6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ngày của tri ân – tiếp lửa “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma

- Advertisement -

(Xã hội) – 64 ngọn nến cháy lên dệt thành một vòng tròn kế bên phần mộ Anh hùng liệt sỹ (ANLS) Trần Văn Phương tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc (TX.Ba Đồn). Lần đầu tiên trong khoảng thời gian 10 năm từ khi ra đời hoạt động tri ân AHLS Gạc Ma, 50 cựu chiến binh (CCB) Gạc Ma tìm về với nhau sát cạnh nơi đồng đội mình nằm, cùng tiếp lửa cho “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma cháy mãi.
 
33 năm sự kiện Gạc Ma
 
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 14-3, CCB Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh) đều trở về bên mẹ Hồ Thị Đức, thân sinh AHLS Trần Văn Phương mà từ bao giờ anh và đồng đội-những người lính hải quân trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma thân thương gọi bằng mạ. Năm nay, anh Thảo vui lắm… vì chưa bao giờ đồng đội, đồng chí của mình lại đông đủ như thế này, điểm danh tròn số 50 tại lễ tri ân.
 
Buổi sáng, các CCB Gạc Ma ngồi quanh phần mộ AHLS Trần Văn Phương, câu chuyện giữ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao 33 năm trước (14-3-1988 – 14-3-2021) tái hiện qua từng câu chuyện kể mãi còn vẹn nguyên.
 
Anh Lê Hữu Thảo nhớ lại: “5 giờ sáng ngày 14-3-1988, khi thủy triều bắt đầu rút, 30 chiến sỹ chúng tôi nhận lệnh lên đảo Gạc Ma cắm cờ và tập trung nguyên vật liệu để xây đảo. Chừng một tiếng sau thì tàu Trung Quốc xuất hiện thả xuồng cao tốc và cho lính tràn lên đảo ngăn không cho bộ đội cắm cờ, xây đảo. Khoảng 50 lính Trung Quốc trang bị súng AK, lưỡi lê bật sẵn quần nhau với bộ đội ta trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng”.

Ngày của tri ân - tiếp lửa CCB Gạc Ma Trần Thiên Phụng, Quảng Trị (người ngoài cùng bên phải) tại lễ tri ân.

Thiếu úy Trần Văn Phương giữ chặt lấy cột cờ, giằng co mãi nhưng bọn chúng không uy hiếp được, chúng bất ngờ nổ súng. Anh Phương trúng đạn. Trước khi ngã xuống, một tay anh vẫn giữ chặt cột cờ, miệng hô to khẩu hiệu: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”. Binh nhất Nguyễn Văn Lanh đỡ lá cờ Tổ quốc từ thiếu úy Trần Văn Phương, đá văng khẩu súng của một tên lính Trung Quốc, một tên khác xuyên lê vào vai phải anh. Tiếng súng nổ chát chúa, anh tiếp tục dính thêm đạn vào người và đổ gục xuống.
 
Người băng bó cho Nguyễn Văn Lanh là anh Nguyễn Bá Ngọc. Chúng tôi cùng một số chiến sỹ khác đưa thương binh lên thuyền nhôm, trong đó có Võ Văn Tứ bị đạn pháo cắt lìa chân phải, máu ra nhiều. Chúng tôi dùng áo thấm máu và băng bó cho anh, nhưng trước khi thuyền cập đảo Sinh Tồn thì anh Tứ đã hy sinh”.
 
“Chiến hạm Trung Quốc vẫn tiếp tục nã pháo dồn dập vào các tàu hải quân ta, lính Trung Quốc xả AK vào bộ đội đang trôi trên biển. Tàu HQ-604 chỉ còn một màu đỏ rực máu và lửa, chìm dần vào lòng biển mặn. Tàu HQ-505 gần đảo Cô Lin và HQ-605 phía đảo Len Đao cũng bị tấn công và trúng đạn. HQ-605 bốc cháy, chìm lúc 6 giờ ngày 15-3. HQ-505 cháy phần đuôi, kiên cường nhằm thẳng bãi cạn Cô Lin lao lên cắm cờ chủ quyền Việt Nam”.
 
Trong trận hải chiến không cân sức giữ đảo Gạc Ma, 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, 9 người khác bị phía Trung Quốc bắt giữ. Trong 64 liệt sỹ hy sinh, tỉnh Quảng Bình có 13 người.
 
CCB Gạc Ma Nguyễn Văn Thống, quê quán xã Nhân Trạch (Bố Trạch), nguyên thượng sỹ, Lữ đoàn 83 công binh, bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh giam giữ tại bán đảo Lôi Châu, TP.Trạm Giang (Quảng Đông) từ tháng 3-1988 cho đến tháng 2-1991 mới được trao trả. Anh Thống đưa hai bàn tay không còn nguyên vẹn của mình lên nhẩm tính: “Vị chi chúng tôi làm tù binh hơn ba năm rưỡi trời”.
 
Nguyễn Văn Thống nhớ lại: “Khi tàu HQ 604 bị phía Trung Quốc bắn cháy rồi chìm xuống biển Gạc Ma, tôi bị thương rất nặng nằm trong hầm tàu. Tàu chìm xuống sâu, nước chảy vào mạnh đẩy ngược tôi trồi lên trên mặt nước. Ôm khúc gỗ công binh mình dùng để làm dầm nhà trên đảo rồi cứ thế trôi dạt trên biển. Khoảng 15 giờ chiều, khi bắt đầu kiệt sức thì gặp một chiến sỹ tên Đông cùng quê Quảng Bình. Hai người bơi thêm khoảng một tiếng đồng hồ thì tàu Trung Quốc phát hiện, vớt lên rồi chở về Trung Quốc”.
 
Có mặt tại buổi lễ tri ân, CCB Gạc Ma Trần Thiên Phụng, hiện tại đang sinh sống tại phường 2, TP. Đông Hà (Quảng Trị), 1 trong 9 người bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh, xúc động: “Sau 33 năm, tôi và đồng đội mới có dịp tái ngộ cùng nhau nơi phần mộ AHLS Trần Văn Phương. Gặp lại nhau, ai cũng đã hơn nửa đời người”.
 
Tiếp lửa “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma
 
Lễ tưởng niệm năm nay, danh sách họ và tên, quê quán các AHLS hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma được “điểm danh”, treo trang trọng phía lễ đài Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc. Phía dưới danh sách các anh là 64 ngọn nến nối hàng sát liền nhau, như ngày xưa các anh tay nắm chặt tay kết thành vòng tròn trước kẻ thù hung bạo để che chắn cho người giữ cờ-AHLS Trần Văn Phương. Kể từ đó, nhắc đến trận hải chiến giữ đảo Gạc Ma, đồng đội, đồng chí các anh và những con dân Việt lại nhớ đến một “Vòng tròn bất tử”.
 
Anh Lê Hữu Thảo trên cương vị Trưởng ban liên lạc CCB Gạc Ma chia sẻ: “Những người lính Gạc Ma chúng tôi mong muốn từ đây, lấy Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc, nơi an nghỉ của AHLS Trần Văn Phương làm nơi hội tụ và lan tỏa. Cứ đến ngày 14-3 hàng năm lại hẹn nhau trở về để tưởng nhớ và tri ân. Năm nay có 50 CCB ở 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh…, những năm tiếp theo sẽ lan tỏa ra khắp mọi vùng miền Tổ quốc, cho “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma luôn bất diệt, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
 
Ngô Thanh Long

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202103/ngay-cua-tri-an-tiep-lua-vong-tron-bat-tu-gac-ma-2186643/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm