
Ban hành Quy định về phát triển, quản lý và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh
(Tin tức) – Ngày 26/11/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về phát triển, quản lý và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh.
Quy định gồm 05 Chương 31 Điều quy định về việc phát triển, quản lý và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh, bao gồm phương án phát triển mạng lưới chợ; đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp chợ; hoạt động quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.
Đối tượng áp dụng là các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến công tác phát triển, quản lý chợ; các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tại chợ và các đơn vị, cá nhân có liên quan.
Mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh được phân thành 03 hạng theo tiêu chuẩn quy định. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phân hạng chợ trên cơ sở phương án phát triển chợ, quy mô thực tế của từng chợ và đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Việc phân hạng chợ là cơ sở để phân cấp quản lý Nhà nước về chợ trên địa bàn tỉnh. Tất cả các chợ sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, trước khi đưa vào hoạt động đều phải được UBND tỉnh quyết định phân hạng. Đối với các chợ cần điều chỉnh phân hạng: Căn cứ tiêu chuẩn, các quy định về phân hạng chợ, thực trạng các chợ đang hoạt động trên địa bàn, UBND cấp huyện lập hồ sơ đề xuất gửi Sở Công Thương chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phân lại hạng chợ đảm bảo phù hợp và đúng quy định.
Theo Quy định, tất cả các chợ đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp phải theo đúng phương án phát triển mạng lưới chợ đã được UBND tỉnh phê duyệt, có ý kiến của cơ quan chuyên môn theo phân cấp quản lý về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch; phải lập dự án theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng; các quy định về tiêu chuẩn thiết kế chợ; đảm bảo tuân thủ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn chuyên ngành và văn bản pháp luật có liên quan; được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.
Đối với các chợ đầu tư xây dựng mới (kể cả xây dựng mới do di dời địa điểm) hoặc cải tạo nâng cấp, sửa chữa lớn có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thương nhân đang kinh doanh tại chợ: Trước khi đầu tư xây dựng lại chợ cũ hoặc sửa chữa nâng cấp lớn, đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ phải thực hiện công khai, minh bạch thông tin về dự án để thương nhân kinh doanh tại chợ biết; tổ chức lấy ý kiến thương nhân tại chợ và tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp xây dựng chợ mới tại các địa phương chưa có chợ hoạt động: Khi lập dự án đầu tư xây dựng chợ mới, đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ phải khảo sát, đánh giá tiềm năng trao đổi cung cầu hàng hóa, sức mua bán; phong tục tập quán sinh hoạt, đi lại của người dân; điều kiện về giao thông, môi trường và khả năng thu hút các thương nhân vào kinh doanh tại chợ, tránh lãng phí đầu tư…
Quy định cũng nêu rõ quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ đảm bảo công khai minh bạch, dân chủ, ổn định xã hội và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương; bảo đảm các chế độ, quyền lợi hợp pháp của người lao động thuộc Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ, tổ chức, cá nhân hiện đang kinh doanh tại chợ. Mô hình quản lý mới hoạt động phải hiệu quả hơn mô hình quản lý cũ, đảm bảo lợi ích của các hộ đang kinh doanh tại chợ; đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước và hiệu quả kinh tế – xã hội của chợ sau chuyển đổi…
Hồng Mến