9.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nơi lưu giữ mạch nguồn ký ức

- Advertisement -

Đến Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, nơi lưu giữ những “ký ức thời gian”, chắc hẳn mỗi người sẽ có những cung bậc cảm xúc khác nhau khi chiêm ngưỡng các hiện vật lịch sử, văn hóa trưng bày tại đây. Mỗi hiện vật, nhóm hiện vật đều mang trong mình những câu chuyện kể, giúp người xem hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của quê hương.

Phong phú hiện vật lịch sử

Ấn tượng nhất tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình là những bức ảnh, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều hiện vật lịch sử. Theo từng hiện vật, tài liệu, những câu chuyện, kỷ niệm về Bác Hồ và các sự kiện lịch sử được kể lại một cách trực quan, sinh động.

Hiện tại, bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản khoảng 100 ảnh, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm: phim âm bản (ghi lại những khoảnh khắc Bác Hồ gặp mặt, nói chuyện với quân và dân tỉnh nhà tại sân vận động Đồng Hới; hình ảnh Bác nói chuyện với cán bộ cốt cán của tỉnh tại hội trường Tỉnh ủy và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 325 tại biển Nhật Lệ…), bộ sưu tập huân chương, huy chương của các đơn vị, cá nhân có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều thư khen và hiện vật thể khối mà Bác Hồ tặng các cá nhân, đơn vị trong tỉnh…

Nơi lưu giữ mạch nguồn ký ức Bộ sách thư pháp xác lập kỷ lục thế giới về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được trưng bày trang trọng trong không gian bảo tàng.

Bộ sưu tập các loại huân chương, huy chương được Bác Hồ ký tặng thưởng có nhiều huân chương, huy chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì tặng thưởng cho nhân dân, cán bộ, công nhân viên, thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình đã nêu cao tinh thần dũng cảm quyết tâm khắc phục khó khăn, lập nhiều thành tích trong công tác bảo đảm giao thông vận tải năm 1964; Huân chương Độc lập hạng Nhì tặng thưởng cho quân và dân tỉnh Quảng Bình nhân dịp lập chiến công vẻ vang bắn rơi 500 máy bay Mỹ năm 1968…

Ngoài ra, còn có các hiện vật thể khối mà Bác Hồ tặng cho cán bộ và nhân dân Quảng Bình như: chiếc máy cày ĐT54 tặng Hợp tác xã Đại Phong (lá cờ đầu của ngành nông nghiệp toàn miền Bắc năm 1961) được trưng bày ngoài trời; đài Orionton Bác Hồ tặng cho đơn vị dân quân gái xã Võ Ninh cùng nhiều hiện vật, ảnh tư liệu đang được lưu giữ cẩn thận, trưng bày trang trọng trong không gian của bảo tàng, là nguồn tư liệu quý để người dân Quảng Bình nói riêng, cả nước nói chung được tiếp cận với những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.

Ngoài những dòng trích lược các giai đoạn lịch sử như: Quảng Bình thời kỳ Lý-Trần, thời Lê-Mạc, thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, thời Tây Sơn thế kỷ XVIII… đến giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và các tổ chức Đảng đầu tiên tại Quảng Bình, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền (1945), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…, bảo tàng còn sắp xếp, bố trí hợp lý các hiện vật, tư liệu quý minh chứng cho các sự kiện, giai đoạn lịch sử, giúp người xem dễ dàng tiếp cận với các thông tin qua mỗi hiện vật.

- Advertisement -

Nhiều bài học lịch sử được tái hiện qua cách tiếp cận các tư liệu, hiện vật như: truyền đơn kêu gọi anh em ngụy binh quay về với nhân dân; nhật lệnh của Ủy ban Kháng chiến hành chính Quảng Bình; tấm ván rầm của gia đình ông Phạm Minh Trà (Duy Ninh, Quảng Ninh) dùng để lót giao thông hào phục vụ du kích đánh Pháp thời kỳ 1947-1954; xe đạp phục vụ kháng chiến chống Pháp… cùng những bức ảnh phản ánh sinh động cuộc sống và những chiến công của quân, dân Quảng Bình trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Các hiện vật về vũ khí của quân, dân Quảng Bình sử dụng trong các cuộc kháng chiến cũng khá phong phú với nhiều loại như: kiếm, giáo, đại đao, lưỡi mác, gậy sắt, đòn gánh, dao gắm… đến các loại vũ khí hiện đại như: súng trường của anh hùng Trần Thị Lý sử dụng trong những ngày Mỹ xâm phạm vùng trời thị xã Đồng Hới; súng đại liên Mác-xim của Đại đội 2 Công an vũ trang Quảng Bình dùng để bắn rơi máy bay Mỹ… và nhiều hiện vật có ý nghĩa lịch sử khác như: bao đựng đạn, quần áo, mũ cối của quân, dân Quảng Bình…

Thông qua việc trưng bày, bảo quản các hiện vật tại bảo tàng đã giúp cho người dân hiểu thêm và trân trọng, tự hào về lịch sử địa phương, là địa chỉ mà rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đến tham quan, tìm hiểu, xem đây là một kênh học lịch sử hữu ích, giúp cho các thế hệ học sinh hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc.

Điểm hẹn văn hóa

Không chỉ phong phú về các hiện vật lịch sử, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình còn trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị văn hóa của người Quảng Bình qua các thời kỳ. Trong không gian khá rộng rãi, những hiện vật như: trống (dùng trong lễ hội đập trống của người Ma Coong Thượng Trạch, Bố Trạch), cối, chày, đó, đơm cá, trang phục, nhạc cụ… của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình được trưng bày ngay ngắn, có chỉ dẫn nguồn gốc cụ thể.

Bảo tàng còn có nhiều bộ sưu tập hiện vật thời kỳ đá mới được khai quật tại một số nơi như: hang Trăn (Minh Hóa), di chỉ Bàu Tró (Đồng Hới), di chỉ Cồn Nền (Quảng Trạch), di chỉ Ba Đồn…

Nơi lưu giữ mạch nguồn ký ức Với sự phong phú về hiện vật, bảo tàng là nơi thu hút nhiều người dân đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Quảng Bình.

Người xem có thể tìm hiểu, khám phá nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số Quảng Bình qua các hiện vật như: vòng đá, kiềng, khuyên tai, đèn, trống đồng, ấm, thố đồng, nỏ bắn cá, bẫy, ná… cùng các công cụ lao động sản xuất, vũ khí như: rìu lưỡi xéo, rìu hình thang, dao găm, giáo, mũi tên… (thời kỳ văn hóa Đông Sơn). Các bộ sưu tập khác như: con dấu, thẻ bài quan lại, đồng tiền Việt Nam, áo quần bần cố nông, áo quần của người đi ở cho địa chủ… thời phong kiến cũng khá phong phú, đa dạng.

- Advertisement -

Không gian trưng bày văn hóa Quảng Bình được phân chia, sắp xếp, giới thiệu theo 3 chủ đề: văn hóa các dân tộc Quảng Bình, Quảng Bình thời sơ sử và văn hóa Chămpa, Quảng Bình từ thế kỷ XI đến năm 1945. Mỗi chủ đề đều có giới thiệu sơ lược về nội dung phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của người dân địa phương và khách du lịch.

Một trong những điểm nhấn của Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình là không gian trưng bày về tài nguyên, thiên nhiên, con người Quảng Bình, nổi bật nhất là bộ sách vải, viết bằng chữ thư pháp Việt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bộ sách này đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và thế giới.

Anh Mai Thế Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cho biết: Hiện tại, bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày trên 16.000 hiện vật, tư liệu. Tất cả các hiện vật trưng bày đều được chú thích, giới thiệu ngắn gọn bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo 7 chủ đề thuộc các lĩnh vực: thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử Quảng Bình. Hàng năm, đơn vị luôn triển khai tốt các hoạt động như: lập hồ sơ di tích, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, kiểm kê, bảo quản di tích… từng bước đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa của công chúng, đặc biệt giới trẻ, nhằm phát huy vai trò, giá trị, hiệu quả của bảo tàng trong đời sống của người dân.
                                                                                                                                                   Nh.V

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202011/noi-luu-giu-mach-nguon-ky-uc-2183242/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,404Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm