6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn

- Advertisement -

Ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn

Hạ sỹ Phạm Ngọc Cương, lá cờ đầu trong phong trào thi đua chiến sỹ ‘Ba nhất’,

Đại đội 3 (Sư đoàn 304) cùng các chiến sỹ ‘Ba nhất’ ôn tập bài mục trên sa bàn thao trường.

(Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau

Cách đây 73 năm, ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. 

- Advertisement -

Trong lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau… Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” (1).

Mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, để “toàn dân đủ ăn mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất” (3).

Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Có thể thấy, quan điểm thi đua là yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam.

Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.

Về cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.

Về phương châm thi đua yêu nước, Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

Cùng với việc ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ngày 1/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 195-SL về việc thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương và Ban vận động thi đua ái quốc các cấp.

- Advertisement -

Trong quá trình phong trào thi đua ái quốc được phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của phong trào. Người nhấn mạnh: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi” (4).

Góp phần quan trọng vào xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân, đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, phong trào thi đua đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Ngay từ những ngày đầu phát động, phong trào đã diễn ra sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, với nhiều phong trào cụ thể như “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm,” “Ba đảm đang,” “Ba sẵn sàng,” “Năm xung phong”…

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn

Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cho HTX Đại Phong (huyện Lệ Thủy,

tỉnh Quảng Bình), nơi khởi nguồn phong trào thi đua Gió Đại Phong trong nông nghiệp,

thực hiện luống cày đầu tiên (tháng 6/1961) trước sự vui mừng của bà con xã viên.

(Ảnh: Văn Thượng/TTXVN)

Nhờ đó đã đưa nước ta từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt, nạn đói, nạn dốt dần được đẩy lùi, bước đầu đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho kháng chiến.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều phong trào thi đua yêu nước gây tiếng vang lớn, mang lại nhiều thành tích nổi bật, đóng góp cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, như phong trào “Hũ gạo kháng chiến,” phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm,” Thanh niên “Ba sẵn sàng,” Phụ nữ “Ba đảm đang,” “Gió Đại Phong,” “Sóng Duyên Hải,” “Cờ Ba nhất,” “Trống Bắc Lý”…

Bước vào thời kỳ đổi mới, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, các ngành, các cấp đã triển khai nhiều phong trào thi đua lớn, như: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi,” “Thanh niên lập nghiệp,” “Ðền ơn đáp nghĩa,” “Vì Hoàng Sa, Trường  Sa thân yêu”… 

Các phong trào có vai trò quan trọng để cả dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Ngày nay, nhiều phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực tiếp tục góp phần vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế như: “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), mô hình “Xây dựng khu nông thôn mới kiểu mẫu”, Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phong trào “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”…

Cùng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(1), (2): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5,tr. 444
(3), (4): Sđd, tập 6, tr. 270

Theo vietnamplus.vn

 

Nguồn tin: QBTV.vn
Link bài gốc: http://qbtv.vn/tin-tuc/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-thi-dua-yeu-nuoc-co-y-nghia-to-lon-17989.html
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm