7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tăng thêm sức mạnh cho chi bộ Đảng miền núi

- Advertisement -

(Phóng sự) – Chi bộ Đảng là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở địa phương, là “gốc rễ” của Đảng trong quần chúng. Vì vậy, việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ Đảng nhằm khởi xướng, dẫn dắt phong trào quần chúng nhân dân được coi là một trong những yếu tố quyết định trong việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Đối với các địa phương miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), chi bộ Đảng chính là “trụ cột”cho một cộng đồng phát triển. Nhận thức được điều đó, những năm qua, các đảng bộ ở huyện miền núi Tuyên Hóa đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng và tăng thêm “sức mạnh” cho các chi bộ ở khu vực miền núi, đặc biệt khó khăn.
 
Kỳ 1: Chật vật duy trì chi bộ Đảng
 
Nếu như việc xóa “trắng” đảng viên, chi bộ Đảng ở các bản, làng ở khu vực miền núi, nơi có đông ĐBDTTS là nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền các địa phương, thì việc duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ Đảng nơi đây không phải là điều dễ dàng và cũng không phải tự nhiên mà có. Đó là hành trình kiên trì, nhẫn nại của các đảng bộ, chi bộ và những “hạt giống đỏ” nơi đây.
 
Hành trình nhọc nhằn
 
Con đường bê tông nối từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm bản Cà Xen dài hơn 1km, qua hết dốc Trôông Mọ đã thấy màu xanh mướt của đồng lúa. Thấp thoáng dưới tán rừng keo tràm là những nếp nhà sàn nhỏ xinh được rào chắn, bao quanh cẩn thận. Bí thư Chi bộ bản Cà Xen Hồ Chí Thành cho biết, cánh đồng lúa nước này đã làm ấm cái bụng của người Mã Liềng. Người Mã Liềng ở bản Cà Xen có được cuộc sống như ngày hôm nay đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng. Thế nhưng, việc duy trì hoạt động của chi bộ Đảng để lãnh đạo, dẫn dắt người Mã Liềng nơi đây là cả một câu chuyện dài.
 
Đến những năm đầu của thế kỷ XX, người Mã Liềng ở bản Cà Xen vẫn còn sống du canh du cư, nay đây mai đó. Cuộc sống của họ chủ yếu săn bắt, hái lượm, chặt-đốt-cốt- trỉa. Từ năm 1996 đến 1998, tức là phải mất thời gian 3 năm, qua tuyên tuyền, vận động, người Mã Liềng ở 6 bản nhỏ, gồm: Quạt, Hà, Bịn, Rưng Rưng, Mã Đao và Cà Xen mới về tập trung sống quần tụ tại bản Cà Xen như ngày nay. Năm 2003, sau khi người dân bản Cà Xen đã dần thích nghi và làm quen với cuộc sống định canh định cư, Chi bộ bản Cà Xen được thành lập, với 3 đảng viên (trong đó chỉ có 1 đảng viên gốc người Mã Liềng). 

Tăng thêm sức mạnh cho chi bộ Đảng miền núiMột buổi sinh hoạt của đảng viên Chi bộ bản Cáo, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).

Ông Nguyễn Hữu Tương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hóa (từ năm 2010 đến năm 2020) nhớ lại, Chi bộ Cà Xen được thành lập là yêu cầu tất yếu và cấp thiết. Nhiệm vụ của chi bộ lúc đó là giúp đỡ bà con xây dựng cuộc sống mới và tạo ý thức lao động, sản xuất. Tuy nhiên, muốn thành lập chi bộ, lúc đó, địa phương phải đưa đảng viên là cán bộ xã vào, chứ đảng viên người DTTS không thể đảm đương được. Thế hệ những đảng viên đầu tiên vào tăng cường để tổ chức xây dựng Chi bộ Cà Xèn cũng là những người “bốn cùng” với dân bản xây dựng cuộc sống mới. Phải qua hơn 10 năm sau ngày chi bộ thành lập, người Mã Liềng nơi đây mới có được “hạt nhân” đủ sức để đảm đương nhiệm vụ bí thư chi bộ.
 
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hóa Phạm Anh Minh cho hay, từ một chi bộ chỉ có duy nhất 1 đảng viên gốc đó, người Mã Liềng ở bản Cà Xen đã có một cuộc thay đổi lịch sử. Từ đây, họ đã biết làm lúa nước, đào ao thả cá, biết trồng rừng và sản xuất. Chi bộ và các đảng viên nơi đây đã trở thành những “hạt nhân” là trụ cột cho bà con và là “cánh tay nối dài” cho Đảng ủy trong triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Sinh hoạt ghép để duy trì đảng viên
 
Từ lâu, nữ đảng viên, Trưởng bản người Mã Liềng Phạm Thị Lâm ở bản Cáo, xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa) được biết đến là một trong những nữ trưởng bản kỳ cựu, uy tín (với 23 năm làm trưởng bản) và là nữ đại biểu HĐND huyện người DTTS duy nhất của huyện Tuyên Hóa từ năm 2001 đến năm 2016. Bà là “cây cầu nối” uy tín và hiếm hoi giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và dân bản. Suốt bấy nhiêu năm qua, người Mã Liềng nơi đây gọi bà là người có nhiều chức vụ nhất bản, vì bà vừa là trưởng bản, vừa kiêm luôn trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, chi hội trưởng Chi hội Nông dân.
 
Nữ trưởng bản Cáo nhớ lại, thực tế lúc đó bắt buộc như thế, chứ không ai mong muốn điều đó. Làm trưởng bản từ năm 1999, nhưng phải đến năm 2002, bà mới được kết nạp Đảng (bà Phạm Thị Lâm là thế hệ đảng viên người Mã Liềng thứ 2 ở bản Cáo). Thời điểm đó, bản Cáo chỉ có bà và bố bà là ông Phạm Bá Nghĩa là đảng viên. Mỗi lần sinh hoạt chi bộ, 2 bố con bà phải lặn lội đi bộ quãng đường 6km xuống trung tâm xã để sinh hoạt tại Chi bộ cơ sở xã Lâm Hóa. 

Tăng thêm sức mạnh cho chi bộ Đảng miền núiChi bộ Đảng yếu sẽ khó tổ chức, gây dựng các mô hình, phong trào làm ăn phát triển kinh tế.

Năm 2003, khi Chi bộ bản Chuối được thành lập thì 2 bố con bà đến bản Chuối để sinh hoạt chung. “Việc tổ chức sinh hoạt lúc đó chưa chất lượng như bây giờ. Sinh hoạt chủ yếu để duy trì chi bộ và giữ đảng viên. Nội dung sinh hoạt cũng rất đơn giản. Cũng vì lý do sinh hoạt tại chi bộ chung, nên có những vấn đề nhạy cảm phát sinh, như: tại sao lại tổ chức sinh hoạt ở bản này mà không phải bản kia, đảng viên bản này khó có thể sâu sát để đưa ra các nghị quyết đúng đắn ở bản kia…
 
Vì vậy, mà chi bộ lúc bấy giờ phải tổ chức luân phiên mỗi bản một tháng. Khi vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ và đảng viên chưa thực sự phát huy, thì các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng khó “thấm” được vào trong cuộc sống của dân bản. Vì vậy, đời sống của người dân Mã Liềng ở bản Chuối và Cáo qua nhiều năm vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét”, đảng viên Phạm Thị Lâm cho biết.
 
Hơn ai hết, bà chỉ muốn bản Cáo có được một chi bộ Đảng độc lập, có đầy đủ hội, đoàn thể địa phương, để cùng chia sẻ công việc. Thế nhưng, mong muốn nói trên của bà không dễ để thực hiện. Lý do, số lượng và chất lượng các đảng viên người Mã Liềng ở cả bản Cáo và Chuối, lúc đó còn thiếu và yếu. Trong khi đó, việc tìm người để đào tạo, bồi dưỡng lại rất khó.
 
Bà Lâm kể: “Trước đây, bản Cáo cũng đã đào tạo được một trường hợp để làm chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản, nhưng làm được chừng 1 năm thấy việc nhiều quá, gánh không nổi, thế là họ bỏ. Những năm gần đây đã có một thế hệ thanh niên trẻ được học hành, nhưng rồi tốt nghiệp THPT họ cũng đi làm ăn, chứ không ai chịu ở nhà, giúp bản làng, quê hương. Có người đã tham gia học cảm tình Đảng nhưng rồi cũng bỏ đi làm ăn xa”.
 
Phải đến tháng 9-2019, khi Chi bộ bản Cáo, xã Lâm Hóa được thành lập, ước mong của nữ đảng viên, Trưởng bản Phạm Thị Lâm mới trở thành hiện thực. Từ đây, bản Cáo đã có chi bộ Đảng của mình, không còn phải sinh hoạt ghép với Chi bộ bản Chuối như lúc trước. “Ước mơ đó không chỉ của mình tôi, của những cán bộ, đảng viên nơi đây mà còn của người Mã Liềng ở bản Cáo”, bà Lâm hào hứng chia sẻ. Bởi, hơn ai hết, bản thân nữ trưởng bản là người được chia sẻ trọng trách, mà suốt hơn 20 năm nay một mình bà đảm nhiệm.
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lâm Hóa Đinh Văn Bắc, quãng đường từ trung tâm xã đến 3 bản ĐBDTTS (bản Kè, Cáo và Chuối) trên địa bàn xã không xa, thế nhưng “khoảng cách” từ việc tổ chức triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng đến dân bản thì vẫn còn khá xa.
 
Cùng với những hạn chế về nhận thức, hầu hết các chi bộ Đảng ở các bản có đông ĐBDTTS vẫn chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; đảng viên chưa phát huy tính tiên phong, gương mẫu; chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế. Điều đó dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phát động các phong trào, cuộc vận động phát triển kinh tế-xã hội khó có sự chuyển biến.
 
Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hóa Phạm Anh Minh, đối với các chi bộ miền núi, DTTS, chi bộ Đảng có vững mạnh mới xây dựng được hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh và phát triển. Và tất yếu, chi bộ mạnh thì mọi hoạt động mới đi vào nề nếp, khuôn khổ, chủ trương của Đảng mới được thực hiện, triển khai một cách cụ thể và triệt để. Lúc đó, các đảng viên nơi đây mới có cơ hội, điều kiện được rèn luyện.
 
Dương Công Hợp
 
 
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202105/tang-them-suc-manh-cho-chi-bo-dang-mien-nui-2188869/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm