6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Hướng tới nền “nông nghiệp xanh”

- Advertisement -

Đổi mới khoa học-công nghệ, đẩy mạnh thu hút đầu tư là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những năm qua, Quảng Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) bền vững.

Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao

Nếu ai có dịp đến tham quan mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng của Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh sẽ không khỏi bất ngờ với khoảng không gian xanh, sạch và thoáng khí. Tại đây, chúng ta không còn bắt gặp hình ảnh người nông dân phải vất vả, tốn kém thời gian chăm sóc vì toàn bộ vườn rau của trung tâm được lắp đặt hệ thống tưới tiêu và bón phân hữu cơ tự động. Từng dãy rau tươi xanh được thiết kế trồng trên hệ thống thủy canh hồi lưu cách mặt đất hơn 1m nên thuận lợi cho việc thu hoạch cũng như quan sát, xử lý bệnh cho cây. Mô hình này được thực hiện hoàn toàn trong nhà màng nên khả năng chống côn trùng gây hại khá tốt, hạn chế tác hại do ảnh hưởng của thời tiết.

Hướng tới nền Sản xuất rau an toàn theo phương pháp thủy canh là mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Nguyễn Minh Châu, cán bộ Phòng Đào tạo phụ trách mảng nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh cho biết: “Hệ thống nhà màng trồng thủy canh rau xanh của trung tâm có diện tích 820m2, trồng đủ các loại rau cải, như: cải bẹ, cải cay, cải bó xôi… Rau trồng thủy canh vừa sạch lại bảo đảm an toàn nên khách hàng rất ưa chuộng, cung không đủ cầu. Thời gian tới, trung tâm sẽ xây dựng thêm nhà màng với diện tích 500m2 để trồng thêm các loại dưa, mướp và một số giống cây trồng mới”.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT), toàn tỉnh có 22 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC với tổng diện tích khoảng 100ha; chủ yếu sản xuất rau, quả an toàn, trồng cây dược liệu và trồng hoa. CNC được áp dụng, như: trồng cây trong nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng; trồng cây trên giá thể; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, thủy canh…, tạo ra các sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, không có dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm. Một số dự án điển hình như: trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Tuệ lâm, Nông trại sản xuất thực phẩm sạch của Công ty TNHH Thương mại Hiếu Hằng, Khu Nông nghiệp CNC của Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam…

Nhiều cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có ứng dụng CNC với hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín, có hệ thống điều hòa nhiệt độ, theo dõi ẩm độ; tự động hóa trong khâu chế biến và cung cấp thức ăn, nước uống; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi và xử lý nước thải sau sản xuất, quản lý bằng hệ thống camera…

Ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế, Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Quảng Bình có tốc độ phát triển khá nhanh, trên nhiều lĩnh vực. Đa số các cơ sở sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp CNC đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Các mô hình nông nghiệp CNC góp phần giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn có bước phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững.

- Advertisement -

Nhiều chính sách thu hút đầu tư

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT chia sẻ: “Phát triển nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu của nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Quảng Bình có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp CNC, như: đất đai, khí hậu, nhân lực dồi dào. Tỉnh rất cần các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp CNC”.

Hướng tới nền Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại thu nhập cao cho người dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh.

Thời gian qua, Quảng Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra các giải pháp, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC.

Ông Mai Văn Minh cho biết thêm, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC, tỉnh sẽ thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Các dự án, doanh nghiệp đạt tiêu chí nông nghiệp ứng dụng CNC theo quy định sẽ được ưu tiên hưởng các chính sách theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các quy định có liên quan khác của Nhà nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/2019/NQ-HĐND, ngày 12-12-2019 của HĐND tỉnh Quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp CNC theo mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp và PTNT đang tập trung vào một số mục tiêu trọng tâm, như: rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư ứng dụng CNC; xây dựng, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; phát triển các cơ sở nông nghiệp ứng dụng CNC; nâng cao số lượng doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản có lợi thế…

Trong giai đoạn 2020-2025, Quảng Bình phấn đấu xây dựng từ 2 đến 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở các địa phương có tiềm năng, lợi thế, như: Tây Bắc Đồng Hới, Tây Nam Bố Trạch…

Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đang tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm, gồm: phát triển chăn nuôi lợn giống, lợn thịt chất lượng cao tại huyện Lệ Thủy; trồng, chế biến cây dược liệu, cây ăn quả tại huyện Quảng Ninh; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung gắn với chuỗi cung ứng nông sản hàng hóa tại TP. Đồng Hới; trồng, chế biến cây dược liệu, cây ăn quả tại huyện Bố Trạch; phát triển chăn nuôi lợn giống, lợn thịt chất lượng cao tại huyện Quảng Trạch; liên kết trồng, chăm sóc, chế biến gỗ rừng trồng tại huyện Tuyên Hóa; trồng, chế biến cây dược liệu, cây ăn quả tại huyện Minh Hóa…

- Advertisement -

Lan Chi

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202101/huong-toi-nen-nong-nghiep-xanh-2184627/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm