1.1 C
New York
Thứ Năm, Tháng Mười Một 30, 2023

BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY VÀ GIẢI PHÁP THOÁT NẠN ĐỐI VỚI NHÀ Ở VÀ NHÀ ĐỂ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH

- Advertisement -

Những năm qua, tình hình cháy, nổ tại các nhà ở và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh luôn diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 Cháy dãy nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh liền kề tại Hà Nội

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến loại hình này để xảy ra cháy, nổ và khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản:

Công năng sử dụng phức tạp: Loại hình thường sử dụng tầng 01 để kinh doanh, kết hợp làm phòng bếp hoặc nơi để phương tiện, ô tô, xe máy. Trong điều kiện chật hẹp, người dân thường tận dụng tối đa diện tích mặt bằng để kinh doanh với đa dạng các mặt hàng có khối lượng lớn được chất thành đống cao, treo sát đến trần, mái nhà. Việc sắp xếp hàng hóa, vật dụng sinh hoạt không hợp lý sẽ tạo điều kiện cho cháy lan nhanh và khó kiểm soát khi xảy ra cháy, nổ.

Bố trí vật tư, hàng hóa với số lượng lớn tại nhà để ở, kết hợp sản xuất, kinh doanh

Lối thoát nạn không đảm bảo: Đa số loại hình này ở các đô thị thường được quy hoạch xây dựng thành các dãy nhà liền kề, ngoại trừ mặt tiền thì các mặt còn lại hầu hết tiếp giáp với các nhà hoặc công trình liền kề khác, không có lối thoát nạn trực tiếp ra bên ngoài. Mặt khác, phần lớn các nhà này chỉ có một lối thoát duy nhất là cửa chính ở tầng 01, tuy nhiên việc người dân sử dụng cửa cuốn, cửa kéo trên lối thoát duy nhất này gây rất nhiều khó khăn trong việc thoát nạn. Để tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng nên cầu thang bộ trong nhà thường được làm theo dạng xoắn ốc, sử dụng vật liệu bằng gỗ, xung quang ốp trang trí bằng các vật liệu dễ cháy, không được trang bị hệ thống chiếu sáng sự cố, rất khó di chuyển vào ban đêm, kết hợp với việc làm “chuồng cọp”, rào chắn toàn bộ các tầng trên của nhà dẫn đến không có lối thoát lên sân thượng hoặc không có lối thoát sang nhà bên cạnh khi xảy ra cháy, nổ ở các tầng bên dưới.

- Advertisement -

“Chuồng cọp” được người dân lắp đặt để phòng mất trộm

Hệ thống điện không đảm bảo: Việc tự ý câu mắc hệ thống đường dây dẫn điện không đúng quy định, sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện cùng lúc dẫn đến quá tải là một trong những nguy cơ, hiểm họa có thể dẫn đến cháy, nổ bất cứ lúc nào. Một đặc điểm nữa là loại hình này thường có mặt tiền bị che kín bởi các bảng quảng cáo, trên đó có sử dụng hệ thống điện chằng chịt. Các bảng quảng cáo này được sử dụng thường xuyên, liên tục, lại bị tác động bởi nhiệt độ cao từ bên ngoài, mưa gió… nên rất dễ chập điện gây cháy lan vào bên trong nhà, cháy lan các nhà xung quanh.

Phương tiện chữa cháy, thoát nạn không đảm bảo: Đa phần loại hình này chưa được người dân quan tâm trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, thoát nạn ban đầu hoặc trang bị nhưng còn thô sơ, chưa đầy đủ và ít khi được kiểm tra, bảo dưỡng, có nhà chỉ được trang bị xô, chậu, thang tre, không thể đáp ứng yêu cầu thoát nạn và chữa cháy tại chỗ khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Thiếu kiến thức, kỹ năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC): Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn đó tâm lý chủ quan, thờ ơ đối với công tác PCCC; họ cho rằng cháy, nổ là chuyện xa xôi vì gia đình họ có gì đâu để mà cháy; cháy, nổ thường chỉ xảy ra đối với các chợ, Trung tâm thương mại, nhà máy, xí nghiệp và các doanh nghiệp lớn chứ không thể xảy ra với gia đình họ được. Nhiều người dân khác lại nghĩ rằng việc trang bị các phương tiện chữa cháy, thoát nạn ban đầu sẽ làm tốn diện tích nhà ở, gây bất tiện hoặc tốn kém chi phí, nên đã không thực hiện mặc dù cho các cơ quan chức năng đã ngày đêm nổ lực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động.

Chính vì vậy, để đảm bảo công tác an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với nhà ở và nhà để ở, kết hợp sản xuất, kinh doanh. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Quảng Bình khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH như sau:

1. Đồ dùng, hàng hóa dễ cháy, ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa khu vực bếp đun nấu, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy khác ở trong nhà, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng thấp nhất, thiết bị chứa phải kín, có dán nhãn và để ở khu vực riêng biệt.

2. Hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy (gỗ, tấm nhựa, mút xốp…) để ốp tường, trần, làm vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan, cháy lớn khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

- Advertisement -

3. Phải lắp thiết bị bảo vệ đóng, ngắt (cầu dao, cầu chì, aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn. Không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị tiêu thụ điện) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy. Thường xuyên tự kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện để kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót và có biện pháp khắc phục ngay đảm bảo an toàn PCCC.Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

4. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, máy sấy, lò sưởi; sạc điện thoại, xe máy, xe đạp điện phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện.

5. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ, chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải che chắn tránh bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan sang các khu vực khác.

6. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy; nếu dùng bếp Gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn Gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả Gas; nếu đun nấu bằng bếp dầu phải thường xuyên được lau chùi sạch sẽ, trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun nấu bếp dầu; đối với bếp điện (bếp từ, hồng ngoại…) cần bố trí đường dây điện phù hợp với công suất của bếp và có thiết bị bảo vệ đóng, ngắt; khi đun nấu phải có người trông coi.

7. Không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng, trường hợp đã lắp đặt thì tiến hành tháo bỏ hoặc phải mở thêm các cửa ở trên đó, đảm bảo là lối thoát nạn. Không bố trí vật tư, hàng hóa làm cản trở đường lối, cửa thoát nạn. Đối với nhà chỉ có duy nhất 01 lối thoát nạn, cần bố trí thêm phương án thoát nạn thứ 02 (cầu thang sắt ngoài nhà, thang dây, ống tụt hoặc dây thả chậm tự cứu đặt tại ban công, lô gia, sân thượng; lối sang mái của nhà bên cạnh để thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp). Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.

8. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.

9. Mỗi gia đình nên tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và có dự kiến các tình huống và phương án thoát nạn khi có cháy, trang bị và sử dụng thành thạo các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, thoát nạn ban đầu. Khi xảy ra cháy nổ, sự cố tai nạn, báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại nóng 114, đồng thời sử dụng phương tiện được trang bị tại chỗ để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Thanh Hà – PC07

Nguồn tin:Cổng TTĐT Công an tỉnh Quảng Bình
Link bài gốc: https://congan.quangbinh.gov.vn/bien-phap-phong-chay-va-giai-phap-thoat-nan-doi-voi-nha-o-va-nha-de-o-ket-hop-san-xuat-kinh-doanh/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,455Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,300Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm