7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Phòng chống cháy nổ tàu thuyền: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

- Advertisement -
Dù trên địa bàn tỉnh ta vài năm lại đây chưa xảy ra vụ cháy nổ tàu thuyền nào nhưng với tâm lý lơ là về công tác phòng chống cháy nổ (PCCN) cũng như thiếu trang thiết bị PCCN trên tàu thuyền, cộng với việc lỏng lẻo trong công tác quản lý của các ngành chức năng thì nguy cơ xảy ra cháy nổ tàu thuyền là điều không thể tránh khỏi. Nhất là khi trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ tàu thuyền, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, khiến nhiều ngư dân mất đi miếng cơm manh áo.
Phòng chống cháy nổ tàu thuyền: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Bình ga phục vụ nhu cầu sinh hoạt trên tàu thuyền luôn mang mối nguy về cháy nổ.
Thiếu an toàn, tiềm ẩn mối nguy
Vào những ngày đầu tháng bảy, chúng tôi có dịp đi tìm hiểu thực tế một số khu neo đậu tàu thuyền của nhiều làng biển lớn như Bảo Ninh, Đức Trạch, Cảnh Dương…
Điều làm chúng tôi cảm thấy lo ngại là ở bất cứ bãi neo đậu nào, phần lớn tàu thuyền đều không có đầy đủ các trang thiết bị về PCCN như bình chữa cháy, thùng cát, găng tay cắt điện… hoặc nếu có cũng đã bị gỉ sét, không bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, mỗi chuyến ra khơi, các tàu có công suất lớn đều phải chuẩn bị hàng nghìn lít dầu diesel, bình ắc quy, bình ga… và một số vật dụng dễ cháy như ván gỗ, thùng xốp…
Đặc biệt, một số tàu lớn còn được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như máy định vị, máy bơm nước… đều sử dụng dòng điện mạnh nhưng rất nhiều chủ tàu lại tỏ ra lơ là, chủ quan và không mấy chú ý đến vấn đề cháy nổ tàu thuyền có thể xảy ra.
Trong câu chuyện trao đổi với ngư dân, chúng tôi đều nhận thấy, mối quan tâm lớn nhất của bà con sau mỗi chuyến đi biển là đánh bắt có được nhiều không,  thu nhập của anh em trong chuyến đi này là bao nhiêu… chứ không phải là chuyện thiếu trang thiết bị phòng cháy thì liệu chuyến đi có xảy ra sự cố gì hay không…
Ngư dân Nguyễn Văn Thới, ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch (Bố Trạch) cho biết, tàu câu mực QB 9290 của anh có công suất 330 CV, mỗi chuyến ra khơi thường đi từ 15-20 ngày nên phải dự trữ khoảng 2.000-3.000 lít dầu và 3 bình ga. Anh Thới cho biết ở đây tàu nào cũng trang bị đầy đủ áo phao trước khi ra khơi còn bình cứu hỏa thì hầu như là không có. Theo anh Thới, ngư dân chưa bao giờ được tập huấn về cách chữa cháy trên tàu khi đậu ở cảng cũng như khi đang đánh bắt trên biển nên “kỹ năng” chữa cháy nhanh nhất có lẽ là múc nước biển lên để dập lửa nếu xảy ra cháy. 
Cũng như anh Thới, ngư dân Hồ Quảng Phượng, ở thôn Tân Cảnh, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) chia sẻ, cách đây khoảng 3 năm về trước tại vùng biển quê anh cũng đã xảy ra một vụ cháy nổ tàu thuyền còn thời gian gần đây thì không có vụ nào xảy ra nên ngư dân cũng không mấy quan tâm đến vấn đề PCCN tàu thuyền.
Theo anh, các tàu có công suất lớn thì lượng dầu dự trữ, bình ga và vật dụng dễ cháy mang theo trên tàu nhiều còn tàu của anh chỉ đi đánh bắt trong vòng 10 ngày và mang theo 1.500 lít dầu, 2 bình ga nên nguy cơ cháy nổ là rất ít. Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tàu thuyền chủ yếu là do chập điện, ban ngày thì không sao nhưng ban đêm phải chạy điện bằng máy phát nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ là rất cao.
Cũng như phần lớn các ngư dân khác trong toàn tỉnh thì anh cũng cho biết là chưa có ai tập huấn, hay chỉ dạy cho các anh về cách PCCN tàu thuyền. “Ngoài biển thì không lo cháy nổ, nếu có cháy thì bơm nước biển lên để chữa cháy. Chỉ lo những lúc neo đậu trên bờ mà thôi”, anh Phượng giải bày.
Tăng cường kiểm tra, tập huấn về PCCN
Ông Phạm Văn Phước, Đội trưởng đội tham mưu tổng hợp Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh, cho biết, trước đây trên địa bàn tỉnh ta cũng đã xảy ra một số vụ cháy nổ tàu thuyền nhưng chủ yếu là cháy ở trên biển còn trên bờ thì chưa có vụ cháy nổ nào xảy ra.
Ý thức của ngư dân về PCCN vẫn chưa cao thể hiện rõ ở số lượng tàu thuyền đăng ký mua bình chữa cháy còn rất ít và hầu
hết là các tàu cá đều không có bình chữa cháy trong khi trên mỗi tàu thuyền đều chứa nhiều mối nguy về cháy nổ.
Phòng chống cháy nổ tàu thuyền: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại những bãi neo đậu tàu thuyền san sát nhau.
Một thực tế cho thấy, là hầu như chưa có lớp tập huấn cháy nổ nào dành cho ngư dân, trước đây chỉ có các lớp tập huấn phòng cháy chữa cháy (PCCC) dành cho chính quyền địa phương, lực lượng dân phòng… Lý do của việc này là vì để tập hợp ngư dân rất khó khăn, phần lớn thời gian họ đều ở trên biển.
Chính vì vậy, để giảm bớt nguy cơ cháy nổ tàu thuyền cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Chỉ có thể tranh thủ thời gian lúc ngư dân có mặt đầy đủ trên địa bàn để mở các lớp tập huấn về PCCC giúp ngư dân có cách PCCN cho tàu thuyền. Ông Phước nói, chỉ cần địa phương nào muốn mở lớp tập huấn PCCC cho ngư dân thì lực lượng PCCC luôn sẵn sàng phối hợp để giảng dạy…
Ông Lê Minh Phú, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.573 tàu có công suất trên 20 CV (trong đó hơn 1.000 tàu có công suất trên 90CV) và 2.310 tàu có công suất dưới 20CV và 100% tàu thuyền đều là tàu gỗ nên tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ rất cao.
Thực tế cho thấy ý thức của người dân trong công tác PCCN còn rất chủ quan. Mấu chốt quan trọng không phải ở việc bắt buộc ngư dân đầu tư tiền để sắm đầy đủ các trang thiết bị PCCN mà điều cấp thiết nhất lúc này chính là cảnh báo cho ngư dân biết mối nguy cũng như thiệt hại về cháy nổ là rất lớn để họ có ý thức hơn trong công tác  PCCN.
Vì vậy thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy cơ cháy nổ tàu thuyền cũng như tập huấn cho ngư dân về cách sử dụng các dụng cụ PCCN, cách xử lý tình huống khi có cháy nổ.
“Chỉ có tiến hành diễn tập thì ngư dân mới thông thạo được cách sử dụng thiết bị chữa cháy để vận dụng khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, nhắc nhở ngư dân khắc phục dần những trang thiết bị còn thiếu trong PCCN tàu thuyền thì mới hạn chế được nguy cơ cháy nổ”, ông Phú chia sẻ.
So với nguy cơ cháy nổ tàu thuyền trên biển thì việc cháy nổ tại các bến neo đậu lại gây thiệt hại nặng nề hơn vì ở những nơi này thường có số lượng lớn tàu thuyền neo đậu san sát nhau. Bởi phần lớn trên tàu chỉ có một người ở lại giữ tàu, nếu có sự cố xảy ra thì khả năng chữa cháy rất khó. Về mối nguy cơ này, ông Phú nói, để hạn chế thiệt hại lớn về tài sản nếu sự cố cháy xảy ra thì  tại các cảng cá cũng cần có những đợt tập huấn định kỳ và thường xuyên về công tác PCCN tàu thuyền và nếu có thể thì những tàu chữa cháy chuyên dụng sẽ là giải pháp đem lại hiểu quả nhất trong việc chữa cháy tại các cảng và khu neo đậu.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng như CSGT đường thủy, Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý các cảng cá, khu neo đậu, chính quyền địa phương… cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền tập huấn về PCCN cũng như tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các tàu thuyền không thực hiện nghiêm túc việc trang bị các thiết bị PCCN. Mặt khác, chính các ngư dân cũng cần tự giác chấp hành các quy định về PCCN trong quá trình sử dụng các nhiên liệu dễ gây cháy, phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời khắc phục những thiết bị đã hư hỏng để có những chuyến ra khơi an toàn.
Lan Chi
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm