6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Vĩnh biệt tác giả "Giữ vững biển trời Quảng Bình – Vĩnh Linh"

- Advertisement -
Hồi 19h25 ngày 21.8.2014 tại Hà Nội, nhạc sĩ Xuân Giao đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, thọ 83 tuổi. Lại thêm một tổn thất thương buồn của làng nhạc Việt Nam.
Vĩnh biệt tác giả "Giữ vững biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh"
Nhạc sĩ Xuân Giao tên khai sinh là Trương Xuân Giao, sinh ngày 2.1.1932, quê tại Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (Hưng Yên). 18 tuổi, ông gia nhập quân đội và công tác tại Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị tròn 10 năm. Năm 1961, ông chuyển ngành về NXB Âm nhạc làm cán bộ biên tập.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã làm nên tên tuổi Xuân Giao. Xuất hiện điềm tĩnh, chắc chắn và riêng biệt, Xuân Giao được cả nước biết đến từ ca khúc “Cô gái mở đường” – viết về các nữ thanh niên xung phong trong tuyến lửa khu 4 ác liệt. Chuyến đi thực tế về vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền, lại cho Xuân Giao cảm xúc viết nên ca khúc “Giữ vững biển trời Quảng Bình – Vĩnh Linh” mang đậm chất hò giã gạo miền quê này.
Về với sông Mã, với cầu Hàm Rồng hừng hực không khí “Quyết chiến, quyết thắng”, giống như một câu thơ tài hoa của Quang Dũng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, Xuân Giao đã dồn hết nhiệt huyết và tài năng làm nên một “Chào sông Mã anh hùng”, in đậm vào lịch sử âm nhạc thời chống Mỹ. Ở đấy, những câu hò sông nước truyền thống của xứ Thanh hòa trộn với những cung bậc âm nhạc mang chất hàn lâm đã làm nên chất tráng ca của “khúc độc hành”. “Chào sông Mã anh hùng” được chắp cánh bởi giọng nam cao Trung Kiên đã phủ sóng cả hai miền Nam – Bắc. Biết bao người lính ra trận đã mang theo giai điệu kỳ vĩ này vào khắp các chiến trường.
Không chỉ viết cho người lớn, Xuân Giao đã mang đến cho tuổi thơ những giai điệu hồn nhiên đến lạ thường. Biết bao thế hệ tuổi thơ đã từng hát “Cháu yêu bà”, “Múa cho mẹ xem”, “Dưới tượng đài Lý Tự Trọng”… và độc đáo nhất là “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”. Một ca khúc thiếu nhi, nhưng tất cả người lớn đều thuộc lòng.
Ông thật sự xứng đáng với các giải thưởng được trao, mà đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt 1 – năm 2001.
Sự ra đi của ông khiến tôi bồi hồi nhớ những kỷ niệm giữa tôi và ông. Tôi được gần ông khi cùng chung chuyến đi sáng tác cho tỉnh Gia Lai – Kon Tum (cũ). Trong đoàn còn có các nhạc sĩ Trần Chung, Văn Thắng, Thuận Yến, Thái Cơ, Vũ Thanh. Xuân Giao là người kiệm lời. Thỉnh thoảng, ông lại đùa một câu thật hóm hỉnh. Sau chuyến đi, ông đã viết về cơn mưa ở rừng caosu. Cũng sau chuyến đi, tôi và ông gần nhau hơn. Thỉnh thoảng, có những tập tuyển ca khúc thiếu nhi Nga (khi ấy là Liên Xô), biết tôi có thể dịch và làm lời được, ông ân cần đến nhà tôi đặt hàng. Anh em sống với nhau thật chan hòa và độ lượng. Chỉ vui vẻ khi uống với nhau vài chén rượu suông. Vậy mà… dù ý chí đến mấy, kiên cường đến mấy, thì cũng phải thuận theo mệnh trời.
Tuy vậy, sự ra đi của nhạc sĩ Xuân Giao vẫn để lại một khoảng trống không thể lấp đầy trong làng nhạc Việt Nam. Riêng với sông Mã thác ghềnh, Xuân Giao đã thành tri kỷ. Sông Mã thì mãi còn khúc độc hành “Chào sông Mã anh hùng” của ông. Nhưng còn ông thì lại nói lời ly biệt. Lời ly biệt ấy phải chăng là câu chào thấm đẫm nước mắt: “Chào sông Mã… tôi đi”. Xin vĩnh biệt ông!
Lễ viếng nhạc sĩ Xuân Giao được tổ chức từ 7h30 ngày 26.8 tại Nhà tang lễ quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm