6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Khi cộng đồng chung sức giữ rừng…

- Advertisement -

(Kinh tế) – Năm 2013, UBND huyện Minh Hóa đã ký quyết định giao trên 700ha rừng tại tiểu khu 239, NTK cho cộng đồng dân cư bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) quản lý bảo vệ. Từ đó, rừng được bà con bảo vệ rất nghiêm ngặt và ngày càng phát triển xanh tốt.
 
Trước đó, trên 700ha rừng tại bản Phú Minh, xã Thượng Hóa thuộc tiểu khu 239, NTK là khu rừng có trữ lượng gỗ gần 102.000 m3. Trong rừng có nhiều loại gỗ và lâm sản quý. Diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, gần đường Hồ Chí Minh (nằm trên đèo Đá Đẽo) trong khi lực lượng Kiểm lâm mỏng nên còn xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
 
Để góp phần bảo vệ và phát triển rừng, Dự án vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng đã có chính sách hỗ trợ cho huyện Minh Hóa giao rừng cho cộng đồng người dân các xã vùng đệm, trong đó có bản Phú Minh, xã Thượng Hóa quản lý, bảo vệ.
 
Thực hiện công tác giao rừng cộng đồng, các đơn vị liên quan đã tiến hành lập hồ sơ giao đất, giao rừng; xác định rõ ranh giới, diện tích, điều tra, đánh giá đúng hiện trạng của rừng…
 
Từ khi trở thành chủ của khu rừng giàu này, bà con bản Phú Minh và các thôn bản giữ rừng cộng đồng rất phấn khởi. Bảo vệ một ha rừng, bà con được hỗ trợ 200.000 đồng/năm và dự án kéo dài 6 năm. Năm 2019, Dự án vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng kết thúc, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho bà con giữ rừng từ 350.000 đến 400.000 đồng/ha/năm.

Khi cộng đồng chung sức giữ rừng...Lực lượng Kiểm Lâm và BQL rừng cộng đồng bản Phú Minh thường xuyên kiểm tra, phối hợp để bảo vệ rừng.

Để bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương đã hướng dẫn các cộng đồng lập kế hoạch bảo vệ rừng cũng như công tác chi tiêu nội bộ trong Ban quản lý (BQL) rừng cộng đồng bản Phú Minh. Riêng BQL thành lập 3 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ có 12 hộ dân được trang bị bộ đàm và một số trang thiết bị hỗ trợ thay nhau đi kiểm tra rừng.
 
Mỗi tháng, BQL đi kiểm tra rừng từ 2 đến 3 lần. Khi có vụ việc đột xuất hoặc có nguồn tin báo lâm tặc phá rừng, BQL đề xuất thêm lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, Công an và chính quyền địa phương cùng phối hợp để đấu tranh, trấn áp, đẩy đuổi.
 
Theo chân lực lượng kiểm lâm cùng BQL rừng cộng đồng bản Phú Minh vào thăm rừng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi hàng trăm ha rừng nguyên sinh ở đây phát triển xanh tốt.
 
Đi vào rừng khoảng 20m, hiện ra trước mắt là những cây táu, cây dổi chen nhau mọc lên cao vút. Có những cây có đường kính gần 2m, cả ba người nắm tay nhau vẫn ôm không xuể. Đi vào sâu hơn, chúng tôi thấy càng nhiều những cây gỗ lớn, có những cây cao khoảng 40-50m ken dày, nối liền nhau suốt cả cuộc hành trình dài.
 
Ông Thái Xuân Hồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng BQL rừng cộng đồng bản Phú Minh cho biết: “Tuy rừng gần như thế nhưng dân mình không ai dám tự tiện khai thác. Khi thấy có người lạ vào rừng, bà con sẽ nhắc nhở. Nếu có người chống lại thì bà con sẽ kịp thời báo cáo với BQL và các lực lượng chức năng ngay”.
 
Theo ông Hồng, từ năm 2013 đến nay, đã có một số vụ việc người lạ vào rừng khai thác gỗ trộm đã bị người dân phát hiện và đẩy đuổi. Năm 2019, một người dân ở nơi khác đem máy cưa lên chuẩn bị đốn hạ một cây táu thì bị người dân phát hiện và báo BQL. Ngay lập tức, BQL, lực lượng chức năng cùng người dân lên giải quyết kịp thời. Từ đó đến nay, không ai vào rừng khai thác gỗ nữa. Riêng dân trong bản cũng không ai được chặt cây trong rừng từ khi có lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ.
 
Ông Đinh Xuân Nhường, một người dân bản Phú Minh vui mừng cho biết: “Hàng tuần, tôi đều tham gia với đoàn đi kiểm tra rừng, chứng kiến những cây táu, cây gõ lớn thêm từng ngày là niềm vui lớn nhất. Nhờ rừng được bảo vệ tốt nên nguồn nước ngầm nơi đây không bao giờ cạn, tình trạng sạt lở núi rất ít khi xảy ra”. 

Khi cộng đồng chung sức giữ rừng...Người dân và lực lượng chức năng chung sức bảo vệ rừng cộng đồng bản Phú Minh.

Nhờ đó, rừng trên địa bàn được hồi sinh, góp phần đưa độ che phủ rừng của xã Thượng Hóa cao nhất huyện Minh Hóa với độ che phủ đạt 92,8%.
 
Ông Trần An Chung, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa khẳng định: “Việc rừng được giao cho cộng đồng bảo vệ, quản lý đã giảm áp lực về công tác bảo vệ rừng cho lực lượng Kiểm lâm, các vụ vi phạm lâm luật cũng giảm đáng kể, khả năng phòng hộ của rừng, nhận thức bảo vệ rừng của bà con ngày càng được nâng cao. Trong 5 năm qua, trên địa bàn không xảy ra vụ cháy rừng nào, chỉ xuất hiện một vài điểm phát lửa nhưng nhanh chóng được dập tắt. Để góp phần bảo vệ, phát triển rừng cộng đồng tốt hơn, chúng tôi sẽ tham mưu cho BQL rừng cộng đồng bản Phú Minh mua 3 camera sử dụng pin năng lượng mặt trời bí mật lắp đặt trong rừng để theo dõi. Đồng thời, cần nghiên cứu đưa một số cây dược liệu, cây bản địa trồng thêm dưới tán rừng để nâng cao hiệu quả kinh tế, mở rộng độ che phủ của rừng”.

Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa đánh giá: “Việc giao rừng cho cộng đồng bảo vệ là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân bản địa. Hiện cách làm này đang được nhân rộng. Toàn huyện có 18 cộng đồng đang được hưởng lợi khi tham gia bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP với diện tích 4.749,9ha. Ngoài ra, còn có 39 cộng đồng giữ rừng từ quỹ đất rừng tự nhiên của địa phương theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ với diện tích 16.000ha. Tổng số tiền hỗ trợ cho cộng đồng giữ rừng năm 2020 gần 3,8 tỷ đồng. Độ che phủ, trữ lượng gỗ của rừng cộng đồng bảo vệ cao hơn so với các loại rừng khác”.

                                                                                                                                                Xuân Vương

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202103/khi-cong-dong-chung-suc-giu-rung-2186852/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm