6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và đường Hồ Chí Minh huyền thoại

- Advertisement -
Một điều dễ nhận ra là suốt buổi trò chuyện về tuyến đường, ông khiêm tốn ít nhắc đến cá nhân ông. Ông thường sử dụng đại từ nhân xưng là “chúng tôi”. Một thông điệp mà ông muốn gởi gắm cho thế hệ trẻ là: Đường Hồ Chí Minh huyền thoại gắn liền với công ơn trời biển của Bác Hồ kính yêu, của tập thể Bộ Chính trị, của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và toàn thể dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: “Quyết định mở đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, tổ chức tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường và thực hiện thắng lợi quyết định đó là thành công kiệt xuất trong chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Đường Hồ Chí Minh trên bộ ra đời ngày 19 tháng 5 năm 1959 và tiếp đó, đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời là sự thống nhất giữa ý Đảng lòng dân”… Như giới truyền thông Mỹ từng nhận định: “Đường Hồ Chí Minh lúc đầu chỉ dựa trên hàng trăm lối mòn… Vậy mà đến nay, nó đã trở thành con đường của xe cơ giới. Nhưng đáng sợ hơn, nó không chỉ là con đường vận tải tiếp tế mà đã trở thành mạng lưới đường phức tạp quanh co ra hàng chục, hàng trăm ngả. Tất cả sự phức tạp ấy được những cán binh cộng sản miền Bắc có trình độ tổ chức rất cao biến thành một trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.
Thời gian Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh (1967-1975) được xem là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh và đó là một chiến trường lớn. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn, vào lúc cao điểm quân số lên tới trên 12 vạn người, phiên chế thành 8 sư đoàn trực thuộc cùng 1 sư đoàn cao xạ và tên lửa phối thuộc.
Khi Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên vừa tiếp nhận, số lượng xe vận tải mới có 5 tiểu đoàn với 750 xe, sau đó đã lớn mạnh dần thành 2 sư đoàn xe vận tải với 1 vạn xe liên tục hoạt động. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường-cầu nhiều trục dọc Bắc-Nam; Đông -Tây Trường Sơn xuyên cả  ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông-Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng và kỳ hình. Sáu trục dọc, 21 trục ngang tạo nên một hệ thống đường Trường Sơn kỳ vĩ. Đó cũng là cơ sở để ta chuyển sang hình thức vận tải trong chiến đấu, dưới sự chiến đấu tổng hợp của binh chủng hợp thành.
Tròn 16 năm, kể từ khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập tuyến chi viện quân sự chiến lược đến ngày kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, thỏa mãn mọi nhu cầu, bảo đảm cho chiến trường đánh to thắng lớn. Vào thời điểm chót cùng của cuộc chiến, lực lượng vận tải cơ giới Trường Sơn đã thực hiện được chiến dịch thần tốc kỳ diệu, góp phần cùng quân và dân cả nước tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975-đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Hồ Chí Minh không những làm tròn sứ mạng lịch sử trong chiến tranh, mà còn tạo tiền đề để xây dựng một tuyến quốc lộ xuyên Bắc -Nam thứ hai dọc theo dãy Trường Sơn, xóa thế độc đạo đường xuyên Việt tồn tại lâu dài trong lịch sử.
Nhắc đến Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là nhắc đến một vị tướng tài có trái tim nhân hậu. Ông không thi vị hóa những chiến công. Trong hồi ức của mình, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên luôn tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì nền độc lập của dân tộc (riêng bản thân ông cũng có người con trai thứ tư là liệt sĩ).
Trung tướng khẳng định: “Thắng lợi của tuyến chi viện Trường Sơn thuộc về những cống hiến lớn lao, sự hy sinh cao cả của 120.000 người con ưu tú đã dốc hết sức lực máu xương và cống hiến trọn thời xuân sắc để xây dựng, duy trì sức sống, sức chiến đấu mãnh liệt của con đường trong mưa bom bão đạn của quân thù. Hơn hai vạn đồng chí đã anh dũng hy sinh, hơn 3 vạn người bị thương và biết bao người bị chất độc của Mỹ gây nên tật nguyền cho bản thân và hậu họa khôn lường cho nòi giống”. Để trọn tình trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội đã hy sinh, đầu năm 1974, xét thấy các yếu tố để giải phóng miền Nam đã hội đủ, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn-một điểm nhấn của quần thể di tích lịch sử quốc gia.   
Mỗi khi nhắc đến hai tiếng quê hương Quảng Bình, những người con ưu tú như ông đều chạm vào nỗi nhớ. Quê hương xã Quảng Trung, bên dòng sông Gianh ấy, ông đã có bao kỷ niệm đẹp của tuổi ấu thơ. Ông tâm sự: “Quê hương tôi ở cạnh dòng sông. Cảnh sơn thủy hữu tình bên dòng sông đã hấp dẫn tuổi thơ tôi. Hàng ngày mẹ cho tôi ra sông tắm, đùa nghịch trên bãi sông. Có những lần, lâu ngày chưa về quê nội, nhớ mẹ, tôi đã lấy lá đa gấp thành thuyền, thả theo dòng, gửi theo con thuyền lá tí xíu tình cảm nhớ thương của tôi về với mẹ. Mẹ tôi là người phụ nữ Việt Nam nhân h
ậu vô cùng”.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và đường Hồ Chí Minh huyền thoại
Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ảnh: Tư liệu
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên có ông nội là sĩ phu tham gia phong trào Cần Vương. Quê hương cũng là cội nguồn hạnh phúc của ông. Vợ ông cũng là một đồng hương. Ông đã từng nói về vợ trong những dòng hồi ức: “Từ ngày lấy nhau, suốt hai cuộc kháng chiến tôi luôn ở chiến trường. Tất tật việc gia đình đều trông vào vợ. Một nách một chùm con, mọi việc vợ tôi đều lo trọn. Việc nước, việc nhà tưởng như oằn hai vai bé bỏng của người phụ nữ… Quê hương, gia đình hết thảy là những gì yêu thương, da diết nhất; là nguồn sức mạnh lớn lao giúp tôi vượt qua bao khó khăn thử thách cam go suốt cuộc đời hoạt động cách mạng”…
Trong cuộc nói chuyện hào hứng với chúng tôi, ông đã nhắc lại kỷ niệm không bao giờ quên về một cái tết đầy niềm vui tại quê nhà. “Tết ở chiến trường Trường Sơn thì nhiều lắm, riêng dịp đón tết tại chỉ huy sở ở xã Hiền Ninh vào xuân 1973 thì thật đặc biệt. Đó là lần đầu tiên không ăn tết trong doanh trại quân đội mà được ăn tết trong nhà dân. Tình quân dân chân thật trong sáng không chút khách sáo. Mọi người sum vầy ăn tết như anh em trong một nhà. Người dân mang đến biếu các đơn vị bộ đội Trường Sơn những món quà tết gồm bánh chưng, mứt, các loại dưa hành, rau quả trong vườn nhà cùng bát nước chè xanh đậm đà tình nghĩa. Có người dân còn biếu tặng bộ đội cả những cân khoai luộc. 
Vinh dự trong mùa xuân đó, chúng tôi được đón Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm và làm việc tại xã Hiền Ninh. Cuộc làm việc mang tính lịch sử liên quan đến tuyến đường Hồ Chí Minh và công cuộc giải phóng miền Nam. Trong một loạt vấn đề quan trọng cần báo cáo với những người giữ trọng trách cao nhất của Đảng, Quân đội, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chúng tôi đề nghị cho tranh thủ thời cơ mở nhanh đường Đông Trường Sơn; đồng thời cho sửa đường 15, đường số 9 và các cảng sông, cảng biển ở Quảng Bình, Quảng Trị, sân bay Đồng Hới. Thật mừng là anh Ba Duẩn và anh Văn đều rất tán thành. Sau cuộc gặp mặt lịch sử đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có chuyến khảo sát tuyến đường Tây Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng trên đất Quảng Bình”.
Không phải ngẫu nhiên, khi nói về kỷ niệm xung quanh đường Hồ Chí Minh, ông nhắc nhiều đến cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong suốt quá trình làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên luôn nhận được sự chỉ đạo anh minh của vị tướng lừng danh thế giới. Giữa hai vị tướng quê  Quảng Bình có một tình cảm đặc biệt. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên luôn nhớ mãi lời dặn dò của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày đầu nhận nhiệm vụ Tư lệnh chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh: “Tiễn tôi về một quãng, anh Võ Nguyên Giáp dặn dò thân tình như một người anh ruột: Người quê mình ưa nói ít làm nhiều. Công việc cụ thể anh Đinh Đức Thiện sẽ trao đổi thêm.
Điều cơ bản là bất cứ lúc nào, anh em mình cũng ghi lòng lời Bác Hồ dạy: thắng không kiêu, bại không nản. “Và trong lời đề tựa cuốn hồi ký “Với cả cuộc đời” của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, vào năm 2006, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những lời nhận xét sâu sắc: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ… Đồng chí đã có công lao lớn trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh… Đối với tôi, tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến”.  
Mùa xuân như đến sớm hơn với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ông rất mừng khi biết, năm 2014, tỉnh nhà Quảng Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh, 55 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Ông cũng rất vui khi du lịch Quảng Bình đã phát triển lên một diện mạo mới trên cơ sở có Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, có tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, có Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến… Trung tướng hy vọng Quảng Bình sẽ sớm thành lập Hội truyền thống Trường Sơn nhằm tiến hành nhiều hoạt động nghĩa tình, góp phần tri ân những người đã có nhiều cống hiến cho tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Phan Hòa
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm