5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng 

- Advertisement -
Năm 2020 trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và lũ lụt lịch sử đã gây ra thiệt hại nghiêm trong lên đời sống kinh tế – xã hội; các hoạt động du lịch giảm sút mạnh, người dân vùng đệm Phong Nha – Kẻ Bàng thiếu việc làm, gia tăng áp lực đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong bối cảnh đó, với tinh thần quyết tâm cao, Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng đã tích cực thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp… nhờ đó đã đạt được kết quả khá tích cực trên tất cả các mặt công tác. 
Cụ thể, công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tiếp tục tăng cường công tác thực thi pháp luật, tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt duy trì thường xuyên tại các địa bàn xung yếu và vùng biên giới, các vùng có nguy cơ bị xâm hại cao nhằm kiểm soát và hạn chế tối đa các hoạt động xâm hại tài nguyên của Di sản. Hạt Kiểm lâm VQG cũng thành lập và duy trì các Tổ chốt tại các khu vực xung yếu; thử nghiệm ứng dụng thiết bị máy bay không người lái Drone trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; sử dụng GPS, áp dụng phần mềm quản lý SMART trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; đồng thời xây dựng phương án quản lý, bảo vệ quần thể Bách xanh đá ở VQG và phương án kiểm tra, truy xuất lâm sản trên tuyến đường 20, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại các trạm kiểm lâm có rào chắn trong lâm phận VQG để tránh nguy cơ xâm hại đến nguồn tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý VQG cũng đã hướng dẫn kịp thời các chủ rừng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng và tuyên truyền, vận động các chủ rừng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên khu vực được giao, tạo vành đai an toàn đối với khu vực vùng lõi VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Từ năm 2019 đến nay, các đơn vị đã tổ chức được 3.671 đợt tuần tra bảo vệ rừng, tháo gỡ 35 lán trại, 3.746 sợi dây bẫy, đẩy đuổi 312 lượt người vào rừng và có ý định vào rừng trái phép; lập hồ sơ và ra Quyết định xử lý 40 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 181 triệu đồng.

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo cũng được chú trọng. Ban Quản lý VQG đã tăng cường công tác bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động làm suy thoái rừng, môi trường sống của những loài linh trưởng; áp dụng phần mềm SMART để giám sát các loài chủ chốt; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương trong việc tham gia bảo vệ động vật hoang dã. Công tác chăm sóc, cứu hộ động, thực vật hoang dã cũng được thực hiện tốt và việc giám sát đa dạng sinh học lồng ghép thực hiện Kế hoạch hành động về bảo tồn các loài linh trưởng tại VQG được triển khai có hiệu quả. Tính đến tháng 10/2020, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học đã được thực hiện như: “Nghiên cứu sinh thái và phân bố quần thể loài Bách xanh đá (Calocedrus rupestris) tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng”; “Nghiên cứu, điều tra mức độ ảnh hưởng của các loài ngoại lai xâm hại tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và đề xuất giải pháp phòng ngừa”; kế hoạch “Thử nghiệm diệt trừ loài Bìm bôi hoa vàng tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng”; kế hoạch “Khảo sát, đánh giá tình trạng một số loài thú lớn quan trọng tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng”…

Ngoài ra, Ban Quản lý VQG đã hợp tác với các đoàn nghiên cứu từ các viện, trường đại học, tổ chức trong và ngoài nước như: Viện Địa chất, Viện Hóa học, Trường Đại học William Paterson (Hoa Kỳ) và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới thuộc VQG Bidoup – Núi Bà… nghiên cứu về địa chất, các yếu tố môi trường hang động nhằm hỗ trợ cho công tác bảo tồn, phát triển du lịch; Hợp tác với Hội nghiên cứu Hang động Hoàng gia Anh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội thực hiện khảo sát hang động và cập nhật dữ liệu hang động; thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá những giá trị địa di sản (Geoheritages) nổi bật, ngoại hạng của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng”. Đến nay, Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, danh lục các loài động, thực vật với 2.952 loài thực vật và 1.395 loài động vật; đã phát hiện và khảo sát được 404 hang động; cập nhật các thông tin về văn hóa, lịch sử khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng; hoàn thiện các lớp chuyên đề bản đồ số như thảm, động, thực vật, thủy văn, văn hóa – xã hội, các loài nguy cấp, các loài xâm hại, nhiệt và mưa, địa chất, địa hình; xây dựng các công cụ tra cứu loài, giám sát tài nguyên.

Song song với công tác bảo vệ rừng, việc phát huy giá trị Di sản được đẩy mạnh. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được tiếp tục chú trọng theo hướng bền vững có sự tham gia của cộng đồng nhằm tạo sinh kế, giảm áp lực lên tài nguyên Di sản. Trong năm 2020, do tác động bởi dịch bệnh Covid-19, lượng khách trên địa bàn VQG Phong Nha – Kẻ Bàng giảm mạnh, các hoạt động du lịch bị ảnh hưởng rất lớn. Tính từ năm 2019 đến hết tháng 10/2020, tổng lượng khách tham quan Di sản thiên nhiên Thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng chỉ đạt hơn 1,2 triệu lượt khách (trong đó năm 2019 đã đạt 954.224 lượt). Cụ thể, khách nội địa hơn 1,1 triệu lượt; khách quốc tế hơn 193 ngàn lượt. Tổng doanh thu tại các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn VQG đạt hơn 376 tỷ đồng.

Công tác thực thi pháp luật về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cũng được triển khai hiệu quả. Lực lượng Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã đẩy mạnh tuần tra, bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, tháo dỡ, phá hủy một số lượng lớn dây bẫy, lán trại trái phép, đẩy đuổi hàng trăm lượt người xâm nhập trái phép vào rừng. Tính từ năm 2019 đến hết tháng 10/2020, tổng số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý là 44 vụ, trong đó năm 2020 có 11 vụ (giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019). Các vụ vi phạm được xử lý nghiêm nên đã góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của con người đến các giá trị đa dạng sinh học trong VQG.

Ngoài ra, Ban Quản lý VQG đã triển khai hiệu quả Kế hoạch số 1146/KH-UBND ngày 28/6/2017 của UBND tỉnh về triển khai hành động khẩn cấp các loài linh trưởng ở Việt Nam. Theo đó, kết quả thống kê quá trình giám sát đa dạng sinh học tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng từ năm 2019 đến tháng 9/2020 đã ghi nhận một số lượng lớn động vật hoang dã (71 lượt đàn với 389 lượt cá thể), trong đó có 03 loài chủ chốt là thú Linh trưởng được ghi nhận và theo dõi gồm: 10 đàn với 29 cá thể Vượn Siki; 42 đàn với 204 cá thể Voọc Hà Tĩnh; 19 đàn với 156 cá thể Voọc Chà vá chân nâu. Các số liệu trên đã minh chứng cho hiệu quả từ công tác quản lý, bảo vệ rừng tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, góp phần giữ được tính ổn định của môi trường sinh thái, tạo thuận lợi cho quá trình sinh sống và phát triển của các loài Linh trưởng nói riêng và quần thể các loài động vật nói chung trong khu vực VQG.

Xác định công tác phổ biến, tuyên truyền các nội dung liên quan đến đa dạng sinh học là một trong những biện pháp quan trọng và mang tính bền vững trong hệ thống các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý VQG đã tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp; tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các trường học vùng đệm; tập huấn kỹ năng truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng tác viên các xã và giáo viên các trường trung học vùng đệm… Ngoài ra, Ban Quản lý VQG đã tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác từ các nguồn lực để ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ theo từng lĩnh vực cho lực lượng cán bộ, viên chức, người lao động tại đơn vị.

Thời gian tới, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và phát huy giá trị Di sản theo kế hoạch, Ban Quản lý VQG tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác với tỉnh Khăm Muộn cũng như với các cơ quan chức năng của nước CHDCND Lào trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực giáp ranh giữa VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và VQG Hin Nậm Nô; đồng thời sẽ báo cáo UBND tỉnh đề nghị Trung tâm Di sản thế giới xem xét, phê duyệt đối với đề xuất hỗ trợ khẩn cấp quốc tế tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nhằm kịp thời khắc phục các thiệt hại do thiên tai lũ lụt vừa qua gây ra, cũng như hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, giám sát và cảnh báo thiên tai, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên Thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

N.Q

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình
Link bài gốc: https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/tiep-tuc-thuc-hien-tot-nhiem-vu-bao-ve-phat-huy-cac-gia-tri-di-san-thien-nhien-the-gioi-vuon-q.htm
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm