7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

"Cứu"… vành đai xanh chắn sóng

- Advertisement -
Rừng chắn sóng không chỉ được xem như là tấm bình phong vững chãi chở che con người trước cơn thịnh nộ của thiên tai mà còn góp phần cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhiều cánh rừng chắn sóng trên địa bàn tỉnh ta đang dần bị thu hẹp, nếu không muốn nói là có nguy cơ biến mất. Làm thế nào để “cứu sống” những vành đai xanh chắn sóng này, đó vẫn là “bài toán” nan giải đối với các cơ quan chức năng.
Diện tích bị thu hẹp…
“Bữa nay người ta không còn gọi là “rừng” nữa, vì diện tích còn lại ít quá, chẳng đáng kể gì!” – Anh Đặng Xuân Thạnh, một người dân xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch đã trả lời như vậy khi nghe chúng tôi hỏi về diện tích rừng ngập mặn của địa phương.
Anh Thạnh cho biết thêm: Do bị kẹp giữa hai nhánh của con sông Roòn, mỗi mùa mưa bão, nước thượng nguồn đổ về cộng với việc hồ chứa nước Vực Tròn và sông Thai xả lũ, người dân vùng giữa xã Quảng Kim thường xuyên phải chịu cảnh lũ lụt. Trước đây khi những tuyến đê đi qua địa bàn xã chưa được kiên cố hóa, bê tông hóa, những cánh rừng chắn sóng với các loại cây như đước, vẹt… chính là trợ thủ đắc lực của người dân địa phương khi chống chọi với lũ lụt. Thời điểm cao nhất, toàn xã có khoảng gần chục ha diện tích rừng ngập mặn. Thế nhưng đến nay chỉ còn lèo tèo khoảng 5-6m2.
"Cứu"... vành đai xanh chắn sóng
Rừng chắn sóng chính là giải pháp phi công trình hữu hiệu góp phần nâng cao “tuổi thọ” của các tuyến đê.
Cùng với xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn), xã Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch), phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn) được xem là một trong những địa phương có diện tích rừng ngập mặn khá đẹp đến nay vẫn còn giữ được. Anh Nguyễn Thái Sơn, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp Quảng Phong cho biết: Năm 2012, phường có 13 ha diện tích rừng ngập mặn, bao gồm cả cây lâu năm và cây mới trồng. Tuy nhiên đến nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, số cây đước, vẹt, mắm… mới trồng trên địa bàn bị chết dần khiến diện tích rừng ngập mặn của phường suy giảm nghiêm trọng, hiện chỉ còn khoảng 6 ha.
Theo khảo sát của phóng viên, tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, rừng ngập mặn đang bị thu hẹp rất nhiều về diện tích. Số liệu báo cáo từ Chi cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy, hiện toàn tỉnh chỉ còn khoảng 120 ha diện tích rừng ngập mặn, chủ yếu là các loại cây như đước, sú, vẹt… Nguyên nhân khiến diện tích rừng ngập mặn bị suy thoái là do nhiều nguyên nhân khác nhau như sâu bệnh, quá trình lão hóa của cây trồng, bão lụt, tự chết do không được đầu tư chăm sóc, bảo vệ, sự bất hợp lý về quy hoạch ở một số nơi trong chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản…
Cứu”… vành đai xanh chắn sóng
Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Bởi ngoài tác dụng điều hòa môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước ngọt, chống sự nhiễm mặn, bảo vệ đất đai khỏi xói mòn dưới sự tác động của sóng, gió…; rừng ngập mặn còn góp phần ổn định bãi triều, cố định phù sa, bờ biển. Có lẽ sẽ là không quá nếu ví rừng ngập mặn như tấm lá chắn “khổng lồ” bảo vệ tài sản, cuộc sống của cộng đồng cư dân ven sông, ven biển. Và so với các giải pháp công trình như bê tông hóa, nguồn vốn đầu tư để trồng các loại cây chắn sóng là không nhiều trong khi hiệu quả phòng hộ rõ ràng lại rất cao.
Việc khôi phục diện tích rừng chắn sóng đòi hỏi cơ chế quản lý chặt chẽ và hiệu quả.
Đây được xem như  là một giải pháp phi công trình hữu hiệu, nâng cao “tuổi thọ” của các tuyến đê, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân vùng ven sông, ven biển. Tuy nhiên thời gian qua, trong khi hệ thống đê đã được cải tạo, đầu tư xây dựng khá nhiều thì việc trồng rừng tạo vành đai phòng hộ lại hầu như vẫn chưa nhận được quan tâm thỏa đáng, việc phục hồi còn nhiều hạn chế.
Ông Võ Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch cho biết: Từ trước đến nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng chắn sóng chủ yếu giao cho chính quyền cấp xã và hộ dân nên chưa có sự quan tâm nhằm đầu tư thỏa đáng cho việc bảo vệ và phát triển diện tích rừng. Năm 2013, được sự hỗ trợ từ Ban quản lý rừng phòng hộ, xã đã trồng mới 1ha cây bần, đước để chắn sóng. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chắn sóng đối với địa phương cũng chưa đủ nguồn lực và kiến thức kỹ thuật; xã rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan trong việc giữ và khôi phục diện tích rừng ngập mặn.
Theo khảo sát của các ngành chức năng, hiện nay diện tích có thể trồng rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh ta là 136 ha. Tuy nhiên, việc phục hồi các diện tích rừng ngập mặn lại vấp phải không ít khó khăn do đất ngập mặn trước đây đã bị biến đổi khiến cây giống mới khó thích nghi. Cùng với đó là tác động của con người như phá rừng ngập mặn, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình dân sinh…; trong khi mô hình trồng và quản lý rừng tự nhiên và rừng trồng còn ít; thiếu quy trình, biện pháp, nguồn giống và đặc biệt là chưa tạo được động lực cho người dân đầu tư…
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có triển khai một số dự án trồng và khôi phục lại rừng ngập mặn, tuy nhiên, tỷ lệ cây ngập mặn sống và phát triển đạt khá thấp, chỉ từ 50-60%, có nơi từ 10-20%. Ở một số khu vực trồng cây ngập mặn, người dân vẫn tiến hành nhiều hoạt động làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Để bảo vệ, khôi phục diện tích rừng đã mất và phát triển thêm những cánh rừng phòng hộ, về lâu dài rất cần sự vào cuộc của giới chuyên môn để nghiên cứu, xây dựng các biện pháp kỹ thuật về chọn loại cây trồng phù hợp về mật độ, thời vụ, kỹ thuật trồng, phòng chống sâu bệnh…
Tuy nhiên, theo như ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp chia sẻ thì khó khăn lớn nhất mà cơ quan chức năng hiện đang gặp phải chính là suất đầu tư để khôi phục diện tích rừng ngập mặn quá thấp với định mức 15 triệu đồng/1ha.
Thiết nghĩ, việc “cứu” rừng ngập mặn trước hết phải đi từ sự quan tâm chỉ đạo và tập trung nguồn lực từ chính quyền các cấp, cùng với đó là một cơ chế quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Đã đến lúc cần sự tập trung, thống nhất đầu mối các cơ quan quản lý nhà nước đối với rừng ngập mặn để có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách lâm nghiệp với chính sách của các ngành nông nghiệp, thủy sản. Giải pháp bền vững là phải tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích thiết thực của rừng chắn sóng; vận động và hỗ trợ người dân tích cực tham gia bảo vệ, khôi phục diện tích rừng; tạo sinh kế cho người dân trên những cánh rừng ngập mặn. Có như thế họ mới gắn bó, giữ gìn rừng ngập mặn một cách hiệu quả.
Thanh Hải
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm