6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Những tháng ngày “chưa xa”

- Advertisement -

(QP-AN) – Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, những năm tháng tuổi trẻ, ông Lê Thái Nhẫn (sinh năm 1943) ở thôn Thạch Bàn, xã Phú Thủy (Lệ Thủy) lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Những năm binh nghiệp, ông cùng đồng đội đã chiến đấu kiên cường và ngày thống nhất non sông 30-4-1975 trong ký ức ông không thể phai mờ… 
 
Ông Lê Thái Nhẫn nhớ lại: “Năm 1961, giặc Mỹ đánh phá mạnh ở miền Nam, tôi cũng như bao chàng trai trẻ xứ Lệ tạm biệt quê hương, mẹ già để lên đường nhập ngũ. Dù trước đó cha và bác ruột tôi hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, nhưng ngày tôi nhập ngũ, mẹ nuốt nước mắt vào trong, động viên tôi cố gắng chiến đấu, chiến thắng trở về”.
 
Thời gian này, ông được huấn luyện tại thị xã Đồng Hới và học văn hóa tại địa phương rồi được kết nạp Đảng khi tuổi vừa tròn đôi mươi. Năm 1965, ông được điều động đi học sỹ quan ở trường lục quân Sơn Tây. Tại đây, ông được biên chế vào trung đoàn trinh sát chuyên tập nhảy dù, rồi chuyển qua huấn luyện đặc công trước khi ra chiến trường. 

Những tháng ngày Ông Nhẫn đang chia sẻ niềm vui cùng đồng đội khi nhận được thư gia đình năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Tháng 8-1967, ông được lệnh đi B2 vào chiến trường Đông Nam bộ. Ở chiến trường từ năm 1968-1973, ông tham gia nhiều trận đánh khác nhau, nhưng ác liệt nhất vẫn là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Tháng 3-1975, đơn vị D14, E429 của ông được lệnh điều động lên Tây Nguyên chiếm lại sân bay Nhân Cơ và thị xã Gia Nghĩa. Thời điểm đó, quân địch đã suy yếu,  không còn đủ sức chống cự nên đầu hàng nhanh chóng. Để huy động lực lượng giải phóng hoàn toàn miền Nam như dự kiến, đơn vị ông được lệnh cấp tốc rút về Đông Nam bộ.
 
Ông Nhẫn kể: “Khi về gần tới nơi, trinh sát báo không thể hành quân bằng đường bộ mà phải đi bằng đường sông. Ngay lập tức, trong vòng 3 đêm, tôi cùng đồng đội cho tư trang vào túi nilon bơi hàng chục km dọc sông Sài Gòn. Đến rạng sáng ngày 27-4, lực lượng của ta đã tập kết đầy đủ quân số ở khu vực xa lộ Đại Hàn”.
 
Tối 28-4-1975, đơn vị D14 của ông được lệnh tấn công và chiếm được Đài Phát thanh của chính quyền Ngụy ở Quản Tre. Đến tối 29-4 thì tiến vào đánh khu huấn luyện quân sự Quang Trung (gần Sân bay Tân Sơn Nhất). Đến trưa ngày 30-4 thì khu huấn luyện này đã thuộc về quân giải phóng. Thời điểm này, 5 cánh quân của ta với khí thế tấn công như chẻ tre đồng loạt tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu.
 
Ông Nhẫn bồi hồi nhớ lại: “Gần 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, khi tôi cùng đơn vị đang tiếp quản khu huấn luyện quân sự Quang Trung thì nhận được tin các cánh quân đồng loạt tiến công vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh… cũng đã bị ta chiếm khiến Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Nghe tin ấy, tôi mừng lắm! Cả ngày 30-4 đến rạng sáng 1-5, Sài Gòn rợp bóng người, cờ hoa và rực sáng ánh đèn. Người dân khắp nơi mang cơm đến tiếp tế cho bộ đội và cùng hân hoan mừng chiến thắng”.
 
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nhẫn cùng đơn vị ở lại để làm công tác rà phá bom mìn, xây dựng lại chính quyền, cải tạo quân Ngụy ở Sài Gòn, Phú Quốc. Tháng 7-1978, đơn vị ông đổi tên thành Trung đoàn 142 và nhập vào Sư đoàn 301 tiến sang Campuchia để giúp nước bạn tiêu diệt Pôn Pốt, xây dựng lại chính quyền và lực lượng vũ trang chủ lực. Năm 1986, ông về hưu theo chế độ mất sức 61% với cấp bậc trung tá.
 
Rời quân ngũ, ông cùng vợ là bà Phan Thị Lý chung lưng đấu cật để nuôi 5 người con ăn học. Ông Đỗ Văn Phán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Lệ Thủy cho biết: “Trong chiến đấu, ông Nhẫn là người lính đặc công tinh nhuệ, kiên cường, gan dạ. Trong thời bình, ông luôn phát huy phẩm chất của người lính, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nay cả 5 người con của ông đã khôn lớn trưởng thành, có việc làm ổn định. Dù tuổi cao những ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, nhất là đóng góp sức người, sức của cho xây dựng nông thôn mới hay phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương”… 
 
 Xuân Vương

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/quoc-phong-an-ninh/202105/nhung-thang-ngay-chua-xa-2188627/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm