6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Cô giáo cõng học trò đi học

- Advertisement -

(Giáo dục) – Năm học 1966-1967, cô giáo Hoàng Thị Anh Minh về dạy ở Trường cấp 1 xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn). Hồi đó chiến tranh, một số cơ quan nhà nước chuyển về sơ tán ở xã Quảng Minh. Lại thêm các tàu hải quân của Tiểu đoàn Sông Gianh thường về trú ẩn trong hói dưới những lùm tre, đêm đêm chạy xuống cửa Gianh chọi nhau với tàu địch nên máy bay Mỹ tập trung đánh phá ác liệt. Xã Quảng Minh trở thành “tọa độ lửa”, mục tiêu oanh tạc của máy bay địch.
 
Bước vào năm học 1967-1968, chúng ném một loạt bom sát thương xuống bến Hiệp Lực làm mấy kho hàng nhà nước gửi trong nhà dân bên bờ sông Nan bị cháy hết. Chúng tôi vào nhặt những thanh gỗ có bén từng tảng đường đắng như kẹo kho cá về ăn.
 
Có một trận chúng ném trúng nhà Hoàng Văn Bảy, một học sinh lớp 3 do cô Hoàng Thị Anh Minh chủ nhiệm. Một mảnh bom róc mất mảng thịt ở chân trái của Bảy làm lòi ra ống xương dài trắng hếu. Cô đã cùng dân quân cáng Bảy ra trạm xá đóng ở xóm Bắc. 

Cô giáo cõng học trò đi họcBà Hoàng Thị Anh Minh (người cầm ô bên trái) trong một chuyến thiện nguyện ở các trường vùng sâu, vùng xa.

Xóm Bắc cách xóm Nam gần một cây số, ít bom đạn hơn. Đêm đêm, bộ đội hành quân từ xã Quảng Trường về Kiệt Năm thôn. Các anh chị giao liên cùng một số học sinh cấp 2 lên Kiệt Năm thôn đón bộ đội về xóm Bắc nghỉ ngơi rồi ngày hôm sau lại tiếp tục vượt sông vào binh trạm Cự Nẫm.
 
Trước Tết Mậu Thân chừng 1 tháng, tôi đang học lớp 4 thì chúng lại thả bom đốt sạch cả xóm Nam. Các lớp trong xóm Nam phải sơ tán ra ngoài xóm Bắc để học. Nhiều gia đình ra làm hầm giữa các cánh đồng. Chúng ném bom xuống xóm Bắc và những căn hầm giữa đồng, cô Minh lại cùng dân quân đi cứu sập hầm. Ban đêm, cô còn cùng các chị dân quân vào xóm Nam chèo đò chở bộ đội qua sông. Chèo đò xong, cô ghé về thăm nhà Bảy. Hồi đó, không có trình độ phẫu thuật như bây giờ nên vết thương của Bảy để hở mãi không lành.
 
Thấy Bảy buồn bã nằm dưới hầm không đi lại được, lòng cô đau nhói. Không thể để học trò của mình bỏ học giữa chừng, cô đã đến nhà cõng Bảy ra xóm Bắc để học. Cô cõng về nhà cô ở xóm Bắc Minh Lệ để bổ túc thêm kiến thức. Những khi mưa to gió lớn hay trở trời, vết thương mưng mủ tái phát, Bảy ở lại nhà cô cả tuần.
 
Cả nhà cô, ai cũng coi Bảy như con cháu trong nhà và nhường cơm cho Bảy trong khi cả làng đều đang đói. Năm học 1968-1969, Bảy lên lớp 4, cô cõng đi thi đạt giải học sinh giỏi văn của huyện. Năm đó, cô được đi dự hội nghị chiến sỹ thi đua của ngành Giáo dục Quảng Bình tổ chức tại xã Đại Trạch. Cô được nêu gương trên Báo Người giáo viên nhân dân.
 
Sau này khi lên học cấp 3, Bảy đổi tên thành Hoàng Văn Điệt. Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch từ xã Quảng Hòa chuyển lên xã Quảng Thủy, vết thương tiếp tục chảy mủ, nhiều lần định bỏ học nhưng nhớ tới công lao của cô Minh 2 năm trời cõng đi học, Điệt cắn răng chịu đựng học tiếp. Anh thi đậu khoa Văn Trường đại học Sư phạm Vinh với số điểm rất cao. Ra trường, anh dạy văn ở Trường bổ túc Công nông rồi chuyển về Trường cấp 3 Cự Nẫm, vết thương lan xuống xương bàn chân hoại tử dần dần phải tháo khớp. Năm 1998 vào tháo khớp lần thứ 2 ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, gặp lại cô Minh, Điệt cứ ôm lấy cô nghẹn ngào trong nước mắt: “Ngày ấy nếu không có cô thì đời em chẳng biết ra sao nữa!”.
 
Cô giáo Hoàng Thị Anh Minh xuất thân trong một gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng. Cha cô là ông Hoàng Khắc Nhượng, một chủ đại lý thuốc Bắc nổi tiếng của làng Minh Lệ.
 
Trong kháng chiến chống Pháp, đồn hương vệ bao bọc khuôn viên nhà thờ Hòa Ninh. Bọn địch rào nhiều lớp tre gai có hào sâu bên trong cắm chông tre ngâm nước tiểu đề phòng quân ta đột nhập vào đồn. Chúng còn nuôi thêm bầy chó dữ để phát hiện người đi lại phía ngoài hàng rào. Đã mấy lần đội trinh sát của Tiểu đoàn 418 về bị phát hiện.
 
Ông Hoàng Khắc Nhượng đã mưu trí trộn bột hùng hoàng với khoai lang và cua đồng nướng chín vứt vào trong hàng rào để diệt bầy chó. Nhờ thế, đội trinh sát của Tiểu đoàn 418 dễ dàng vẽ lại được các vị trí bố trí hỏa lực của địch. Năm 1950, Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Quân khu 4 đã đánh tan đồn hương vệ Hòa Ninh giải phóng quê hương.  
 
Sau ngày hòa bình lập lại, ông Nhượng có sáng kiến trồng khoai chống đói thu hoạch dần dần 2 lần trên một luống, trong cùng một vụ. Chính nhờ kéo dài thời gian thu hoạch mà người dân được cứu đói trong những ngày giáp hạt. Ông được bầu chiến sỹ thi đua miền Bắc trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông phụ trách đông y ở xã Quảng Minh.
 
Ngày ngày, ông gánh 2 bồ thuốc đi chữa bệnh cho người dân. Thuốc Nam ông hái ở trong rừng nhưng đã trị được bệnh dịch tả ở xã Quảng Tiên trong khi tây y chưa dập được dịch bệnh. Đặc biệt người con gái thứ hai của ông là liệt sỹ Hoàng Thị Phương Thiện, ở Huyện ủy Quảng Trạch trên đường về công tác ở Quảng Thủy đã hy sinh tại bến đò Phù Trịch.
 
Người con trai duy nhất của ông Hoàng Khắc Nhượng là thượng tá công an, tiến sỹ Hoàng Sâm. Khi chiến tranh ác liệt nhất, anh đã rời Trường đại học Bách khoa Hà Nội lên đường đi chiến đấu. Anh lái xe tăng T54 (là một nguyên mẫu trong truyện ngắn “Hồi ức binh nhì” của nhà văn Nguyễn Thế Tường). Về hưu ở làng Minh Lệ, anh làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã và Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ, tổ chức nuôi tôm, cá lồng trên sông.
 
Anh trồng hơn 20ha rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. Giữa rừng, anh nuôi ong, mỗi năm thu hoạch hàng trăm lít mật. Anh còn vận động các hội viên khác mở trang trại chăn nuôi như: nuôi nhím, lợn rừng, gà, vịt, ngan, ngỗng phát triển kinh tế.
 
Các con cô Minh đều chăm ngoan học giỏi. Ba cô con gái đều là thạc sỹ kinh tế. Cậu con trai Trần Phúc Ánh lúc còn nhỏ đã quan tâm đến môi trường sống, bảo vệ hành tinh xanh. Khi đang học lớp 8 công trình nghiên cứu động đất của Ánh đã được nhận giải thưởng của Chính phủ Nhật Bản. Tốt nghiệp đại học, Ánh đã có công trình nghiên cứu về tên lửa được Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga mời sang 2 lần (năm 2016 và 2017). Nhưng 2 lần Ánh đều bị bệnh nên phải bỏ dở thí nghiệm để về nước.
 
Rời môi trường sư phạm, cô giáo Hoàng Thị Anh Minh về hưu tham gia tích cực các công tác của Hội Cựu giáo chức và Hội Cựu chiến binh ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới). Bà được nhân dân tín nhiệm bầu vào HĐND phường. Lúc về già, hai vợ chồng bà ra Hà Nội sống với các con. Tuy ở xa, nhưng bà vẫn luôn hướng về quê hương…
 
Hoàng Minh Đức

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/giao-duc/202103/co-giao-cong-hoc-tro-di-hoc-2186238/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm