6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tiếng kẻng giữ rừng

- Advertisement -

(Xã hội) – Nhằm bảo vệ rừng trồng, lực lượng Kiểm lâm huyện Lệ Thủy đã phối hợp với UBND xã Thái Thủy triển khai mô hình “Tiếng kẻng giữ rừng”. Từ khi đi vào hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả, mỗi lần phát lệnh kẻng, đều huy động nhanh chóng lực lượng, phương tiện dập tắt các vụ phát lửa trong rừng, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
 
Xã Thái Thủy (Lệ Thủy) có gần 4.400ha đất trồng rừng, chiếm 2/3 diện tích đất toàn xã. Trồng rừng đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Diện tích rừng nhiều, thời tiết mùa hè lại nắng nóng cực đoan, nên mỗi năm trên địa bàn xã thường xảy ra từ 6 đến 7 vụ cháy rừng, có vụ cháy gây thiệt hại trên 1,2ha rừng trồng.
 
Nguyên nhân các vụ cháy rừng trước đây chủ yếu là do ý thức bảo vệ rừng của bà con còn thấp; hệ thống loa thông báo có nhiều bất cập do mất thời gian thao tác, khi gió to, mất điện, không thể truyền thông tin cháy rừng khiến việc huy động lực lượng dập lửa gặp nhiều khó khăn…
 
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, năm 2020, lực lượng kiểm lâm huyện Lệ Thủy đã phối hợp với chính quyền xã Thái Thủy triển khai mô hình “Tiếng kẻng giữ rừng”.
 
Thực hiện mô hình, các cấp chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền công tác bảo vệ rừng cho nhân dân, vận động bà con mua sắm các dụng cụ để phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, xã đã chỉ đạo các thôn và tổ bảo vệ rừng tìm những thanh tà vẹt đường sắt cũ để làm kẻng báo động khi có cháy rừng. Đến nay, toàn xã đã có 5 cái kẻng báo cháy rừng được treo tại nhà trưởng thôn và các vị trí thuận lợi.

Tiếng kẻng giữ rừngChiếc kẻng này đã giúp xã Thái Thủy huy động nhanh chóng lực lượng, phương tiện để chữa cháy rừng.

Ông Nguyễn Trọng Sinh, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Thái Thủy chia sẻ: “Những chiếc kẻng được làm từ thanh tà vẹt đường sắt có âm thanh trong, vọng xa nên dễ dàng phát đi tín hiệu báo cháy. Từ khi mô hình được áp dụng, các vụ cháy rừng trên địa bàn sớm được thông báo và dập tắt nhanh chóng”.
 
Theo quy ước giữa các cấp chính quyền, lực lượng kiểm lâm và người dân, khi phát hiện cháy rừng, người dân phải thông báo với lãnh đạo xã, thôn, công an, kiểm lâm. Sau khi xác minh được vị trí đám cháy, Chủ tịch UBND xã sẽ chỉ đạo cho đánh kẻng. Kẻng được chia thành 3 hồi và 5 hồi. Kẻng 3 hồi là báo có cháy, còn 5 hồi là báo mức độ cháy rất mạnh. Người đánh kẻng yêu cầu phải nắm rõ được vị trí, mức độ của đám cháy. Ngay khi phát lệnh kẻng, người đánh kẻng phải gọi thêm một người dùng xe máy chở đi và mang theo kẻng chạy đến vị trí có đám cháy. Trên đường đi phải đánh kẻng liên tục để vừa thúc giục người dân tham gia chữa cháy, vừa dẫn đường cho các lực lượng đến vị trí có đám cháy chính xác.
 
Khi kẻng vang lên báo hiệu có đám cháy, yêu cầu toàn bộ các lực lượng chức năng cùng người dân phải khẩn trương mang các dụng cụ đi chữa cháy.
 
Ông Tô Ngọc Chung, trưởng thôn Nam Thái cho biết: “Mô hình tiếng kẻng giữ rừng của xã Thái Thủy đã được đông đảo bà con trong thôn hưởng ứng nhiệt tình. Năm trước có 2 vụ phát lửa trong rừng trồng, tôi đều đánh kẻng gọi và toàn bộ người dân đến dập lửa, nhờ đó, đám cháy nhanh chóng được khống chế, không gây thiệt hại kinh tế lớn cho bà con”.
 
Trước đây, mỗi lần xảy ra cháy rừng, ông Chung đều dùng loa để thông báo. Nhưng việc dùng loa còn nhiều bất cập do mất thời gian thao tác, lại có những lúc gió to, mất điện nên không thể truyền đi thông tin cháy rừng. Từ khi dùng kẻng, việc huy động lực lượng chữa cháy rừng trở nên nhanh chóng, hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Văn Xướng, một người dân ở thôn Nam Thái cho hay: “Năm trước, rừng nhà tôi có điểm phát lửa, ngay lập tức, tiếng kẻng báo động từ nhà ông trưởng thôn vang lên. Chỉ vài phút sau, hàng chục người dân cùng các lực lượng mang theo máy thổi gió và các vật dụng chữa cháy đến dập tắt đám cháy trong rừng”.
 
Nhờ tiếng kẻng giữ rừng phát huy hiệu quả nên mùa khô năm 2020, trên địa bàn xã Thái Thủy không xảy ra vụ cháy rừng lớn nào mà chỉ có vài điểm phát lửa do người dân bất cẩn, nhưng đều được huy động lực lượng dập tắt kịp thời, diện tích cũng như độ che phủ rừng hàng năm đều tăng.

Tiếng kẻng giữ rừngMô hình “Tiếng kẻng giữ rừng” góp phần bảo vệ hàng nghìn ha rừng trồng của người dân xã Thái Thủy.

Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy chia sẻ bí quyết giữ rừng: “Khi rừng mang lại cuộc sống ấm no cho người dân thì ý thức bảo vệ rừng của bà con sẽ ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền vận động, tổ chức tập huấn đến từng hộ dân cũng như tăng cường tuần tra, kiểm soát rừng. Đặc biệt, việc trang bị hệ thống kẻng báo động cháy rừng tại các thôn và các chủ rừng là “bảo bối” giúp cho công tác bảo vệ rừng được tốt hơn. Giờ đây, mỗi khi nghe tiếng kẻng đặc biệt ấy, dù đang ở bất cứ đâu, làm gì, người dân xã Thái Thủy và các lực lượng chức năng cũng ngay lập tức đi chữa cháy rừng. Mặc dù không có chế độ, không giải thưởng, nhưng việc bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng đã là việc chung của người dân trong xã dù đó là rừng của ai”.
 
Ông Trà Sông Hào, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy cho biết: “Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng ở xã Thái Thủy là một trong những điểm sáng của huyện Lệ Thủy. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao sáng kiến tiếng kẻng giữ rừng của lực lượng kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương. Bởi so với loa hoặc hệ thống báo cháy khác thì tiếng kẻng truyền đi thông tin và huy động lực lượng, phương tiện nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều. Thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai, mở rộng thêm mô hình trên các địa bàn khác để phát huy hơn nữa hiệu quả bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là trong mùa khô sắp tới”…
 
                                                                                                               Xuân Vương

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202102/tieng-keng-giu-rung-2185860/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm