5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Gặp tác giả bài hát "Chiến thắng Xuân Bồ"

- Advertisement -

Từ ngày còn học cấp hai, những năm năm mươi của thế kỷ trước, tôi đã được nghe bài hát Chiến thắng Xuân Bồ. Ngày đó chỉ biết hát, chứ mấy ai biết được tên tác giả. Sau này lớn lên, tôi mới biết được tên tác giả bài hát qua giáo sư Dương Viết Á. Và hôm nay, tôi may mắn được gặp ông, tác giả Trần Đình Hiếu, người sáng tác nên ca khúc Chiến thắng Xuân Bồ đã được lưu truyền trong công chúng gần bảy mươi năm qua.

Ông Trần Đình Hiếu, nay đã 93 tuổi, ở làng Di Luân, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch. Ông cho biết: “Ngày đi bộ đội, tôi cũng có biết nhạc sơ sơ, nhưng may là được ở với anh Nguyễn Đình Chiểu, nên tôi đã học thêm về sáng tác âm nhạc từ anh Chiểu, cùng ở Trung đoàn 18, thuộc Sư đoàn 325 với tôi, từ ngày tôi nhập ngũ – tháng 4 năm 1947. Anh Chiểu thời đó đã sáng tác nhạc không lời, bài “Sóng Nhật Lệ”, được lưu truyền rộng rãi vùng hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và thị xã Đồng Hới”.

Ông Trần Đình Hiếu kể rằng: Việc ra đời của bài hát Chiến thắng Xuân Bồ cũng rất tình cờ. Sau khi trận Xuân Bồ chiến thắng giòn giã, quân dân ta vô cùng phấn khởi, đặc biệt là nhân dân vùng Lệ Thủy. Bà con Xuân Bồ đi làm đồng thường hô vang: “Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ; năm trăm giặc Pháp không mồ chôn thây”. Lời hô đó đã như là câu hát. Tôi mừng quá, dân làng đã cho ông một chủ đề âm nhạc để ông có thể từ đó mà phát triển thành ca khúc. Trong khí thế mừng chiến thắng, cảm xúc âm nhạc dâng trào, ông lấy giấy ra chép ngay mấy câu mà dân làng đã hát và có sửa lại một tý: “Hoan hô chiến sĩ Xuân Bồ. Năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây”… Ông đã viết vào đầu bài hát bằng những câu hát thật súc tích, gọn gàng, đầy ý nghĩa về tình quân dân:

“Đồng quê một ngày qua mùa lúa chín giặc tàn hung hòng vơ vét cướp phá ngang tàng dày xéo. Chiến sĩ về cùng đồng lúa thơm thề không cho một bông lúa qua tay thù, một bông lúa giặc cướp đi”. Và ông đã lấy những câu đó phổ nhạc thành đoạn I của bài hát.

Gặp tác giả bài hát "Chiến thắng Xuân Bồ"

Ông Trần Đình Hiếu, tác giả của bài hát Chiến thắng Xuân Bồ.

Vào đoạn II, tác giả Trần Đình Hiếu dùng phần âm thanh mà dân làng Xuân Bồ đã hô vang để phát triển thành đoạn II một cánh trọn vẹn:

“Hoan hô chiến sĩ Xuân Bồ, năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây. Sông sâu máu thắm loang đầy. Thôn quê bừng tiếng dân cày cười vui. Ngày qua đồng lúa vàng tươi, lúa vàng một nắm gây mười lòng tin. Hạt lúa nhuộm máu càng xinh, về đây chung tình âu yếm hậu phương”.

- Advertisement -

Ông kể tiếp, là để cho có đầu có đuôi, ông viết thêm đoạn III cho tròn trịa bài hát. Thực ra, về lý thuyết sáng tác bài hát thể ba đoạn đơn không phải là dễ mà ai cũng làm được cho chuẩn. Vậy mà, tác giả Trần Đình Hiếu đã thành công khi sử dụng phần chủ đề âm nhạc để tái hiện vào đầu để rồi phát triển thành đoạn kết trọn vẹn về hợp âm chủ – Fa trưởng:

“Đồng bằng đây Xuân Bồ là đây. Hoan hô bộ đội bắn giết Tây. Đồng bằng đây Xuân Bồ là đây, năm trăm giặc Pháp tan tành hồn bay. Ngàn muôn lời hoan hô khắp nơi lừng tiếng chiến sĩ Xuân Bồ oai hùng lập công. Ngàn muôn lời hoan hô khắp nơi trìu mến chiến sĩ Xuân Bồ ngoan cường muôn năm”.

Ngay sau trận chiến thắng Xuân Bồ, anh bộ đội Cụ Hồ Trần Đình Hiếu, 25 tuổi thuộc Trung đoàn 18, Sư 325 đã thức trọn đêm để sáng tác xong bài hát “Chiến thắng Xuân Bồ”, vào đêm 20, rạng ngày 21 tháng 5 năm 1950.

Sáng tác xong bài hát, tác giả hát cho anh em trong đơn vị nghe, mọi người, thích quá, đã tập ngay. Và thật là may mắn, trong dịp tổng kết mừng chiến thắng, tác giả cùng hai chiến sĩ Đoàn Khắc Nội và Phan Văn Phú đã tam ca không nhạc đệm bài “Chiến thắng Xuân Bồ”, được đồng chí Trần Quý Hai, Chỉ huy trưởng, Tư lệnh Mặt trận Bình Trị Thiên – Trung Lào, thưởng 1.000 đồng hồi đó, toàn đơn vị liên hoan một bữa vui vẻ.

Sau trận chiến thắng Xuân Bồ, tập thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 đã được Quốc hội, Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Trung đoàn 18 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì. Riêng anh hùng Lâm Úy được truy tặng đanh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  

Duyên tình đến với ông Trần Đình Hiếu cũng thật là đẹp. Sau chiến thắng Xuân Bồ, tác giả của bài hát được vào bệnh xá đơn vị để chăm sóc sức khỏe, ông gặp và kết hôn với cô y tá xinh đẹp ngày ấy là Lê Thị Thức, kém ông một tuổi, quê xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Bà là em ruột ông Lê Hồng Cần, từng là cán bộ lãnh đạo Đoàn văn công Quảng Bình ngày trước và là bà cô của họa sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Duy Ứng. Hai ông bà sống hạnh phúc bên đàn con cháu sum vầy, đầm ấm vui vẻ, với nghề “Lương y như từ mẫu” được cha truyền con nối đến 3 đời nay… Hiện ông đang truyền dạy lại cho con ông là thế hệ thứ tư làm nghề bốc thuốc chữa bệnh. Ông bà vinh dự được Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam tặng Bằng công nhận và tôn vinh Lễ cưới Kim cương ngày 1-5-2016, khi ông Trần Đình Hiếu 92 tuổi, bà Lê Thị Thức 91 tuổi.

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Hai; ông cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý “Cán bộ tiền khởi”.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm