7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tuyên Hóa – Vùng đất của người Việt xưa

- Advertisement -

(Đât và Người) – Được đi qua gần hết các địa danh làng, xã của huyện Tuyên Hóa để sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng tổng hợp tỉnh, mới thấy Tuyên Hóa quả là vùng đất đã từng lưu dấu của người Việt cổ xưa. Ở bài viết này, tác giả mong muốn điểm xuyết đến những địa danh mà nguời Việt cổ xưa đã từng sinh sống, tồn tại cách đây hàng chục vạn năm.
 
Theo nguồn tài liệu khảo cổ học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, có thể hình dung được diện mạo văn hóa của cư dân tiền sử, sơ sử ở vùng đất Tuyên Hóa. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, người nguyên thủy ở Tuyên Hóa phải cư trú trong các hang động, mái đá, lèn núi ở phía đông Trường Sơn. Điều kiện tự nhiên của vùng này đã làm cho hệ sinh thái ở đây phát triển đa dạng. 

Tuyên Hóa - Vùng đất của người Việt xưaHang Minh Cầm-Tuyên Hóa khảo sát di chỉ người nguyên thủy thời đại đá mới.

Cư dân nguyên thủy đã quần cư thành cụm, chiếm cứ các vùng thung lũng nhỏ gần các khe suối vừa để dễ dàng nương tựa vào thiên nhiên, vừa để đối phó với thiên nhiên. Hệ thống sông suối cũng là nơi để nguời nguyên thủy Tuyên Hóa thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn nước, tìm kiếm thức ăn tại chỗ, tìm kiếm vật liệu để chế tác công cụ thô sơ phục vụ cho săn bắn, hái lượm.
 
Tại hang Minh Cầm, vào năm 1922, nhà khảo cổ học E.Patte phát hiện và khai quật hang Minh Cầm ở tọa độ 17 độ 48 phút 45 giây vĩ Bắc và 106 độ 11 phút 15 giây kinh Đông. Minh Cầm là di chỉ hang động thuộc dạng mộ táng, phân bố trong dãy núi đá vôi thuộc làng Minh Cầm, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa.
 
Hiện vật thu được là sọ của một em bé khoảng 9 tuổi, mang chủng tộc Negerito và phát hiện thêm một mảnh xương hàm của một cá thể khác thuộc chủng Mongoloit. Ngoài ra, còn phát hiện thêm 1 mảnh xương gót chân có vết khía song song, một mẫu xương ngón tay bị đốt thành than, xung quanh có vết thổ hoàng, một chiệc răng người bị cụt có thể do bị mài dũa, một số công cụ lao động bằng đá.
 
Bên cạnh đó, còn có hoa văn tai ở vỏ sò, hạt chuỗi bằng đá màu xanh, kích thước nhỏ hay còn có loại hoa tai hình lục giác được gia công bằng ngà; các loại đồ gốm có miệng loe, cổ eo, xung quanh cổ được tô màu một dãi thổ hoàng. Dưới dãi màu là hoa văn thừng ở thân gốm. Theo Etiene Patte khẳng định thì Minh Cầm không chỉ là di tích mộ táng đơn thuần mà còn là một di chỉ cư trú của cư dân thời tiền sử.
 
Những vết tích cư trú thể hiện rõ qua tổ hợp những công cụ lao động bằng đá như rìu có vai, phác vật rìu đá và các mảnh gốm đã qua sử dụng đã có thể khẳng định đây vừa là di tích mộ táng vừa là di chỉ cư trú của người Việt tiền sử ở Tuyên Hóa. Việc chôn người chết tại nơi cư trú là tập tục thể hiện sự gắn kết quan hệ tình cảm gắn bó với người đã khuất, niềm tin vào một thế giới tâm linh có thể tồn tại giữa linh hồn người chết và người sống.

Tuyên Hóa - Vùng đất của người Việt xưaHang Chùa Thạch Hóa, nơi phát hiện dấu tích cổ nhân, cổ sinh.

Cư dân Minh Cầm đã biết đến quy trình chế tác công cụ và đồ trang sức như mài, cưa, khoan, tiện, đánh bóng. Kỹ thuật chế tác công cụ đá đã ghè đẽo, tu chỉnh, mài, cưa, tra cán qua nhận diện các công cụ và phác vật, phế vật cho thấy được trình độ và kỹ thuật, quy trình chế tác của người nguyên thủy Minh Cầm đã rất thuần thục. Các phác vật đều có hình dáng, kích thước gần với công cụ rìu, bôn.
 
Các rìa cạnh thẳng, bề mặt cũng tương đối phẳng, chỉ cần mài qua là trở thành công cụ hoàn chỉnh. Kỹ thuật cưa, khoan, tiện thể hiện rõ ở các hạt chuỗi, vòng tay thu được. Các vỏ sò dùng làm đồ trang sức được ghè xung quanh và mài toàn thân thành hình tròn, ở giữa có khoa dùi lỗ để luồn dây đeo, một mặt cong khum, một mặt lõm, nhẵn. Đường kính khoảng 2-3cm.
 
Đặc biệt có loại hoa tai làm bằng vỏ sò được làm nhỏ hơn có dùi lỗ để đeo cũng được mài toàn thân. Niên đại của di chỉ Minh Cầm ở vào giai đoạn sớm thuộc văn hóa hậu kỳ đồ đá mới thuộc loại hình văn hóa hang động. Niên đại trên dưới 5.000 năm cách ngày nay.
 
Cư dân tiền sử Minh Cầm, Tuyên Hóa đã duy trì lối sống trong hang động, mái đá và các vùng sinh thái đá vôi, địa bàn cận núi, làm nơi cư trú ổn định trong một thời gian khá dài. Theo ông Đào Duy Anh: “Cùng với những đồ đá ở hang Minh Cầm, người ta đã tìm thấy di hài thuộc về giống người Negrito.
 
Nguời ta cho rằng giống nguời ấy đã tham gia một phần vào cơ cấu nhân chủng của người Việt Nam ngày nay, vì thỉnh thoảng vẫn còn thấy người da đen, tóc quăn, như nhiều di duệ của giống người ấy chỉ còn sót lại ở một vùng hẻo lánh trên Trường Sơn thuộc thượng du” Quảng Bình. Điều đó cho thấy, trong quá trình thiên di chiếm cứ đồng bằng, những chủ nhân tối cổ của vùng đất này đã mở rộng phạm vi giao tiếp, dẫn tới quá trình biến đổi cho hỗn chủng và xen cư (theo tiến Sỹ Nguyễn Khắc Thái-Lịch sử Quảng Bình).
 
Hoạt động kinh tế của người tiền sử ở Minh Cầm bao gồm kinh tế chiếm đoạt, khai thác và sản xuất đa dạng. Hoạt động săn bắn, hái lượm vẫn được duy trì. Manh nha của nghề thủ công đã xuất hiện đó là chế tác công cụ đá, làm gốm sử dụng trong cuộc sống và nghề chế tác đồ trang sức rất điêu luyện.
 
Họ đã có phương thức hoạt động kinh tế thích ứng với môi trường sống, triệt để lợi dụng nguồn thực phẩm phong phú từ thiên nhiên như đánh bắt cá, mò cua, bắt ốc có sẵn trên khe suối, sông, săn bắn các loại thú rừng vừa kết hợp làm nương rẫy. Các dấu tích còn sót lại khá rõ trong di chỉ cho thấy hoạt động kinh tế của cư dân nguyên thủy ở đây khá phong phú, đa dạng.
 
Thông qua các di vật tìm thấy còn cho biết khả năng giao lưu với khu vực đồng bằng và biển cũng đã có các hiện vật là vỏ sò, ốc biển dùng làm đồ trang sức, các công cụ đá, gốm mang phong cách văn hóa biển Bàu Tró.

Tuyên Hóa - Vùng đất của người Việt xưaĐoàn khảo sát tại hang Bụt-xã Thuận Hóa.

Theo điều tra cổ sinh cổ nhân của Viện khảo cổ học năm 2008, đã thấy nhiều hang động ở Tuyên Hóa có vết tích cổ nhân, cổ sinh. Hang Chùa Thạch Hóa có chứa nhiều hóa thạch cổ. Những dấu tích cổ nhân cổ sinh thu thập được như ốc núi, xương, răng động vật, mảnh gốm có hoa văn thừng ở hang Tiên Giới, xã Đức Hóa, hang Lèn Bảng xã Tiến Hóa, cho thấy dấu tích của người tiền sử.
 
Tại Thanh Thủy, Tiến Hóa, cũng đã phát hiện bộ hài cốt người, trong di mộ còn có cả đồ trang sức bằng vỏ sò được mài, khoan, xuyên dùi lỗ để làm vòng cổ đeo, hoa tai dùi lỗ một đầu để đeo như ở di chỉ Minh Cầm, một vòng đá được cưa, mài, khoan có thể là vòng đeo ở chân làm bằng đá trắng.
 
Cũng tại Đồng lê, Tuyên Hóa đã phát hiện một bộ sưu tập là công cụ đá gồm rìu, bôn, chày nghiền khá nhiều. Những phát hiện này cho thấy mảnh đất Tuyên Hóa đã từng là nơi cư trú của người tiền sử thuộc hậu kỳ đá mới. Với sự phát triển cao về kỹ thuật trong chế tác công cụ, một số bộ phận cư dân nguyên thủy ở hang động đã mở rộng địa bàn cư trú về vùng đồng bằng, chiếm lĩnh khai phá sau đợt biền tiến và đẩy nhanh hơn nhịp điệu phát triển văn hóa của mình. Và cũng nhờ đó mà những yếu tố mới, yếu tố tiền Đông Sơn đã xuất hiện, đánh dấu cho sự đóng góp của diện mạo văn hóa Đông Sơn ở Tuyên Hóa.
 
Có thể nói rằng, với văn hóa Đông Sơn, Tuyên Hóa cũng đã phát hiện được nhiều di vật để khẳng định được sự tiếp nối từ thời đại đồ đá sang thời đại đồ đồng là liên tục. Các hiện vật được sưu tầm về gồm giáo đồng phát hiện 1960 gồm rìu đồng lưỡi lệch (ở Thanh Thủy, Tiến Hóa năm 1997) và 1 chiếc ở Lèn Bảng phát hiện 1995; ngoài ra còn có 1 nồi đồng 2 mang cũng phát hiện tại Thanh Thủy, Tiến Hóa, năm 1997; 1 giáo đồng tại Thạch Hóa, rìu đồng lưỡi xéo tại Văn Hóa… Năm 1995, phát hiện rìu đồng lưỡi xeo  tại Lèn Bảng cùng thêm vòng đá và chuỗi bằng vỏ sò, niên đại khoảng từ thế kỷ III trước Công nguyên đến một vài thế kỷ sau Công nguyên.
 
Những hiện vật được phát hiện và sưu tầm thuộc văn hóa Đông Sơn ở Tuyên Hóa là chưa nhiều, chủ yếu là công cụ săn bắn, công cụ lao động, đồ dụng trong sinh hoạt. Những công cụ này có thể được đúc tại chỗ, cũng có thể từ nơi khác đưa đến. Có thể nhờ vào sự phát triển của nghề thủ công đã làm cho đời sống vật chất của người Việt cổ ở Tuyên Hóa thời đó không ngừng nâng cao.
 
Người Việt cổ Tuyên Hóa đã chế tác ra các nồi đồng 2 mang, kể cả nồi gốm. Trên các công cụ hình dáng hoa văn hình học, cho thấy tư duy thẩm mỹ của họ đã có. Cuộc sống của cư dân đã định cư, quần tụ lại thành làng bản, tạo ra những tập tục có tính truyền thống của cộng đồng. Con người đã biết đeo trang sức bằng khuyên tai, vòng tay, chân, nhuộm răng, ăn trầu, tô màu bằng thổ hoàng…
 
Nhìn chung, những hiện vật tuy phát hiện ít, nhưng cũng minh chứng và khẳng định cho một nền văn minh Đông Sơn bản địa đã từng hiện hữu ở Tuyên Hóa. Họ đã di chuyển nhiều hướng để chiếm lĩnh địa bàn sinh sống. Các hang động mái đá là nơi trú ngụ tiếp tục để theo đuổi kinh tế tước đoạt, một số di chuyển về hướng đồng bằng ven sông, biển… Đây còn là mảnh đất đã từng hiện hữu, giao thoa của văn hóa Sa Huỳnh ở phía nam nên cũng có các hiện vật như vòng tai, hạt chuỗi, khuyên tai mang dáng dấp của văn hóa Sa Huỳnh.
 
Như vậy, có thể nói, Tuyên Hóa là vùng đất cổ xưa của người Việt Quảng Bình. Họ đã từng sinh sống, quần cư, tồn tại từ thời đại đồ đá sang thời kỳ kim khí. Cư dân tiền sử Tuyên Hóa đã có bộ mặt văn hóa và trình độ kỹ thuật như các cư dân sống ở các vùng khác của Quảng Bình.
 
Sự ổn định về dân số và phát triển của kỹ nghệ chế tác đá, luyện kim đồng thau đã đưa nền kinh tế sản xuất của người nguyên thủy Tuyên Hóa từng bước vươn lên, cùng với nó là nền tảng xã hội, văn hóa-những xóm làng định cư hình thành ở vùng núi đến thung lũng và đồng bằng ven sông. Tuyên Hóa tự hào vì đã nằm trong dòng chảy của văn minh ở Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung: văn minh Đông Sơn-Sa Huỳnh và văn minh Đại Việt.
 
Trần Thị Diệu Hồng

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202103/tuyen-hoa-vung-dat-cua-nguoi-viet-xua-2187066/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm