7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nan giải trong phục hồi sản xuất sau lũ của doanh nghiệp vừa và nhỏ

- Advertisement -

Trong trận lũ kép lịch sử tại Quảng Bình trong tháng 10 vừa qua, không chỉ người nông dân nhiều nơi bị mất trắng mùa màng, nhà cửa tan hoang do lũ cuốn trôi mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực triển khai công tác dọn dẹp, sắp xếp lại nhà xưởng, song vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại sản xuất.

Nan giải trong phục hồi sản xuất sau lũ của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Toàn bộ nguyên liệu để sản xuất và hệ thống máy móc

của HTX kinh doanh DV nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến bị hư hỏng nặng

Gần 1 tháng sau khi nước lũ rút, tại Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, các thành viên vẫn chưa thể dọn dẹp xong đống đổ nát do mưa lũ gây ra. Với mặt hàng kinh doanh chính là sản xuất nấm và cây dược liệu, số lượng hàng nguyên liệu trong kho có khi lên đến hàng chục tấn. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nước lên nhanh khiến các thành viên của Hợp tác xã không kịp trở tay. Toàn bộ phần nguyên liệu để sản xuất nấm và cây dược liệu đều bị ngâm nước và không thể sử dụng được. Hệ thống máy móc đều bị hư hỏng nặng, ước tính tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Bà Trương Thị Lược, Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến cho biết: “Nguyên liệu trong kho và nguyên liệu để trồng ngoài đồng bị ngâm nước nên hư hỏng hết. Mà tiền công của anh em thành viên Hợp tác xã đều nằm ở đó hết. Khó khăn lớn nhất bây giờ là tiền vốn và tiền công, tiền lương của anh em không biết lấy đâu ra mà trả. Chúng tôi bắt tay làm lại từ đầu nhưng cũng chưa biết làm lại từ đâu”.

Còn đối với Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng ở huyện Lệ Thủy chuyên kinh doanh gạo sạch thì hệ thống máy móc, thiết bị xay xát, sàng lọc gạo bị ngập nước đang là vấn đề nan giải của lãnh đạo Hợp tác xã. Thêm vào đó, hơn 20 tấn lúa nguyên liệu trong kho bị ngập lụt phải nhanh chóng bán giá thấp cho thương lái mua làm thức ăn gia súc.

Ông Võ Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng bày tỏ: “Điều đáng quan tâm lúc này của lãnh đạo Hợp tác xã là 85% số lượng lúa nguyên liệu trong người dân cũng bị ngập lụt và hư hỏng nên việc thu mua và bao tiêu sản phẩm là không thể thực hiện được”.

- Advertisement -

Nan giải trong phục hồi sản xuất sau lũ của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hệ thống máy móc của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng

bị hư hỏng nặng chưa thể đưa vào vận hành.

Đóng ở địa bàn xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, vốn là nơi bị ngập sâu trong nước lũ, cơ sở xay xát Quảng Hướng cũng không tránh khỏi thiệt hại nặng nề với 200 tấn lúa, 10 tấn gạo, 5 tấn củi trấu đã trôi theo dòng nước, hệ thống máy móc phải thay thế và tu sửa lại. Ước tính thiệt hại của cơ sở này khoảng gần 1 tỷ đồng.

“Lúa gạo khi bị ướt khó có thể vận chuyển kịp thời được. Phải đợi khi nước rút, chúng tôi mới huy động nhân công vận chuyển về nơi khác để sấy nhưng cũng không hết. Số không sấy được phải đem bán tháo với giá thấp nên thiệt hại là khó phục hồi được” – ông Nguyễn Đăng Quảng, chủ cơ sở xay xát Quảng Hướng cho hay.

Đó chỉ là 3 trong số hàng trăm đơn vị doanh nghiệp nhỏ và vừa phải gánh chịu thiệt hại do thiên tai. Hiện tại, con số thống kê về thiệt hại vẫn đang còn thực hiện. Tuy vậy, theo khảo sát nhanh của Sở Công thương Quảng Bình về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các doanh  nghiệp Quảng Bình ước tính hơn 300 tỷ đồng. Trong đó, tập trung là các đơn vị doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa bàn bị ngập sâu trong nước. Hệ thống máy móc, nhà xưởng, nguyên liệu hư hỏng nặng do bị chìm sâu trong nước dài ngày. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu sản xuất của người dân bị thiệt hại kéo theo việc giảm khả năng đáp ứng đầu vào cho các doanh nghiệp, vì vậy, việc sản xuất bị cầm chừng và dẫn đến đình trệ.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang khẩn trương bắt tay vào khắc phục để ổn định lại sản xuất. Tuy nhiên, trước những khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ và hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.

Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình cho biết: “Ngành Công thương Quảng Bình đã đề xuất với tỉnh cần có kiến nghị lên Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp như các gói tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất, giảm thuế… Chúng tôi đã xem xét và ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tham gia nhiều hội chợ, nhiều hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh”.           

- Advertisement -

Thiệt hại mà các đợt mưa lũ vừa qua gây ra cho Quảng Bình là hết sức nặng nề và phải mất nhiều thời gian mới có thể tái thiết lại được. Khó khăn chắc chắn sẽ nhiều, nhưng với sự quyết tâm, đồng sức đồng lòng của lãnh đạo địa phương, chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng rất lớn của Nhân dân và sự đồng hành, sẻ chia của toàn thể cộng đồng, Quảng Bình sẽ nhanh chóng phục hồi từ sau thiên tai, khốn khó.

Dương Anh

Nguồn tin: QBTV.vn
Link bài gốc: http://qbtv.vn/tin-tuc/nan-giai-trong-phuc-hoi-san-xuat-sau-lu-cua-doanh-nghiep-vua-va-nho-15398.html
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm