6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Hồ Cưỡng ông tổ vùng Lý – Nhân – Nam

- Advertisement -
Từ thành phố Đồng Hới theo đường Quốc lộ 1A ra Bắc, qua Ba Dốc tới cầu vượt đường tránh thành phố rẽ về phía Đông, cách huyện lộ Bố Trạch chừng 3 km, tới đầu làng Nhân Trạch, ta sẽ gặp lăng mộ vị tướng cuối đời Trần, tên chữ là Hồ Phúc Thiện, tên thường gọi là Hồ Hồng, tên húy là Hồ Cương, gọi ông trẻ là Hồ Cưỡng.
Hồ Cưỡng sinh vào khoảng niên hiệu Đại Trị (1358 – 1369), đời Trần Dụ Tông. Ông đã từng làm Giám Quân Tả Thánh Dực và làm Đại Trị châu lộ Diễn Châu. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 2, Bản kỷ, quyển 8, trang 194 Viết: ’’Quý Dậu năm thứ 6 (1393) Minh Hồng Đức thứ 26 mùa xuân tháng Giêng lấy Hồ Cưỡng làm Giám Quân Tả Thành Dực (Cương người ở Diễn Châu), Quý Ly ngầm tìm được dòng dõi họ Hồ định đổi theo họ cũ mới đem Cưỡng làm người tâm phúc.’’ 
Hồ Cưỡng ông tổ vùng Lý - Nhân - Nam
Cuối thế kỷ XIV, Hồ Cưỡng được Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly) lúc bấy giờ với tước Đại Vương phong làm Chánh đội trưởng chỉ huy một đạo quân trên 2.400 quân vào đánh Chiêm Thành ở miền Thuận Hóa. Vào đây ông lấy thêm một bà vợ lẻ và sinh ra một dòng họ Hồ. Gia phả họ Hồ Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có đoạn viết:
’’Ông vốn người khảng khái 
Chánh đội trưởng lập công 
Buổi trú quân Thuận Hóa 
Có lấy thêm một bà 
Rồi kết quả khai hoa 
Thành họ Hồ trong đó’’.
Khi vào trấn giữ miền đất mới, mảnh đất phía Nam của Đại Việt, ông đã chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất đai và đã trở thành ông tổ họ Hồ khai canh vùng Lý – Nhân – Nam. Trong miếu thờ ở khuôn viên mộ họ Hồ có câu: ’’Thần Hiền khai khẩn Lý – Nhân – Nam’’. Dòng họ Hồ ở Nhân Trạch từ đó được sinh sôi đông đúc. Ông là vị tướng được coi là có tài, đánh giặc nhiều nơi, thắng nhiều trận giòn giã. Gia phả họ Hồ Nhân Trạch có ghi lại những trận đánh do ông chỉ huy như trận đánh ở cửa sông Nhật Lệ, ở Bàu Tró, ở Phú Hội… 
Gia phả họ Hồ Quỳnh Đôi, Nghệ An ghi: ’’Ông chỉ huy đánh giặc phía Nam và hy sinh tại đó vì sự toàn vẹn của quốc gia Đại Việtt”. Ở Quỳnh Đôi không có mộ ông mà chỉ thờ mộ chiêu hồn (vọng táng). Ông đã được vua Khải Định phong sắc là ’’Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần’’ (Khải Định năm thứ 9 ngày 25 tháng 7, tức năm 1924). Sau khi sắc phong nhà Vua cho xây thành, cổng, băng mộ và đề tặng bốn câu thơ:
’’Ngũ giới nam dương quý khí ngọc cửa thần 
Thiên văn uy lệ quý hiền dâng chi mục 
Huyết hoàng quy thủy quý thiết ví lâm vi 
Nhật nguyệt như oai quý nhân trường thủy địa’’ 
(Trước bình phong băng mộ ở Quảng Bình)
Ở quê hương Quỳnh Đôi ông sinh được Hồ Hân, sau này theo giúp Lê Lợi đánh quân Minh, giữ chức Quản Lĩnh, được phong là Tả Quốc Công Thần. Ông Hồ Nhân là con thứ giữ chức Tráng Vũ Tướng Quân, Tả Hữu Trụ Quốc Đô Thống, tước Hoan Quận Công, cũng là một vị tướng giỏi của triều Lê. Con cháu của ông ngày nay ở làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) chiếm hơn một nửa dân số, ở Nhân Trạch (Quảng Bình) chiếm hai phần ba, chưa kể do sinh kế, do biến thiên của lịch sử mà toả đi khắp nước. Con cháu ông qua các triều đại, các thế hệ với chiều dài hơn 600 năm đã góp nhiều công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Văn bia họ Hồ ở Nghệ An có đoạn: ’’Đông các Hồ Sĩ Dương, Hoàng giáp, Hồ Sĩ Đống đã đem tài nội trị ngoại giao ra kinh bang tế thế. Thời Tây Sơn, Hồ Thơm (vua Quang Trung) cùng hai anh đã phất cờ đại nghĩa, tiêu diệt thù trong giặc ngoài, mở ra trang sử vẻ vang cho đất nước. Khi Pháp xâm lược nước ta, tiến sĩ Hồ Sĩ Tuần dâng sớ chống nghị hòa, Tuần Vũ Hồ Trọng Đỉnh giữ vững thành An Bang, Án Sát Hồ Bá Ôn tử tiết với thành Nam Định. Ông Hồ Học Lãm xuất dương sau làm chủ nhiệm biện sự xứ Việt Minh ở Hải ngoại. Ông Hồ Tùng Mậu qua Xiêm rồi sang Trung Quốc thành lập Tâm Tâm Xã, tham gia thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam… Về văn học, con cháu ông cần cù khổ học, làm rạng rỡ cho dòng họ và quê hương, đã có một Đông các Đại học sĩ, hai Hoàng Giáp, ba Tiến sĩ, hai Tuấn Sĩ, 52 phó bảng… Từ khoa bảng, nhiều ngươi đã trở thành rường cột của đất nước, nhiều người trở thành tác gia Việt Nam như Hồ Sĩ Dương, Hồ Sĩ Tâm, Hồ Xuân Hương… để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị…’’. 
Ở Quỳnh Đôi, Nghệ An, ông là ông tổ họ Hồ Quỳnh Đôi, vào trấn giữ Thuận Hóa, ông là ông tổ họ Hồ vùng Lý – Nhân – Nam. Ông là niềm tự hào không chỉ của hai dòng họ Hồ ở Nghệ An và Quảng Bình mà còn là niềm tự hào của dòng họ Hồ nói chung và nhân dân cả nước.
Nguồn: Quảng Bình ẩn tích thời gian
Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình – 2008
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm