1.5 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Hướng dẫn viên du lịch: “Gồng mình” trong đại dịch…

- Advertisement -

(Kinh tế) – Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch Quảng Bình. Phần lớn lao động trong ngành du lịch mất việc làm và có sự dịch chuyển nghề nghiệp, trong đó có đội ngũ những người làm hướng dẫn viên du lịch (HDVDL).
 
Để cầm cự, mưu sinh trong đại dịch, họ đã phải bươn chải làm đủ nghề để có thêm thu nhập. Trước thực tế đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho đội ngũ này đang được triển khai thực hiện…
 
Mưu sinh đủ nghề…
 
Anh Trần Anh Tuyến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) HDVDL Quảng Bình cho biết: “Giờ tôi không thể sống bằng nghề du lịch vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dù tôi đã được đào tạo, học hành bài bản tại TP. Hồ Chí Minh. Với hơn 15 năm trong nghề HDVDL, tôi giờ đành gác lại “giấc mơ nghề nghiệp”, chuyển sang kinh doanh quán ăn, nhưng quán ăn mùa dịch vẫn vắng khách, do vậy, gặp rất nhiều khó khăn…”
 
Cũng theo anh Tuyến, sau khi ra trường năm 2004, anh theo nghề HDVDL tại Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. Năm 2017, anh chuyển sang làm HDVDL tự do. Những năm chưa có dịch, vào mùa du lịch cao điểm, anh có mức thu nhập mỗi tháng từ 15-20 triệu đồng.

Hướng dẫn viên du lịch: Anh Trần Anh Tuyến (áo đen), Chủ nhiệm CLB HDVDL Quảng Bình đang bốc xếp hàng hóa của bà con Quảng Bình sẻ chia gửi vào TP. Hồ Chí Minh.

“Hai năm nay, do dịch bệnh, những người bạn từng làm nghề du lịch với tôi hầu hết đều chuyển sang làm môi giới bất động sản, shipper, phụ hồ, làm vườn hoặc bán hàng online. Hiện nay, những người sống bằng nghề HDVDL hầu như rất ít và gặp rất nhiều thách thức”, anh Tuyến chia sẻ.
 
Anh Hoàng Trọng Tấn (trú tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) là HDVDL nội địa, từng làm thuyết minh viên tại động Thiên Đường, sau chuyển sang làm HDVDL cho một số khách sạn tại TP. Đồng Hới, nay cũng phải chuyển làm nghề shipper.
 
Theo chia sẻ của anh Tấn, khi chưa có dịch bệnh Covid-19, nghề HDVDL của anh rất thịnh hành và thu nhập cao. Mỗi tháng, anh có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Nay, vì dịch bệnh, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, anh làm nghề shipper, mỗi tháng, thu nhập được 7 triệu đồng nhưng trừ chi phí xăng xe, còn lại cũng chẳng được bao nhiêu.
 
Sau mấy tháng bôn ba làm nghề shipper, anh cũng đành bỏ nghề và đang tìm kiếm nghề khác để kiếm sống, đắp đổi qua ngày.
 
“Hai vợ chồng đều làm trong ngành du lịch, nên ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến thu nhập của gia đình giảm đi đáng kể. Vợ chồng phải chạy vạy khắp nơi để kiếm sống. Hơn 10 năm theo nghề HDVDL, giờ dịch bệnh kéo dài, không biết tương lai sẽ như thế nào, mong dịch bệnh qua đi để trở lại nghề cũ…”, anh Tấn bộc bạch.
 
Chính sách hỗ trợ cho HDVDL…
 
Theo bà Đinh Thanh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, từ Điều 31 đến Điều 34 quy định, hướng dẫn cụ thể điều kiện, quy trình hỗ trợ đối với nhóm đối tượng là HDVDL.
 
Theo đó, HDVDL được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: có thẻ HDVDL theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDVDL quốc tế và HDVDL nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDVDL tại điểm. Mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người, được trả 1 lần cho người lao động.

Hướng dẫn viên du lịch: Phần lớn các HDVDL đều đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng vẫn dành thời gian cho các chương trình thiện nguyện.

Cũng theo bà Loan, theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để nhận được số tiền hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, nếu HDVDL không có hợp đồng lao động thì phải là hội viên của Hiệp hội về HDVDL.
 
Ngoài ra, các hướng dẫn viên còn phải có Thẻ hướng dẫn viên được cấp lần đầu trước ngày 1-5-2021 và còn hạn sử dụng. Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh đang rà soát, lập danh sách những hội viên của Hiệp hội để đưa gói hỗ trợ này đến tận tay HDVDL.
 
Theo chia sẻ của anh Trần Anh Tuyến, Chủ nhiệm CLB HDVDL Quảng Bình, hiện nay, đa phần các HDVDL sinh hoạt ở CLB đều làm việc tự do. Hiện tại, CLB đã lập danh sách 58 HDVDL tự do gửi sang Hiệp hội Du lịch tỉnh để xem xét, có thể hỗ trợ HDVDL trong thời gian tới.
 
“Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng mà Chính phủ mới ban hành kỳ vọng giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn trước mắt do đại dịch Covid-19, trong đó có HDVDL. Gia đình tôi đang gặp nhiều khó khăn nên nếu được hỗ trợ, sẽ đỡ phần nào, nhiều anh em làm nghề HDVDL cũng vơi bớt khó khăn…”, anh Tấn cho biết.
 

Theo Sở Du lịch, năm 2020, nhân lực toàn ngành du lịch có khoảng 6.000 lao động trực tiếp và 12.000 lao động gián tiếp, có khoảng 50-70% nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc tùy vào lĩnh vực cụ thể. Tổng số HDVDL được cấp thẻ đang hoạt động là 257 người, trong đó có 109 HDVDL nội địa, 167 HDVDL quốc tế…

 
Ngọc Hải
 
 
 
 
 
 
 
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202107/huong-dan-vien-du-lich-gong-minh-trong-dai-dich-2191457/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm