả mấy tiếng đi đường. Có cụm cách cả nửa ngày lội bộ.

Ông Hồ Biên nói: “Nếu ngày mai có đoàn từ thiện lên phát quà cho bà con dân bản thì xã phải thông báo trước mấy ngày, tui phải chạy bộ cả ngày trong mưa, báo từng nhà đến giờ đó tập trung ở nhà cộng đồng, hoặc điểm trường của bản để nhận quà của đoàn từ thiện. Có hộ dân đi rừng cả cha mẹ con cái thì phải nhờ hộ quen biết nhận thay. Bà con ở đây thực bụng, nhận của mình rồi thì không bao giờ đi đổi phiếu nhận lại, chỉ khi nào trưởng bản nói nhận hộ cho người khác họ mới dám làm”. Trưởng bản như ông Hồ Biên làm việc “lút mặt” vì dân. Ông đã giữ chức trưởng bản được 10 năm.

Hiện ở bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) lụt vẫn chưa rút. Trưởng bản Nguyễn Văn Muôn như con sóc nhỏ giữa đại ngàn. Nguyễn Văn Muôn năm nay 20 tuổi, vừa mới lên làm trưởng bản Sắt cuối tháng 9 thì ngày 4-10 lũ lụt vùi dập dân bản của anh. Muôn nói, phó bản cũng bằng tuổi anh, mới bầu lên thì lụt đến 34 hộ bản Sắt. Từ ngày nhận chức tới giờ, lo lũ chứ chưa họp hành ra mắt dân bản. Để đi vào bản Sắt không con đường nào ngoài lội bộ vượt núi trơn trượt và sạt lở. Vào bản mới thấy bà con rất quý Muôn. 

Muôn sắm máy xay xát gạo cho dân bản làm nông nghiệp. Hôm lũ lên, núi nứt ầm ầm, sạt lở kinh hoàng, Muôn chạy ra cầu cứu xã rồi về đóng bè gỗ đi cứu dân. Nhà sàn của dân chìm trong lũ, đồ đạc hỏng sạch. Muôn báo động núi nứt, bộ đội biên phòng viện trợ nhà bạt, di dời toàn bộ bản Sắt an toàn khỏi lở núi. Chị Hồ Thị Mua nói: “Muôn nó trẻ, mới làm trưởng bản mà ông trời làm trận lũ khiếp vía, nhưng nó giúp dân được, dân bản ưng cái bụng, thích nó, muốn nó làm trưởng bản đến khi nó già”.

- Advertisement -

Lũ lụt, Muôn 10 ngày không ngủ, chong đêm giúp dân bản Vân Kiều, gia sản Muôn không còn gì, nhưng đổi lại, bà con Vân Kiều tín nhiệm anh vì anh đã tận hiến cho cả bản sức trai trẻ trong đợt lũ kinh hoàng này để ai cũng được an toàn.

Huy động di tản 600 dân

Đã hơn một tháng nay ông Nguyễn Trọng Trới, trưởng thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) chưa làm được việc nhà, bỏ cho vợ con lo. Ông phải lo chu tất cho 750 nhân khẩu trong làng vừa trải qua trận đại hồng thủy.

Trưởng thôn của dânTrưởng thôn Nguyễn Trọng Trới

Thôn Vinh Quang nằm ở vùng trũng nhất huyện Lệ Thủy. Mặc dù người dân có 30 chiếc đò nhỏ, nhưng vẫn không thể ứng cứu tài sản kịp thời khi nước dâng ngập lút mái nhà. Thôn như ốc đảo, ông Trới huy động đò của toàn thôn di dời 600 người dân lên đường Hồ Chí Minh, tá túc trong trường tiểu học Sơn Thủy an toàn. Bà Nguyễn Thị Hoa khi được cứu trong lũ, kể: “Nước chảy xiết, lên rất nhanh, bác trưởng thôn Trới huy động đò của bà con từng lượt, từng lượt di tản từng xóm trong mưa gió bão bùng. Bà con nhốn nháo, nhưng ông bình tĩnh, hô thanh niên đi cứu người, chỉ giữ 150 người khỏe mạnh ở lại làng trên lũ để bảo vệ nhà cửa, canh chừng nhà trôi, canh chừng những gì còn canh chừng được, nhằm giảm bớt thiệt hại do lũ lụt”.

Ông Nguyễn Trọng Trới đã làm trưởng thôn 10 năm, ông nói: “Trận lũ lịch sử 2010, tôi vừa lên làm trưởng thôn, cũng cứu dân cả làng. Năm 2016, lũ lịch sử to hơn, dân cũng bầu tôi làm trưởng thôn. Năm 2020 lũ lịch sử cao nhất, tôi vẫn làm trưởng thôn. Bà con bầu là vì tôi chỉ biết việc làng, việc ở nhà bà vợ một tay lo. Cứ lũ lên, tôi phải ngược xuôi di tản người. Vợ ở nhà gọi điện khóc cũng chịu, lo cho dân đã. Sau này về nhà, vợ có trách thì động viên được, chứ dân trách thì không được. Việc chi cũng phải lo cho dân trước tiên”.

Ở làng đảo Hữu Tân (xã Tân Ninh huyện Quảng Ninh), ông Phan Văn Hoa đang lên danh sách hộ dân chuẩn bị đi nhận hàng cứu trợ ở xã, ông nói: “Trong lũ, nhà tui có hơn 10 người đến tá túc, cơm ăn đầy đủ. Vợ tui phục vụ bà con, còn tui lo chèo đò giữa sóng to cứu nhà người dân bị sập trong thôn. Quần quật trong lũ là vì dân trong làng là bà con lối xóm, tình làng nghĩa xóm. Rứa nên tui đã làm trưởng thôn 3 nhiệm kỳ. Xin bà con đừng bầu tui làm trưởng thôn nữa mà bà con cứ bầu. Tuổi đã cao nhưng vì trách nhiệm nên làm”.

Trưởng thôn của dânTrưởng thôn Phan Văn Hoa

- Advertisement -

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, kể: “Thôn đảo Hữu Tân nhờ có trưởng thôn như ông Phan Văn Hoa mà dân an toàn. Khi không có ca nô tiếp cận từ bên ngoài vào làng thì ông Hoa đã vượt sóng dữ đi tìm dân, di dời những hộ neo đơn lên nơi an toàn. 4 tại chỗ là như vậy nên bà con tin tưởng ông Hoa lắm”.

Phát quà không điều tiếng

Sau lũ, ông Nguyễn Trọng Trới đưa dân về làng, những đoàn cứu trợ đầu tiên tiếp cận, ông quan điểm rõ ràng: “Hàng quà nếu cho đủ toàn thôn thì bà con mừng, nếu đoàn không đủ thì tui bắt đầu hộ khó khăn yếm thế nhất, cùng hộ thiệt hại nhất thôn, nếu thôn có người mất thì ưu tiên đầu tiên. Ở làng tui, lụt là lút cả làng, nhưng không thể có cái lệ chia đều, vì người khó khăn yếu thế không thể làm gì được, người ở làng mà có sức khỏe là phải đi làm ăn, lao động, gầy dựng cuộc sống, không thể dựa dẫm hàng cứu trợ. Cứu trợ là cứu khó khăn trước mắt, còn duy trì cuộc sống là phải sức bà con dân làng. Vậy nên làng tui bao năm nay không có cái lệ chia đều, chỉ có gạo và tiền của chính phủ cấp mới có chia đều và theo bình bầu của người dân. Hàng quà rồi tiền của các đoàn cứu trợ đã lên danh sách thì cứ thế phát và bà con hưởng, không thể lấy quyền trưởng thôn mà buộc bà con thu hồi rồi vin cớ tình làng nghĩa xóm là không hay, tạo cái lệ xấu”.

Ở bản Sắt, “chiến binh” Vân Kiều Nguyễn Văn Muôn nghĩ cách cứu tế dân bản bằng cách mua bạt cắm ngoài đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, cách bản 8km, nhằm nhận hàng cứu trợ. Bản không điện, không sóng điện thoại nên Muôn phải làm lán túc trực, có khi phó bản trực, lúc có đoàn từ thiện nào là Muôn lại chạy bộ 8 cây số, gọi bà con 34 hộ ra nhận quà. Muôn kể: “Có đoàn tặng 5 gói mì tôm cùng áo quần cũ, bà con chạy bở hơi tai nhận, vì quý, cho chi nhận nấy, bà con cần lắm, đều đi bộ vất vả”. 

Ai cho hàng quà không đủ phát 34 hộ dân, Muôn có quan điểm rõ ràng, ưu tiên hộ khó khăn nhất trước. Muôn nói: “Tôi không cào bằng, không thu lại. Bà con tặng ai, tôi đưa về tận tay, chụp ảnh rồi chạy ra ngoài xã có sóng điện thoại gửi ảnh và clip cho người ta biết”. Nguyễn Văn Muôn mới lên làm trưởng bản nhưng vì lo cho dân nên gầy rộc. Bộ áo quần anh mang là đồ cứu trợ, cả bản chạy lũ chỉ cứu được mạng, may có áo quần cứu trợ nên đỡ lạnh.

Đi trong mùa mưa lũ, gặp hàng trăm trưởng thôn, trưởng bản tốt với dân, các đoàn cứu trợ đều quý mến tặng thêm suất quà cho họ như lời tri ân, vì có họ làm hết sức mà các đoàn đã đến được với dân.

MINH PHONG

Nguồn tin:  Báo Sài Gòn giải phóng

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm