5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Những đứa trẻ "mang tên" da cam – Bài 1: Lời thỉnh cầu từ những nạn nhân da cam

- Advertisement -

Ngày 10-8-1961, máy bay quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam dọc theo đường 14 từ Kon Tum đến Đắc Tô, thảm họa da cam chính thức bắt đầu. Cuộc chiến hóa học chưa từng có trong lịch sử chiến tranh nhân loại do đế quốc Mỹ gây ra tại Việt Nam để lại hậu quả cực kỳ khốc liệt ở thời kỳ hậu chiến đối với nhân dân Việt Nam và cả lực lượng đồng minh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam. Ngày 10-8 hàng năm trở thành “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam” ở Việt Nam.

Những đứa trẻ "mang tên" da cam - Bài 1: Lời thỉnh cầu từ những nạn nhân da cam

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang thăm gia đình ông Hoanh.

Chất độc da cam (CĐDC) làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân.

Với tỉnh Quảng Bình, thống kê cho thấy: 19.207 người bị phơi nhiễm. 80% nạn nhân CĐDC hiện tại trên 60 tuổi; từ 14% đến 18% trong số họ đã chết. 34% nạn nhân là phụ nữ, những người chịu nhiều đau khổ nhất, không những tàn tật, bệnh hoạn mà còn đau đớn hơn trong sinh nở, nhiều người không được hưởng thiên chức và hạnh phúc làm mẹ.

18% gia đình có cả vợ lẫn chồng là nạn nhân, họ gặp muôn vàn khó khăn, bên cạnh việc mất sức lao động, họ còn đau đáu lo cho con cái một khi bản thân chết đi.

Đến nay CĐDC/dioxin di chứng đến thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4. Nhiều đứa trẻ sinh ra dị hình, dị dạng, bại liệt, tâm thần… không thể tự đứng trên đôi chân của mình; 85% các gia đình nạn nhân có  2 đến 4 trẻ dị tật,  3% hộ gia đình nạn nhân có tới trên 5 cháu tật nguyền.

Trong hơn 10 năm thực thi chiến dịch Ranch Hand rải chất khai quang (1961-1971) đã có 19.905 phi vụ máy bay tham gia và trên 21 triệu gallons (tương đương gần 80 triệu lít) các loại chất độc được rải, trong đó 61% là chất da cam chứa 366 kg dioxin.

- Advertisement -

Phạm vi ảnh hưởng của chiến dịch Rand Hand bao trùm trên một diện tích rộng lớn: 32/46 tỉnh, thành ở miền Nam nằm trong khu vực chịu tác động của chất độc; 80% diện tích rừng bị khai quang trên 2 lần; 11% diện tích rừng bị khai quang trên 10 lần; 3.185 thôn, làng, bản bị tàn phá… Dioxin là chất cực độc trong các loại chất độc. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới chứng minh rằng chỉ cần 85 gram dioxin hòa vào nguồn nước uống thì có thể giết chết 8 triệu người dân trong một thành phố.

Những người lính Việt Nam, cựu binh Mỹ và các nước đồng minh từng tham chiến trong khu vực bị rải thảm, khi trở về thời bình, bản thân họ không biết mình đã mang trong người một thứ mầm mống bệnh tật kinh hoàng, di chứng kéo dài không phải chỉ trên cơ thể mình mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.

Năm 2006, nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết thư gửi cho các nạn nhân trong cả nước, ông chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa hơn ba thập kỷ, nhưng đến nay, chúng ta vẫn phải chứng kiến hàng triệu đồng bào, đồng chí đã và đang phải chịu những hậu quả nặng nề, dai dẳng do CĐDC/dioxin gây ra.

Trong đó, hàng vạn nạn nhân đã chết trong đau đớn; nhiều nạn nhân đang hằng ngày, hằng giờ sống trong giày vò của bệnh tật; nhiều cặp vợ chồng rơi vào cảnh tuyệt vọng khi sinh ra những đứa con dị dạng, dị tật.

Nỗi đau của nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Tôi bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc và xin được cùng sẻ chia với anh chị em và các cháu nạn nhân CĐDC/dioxin về sự mất mát, đau thương này. Tôi biểu dương và khen ngợi những nạn nhân đã nêu cao tinh thần “tự lực cánh sinh”, quyết tâm luyện tập, điều trị, phục hồi chức năng, hòa nhập với cộng đồng…”.

Nạn nhân CĐDC, họ thỉnh cầu những gì? Ông Đỗ Đức Địu ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, người tự tay chôn 12 người con, 12 sinh linh nhỏ bé bị di chứng CĐDC vào lòng cát bỏng. Hoàn cảnh vợ chồng ông Địu tôi biết, cả cái tỉnh Quảng Bình “chang chang cồn cát” này biết, cả nước biết.

Biết để băn khoăn về một câu hỏi lớn: “Nghị lực ở đâu để vợ chồng ông, bà Phạm Thị Nức 15 lần đẻ, 12 lần khóc con; ông Địu cơ thể giày vò với đủ thứ bệnh tật, 12 lần chôn con. Và hiện tại ông bà đang vật lộn với cuộc sống chẳng có lấy một ngày thanh thản bình yên để san sẻ, chăm chút hai con gái Đỗ Thị Hằng, Đỗ Thị Nga đều là nạn nhân CĐDC?”.

“Nhiều lần tưởng chừng gục ngã rồi chứ! Nhưng vì những đứa trẻ vô tội đang còn sống mà vợ chồng động viên nhau gắng gượng. Chúng có tội tình gì đâu?” – ông Đỗ Đức Địu ôm cô bé Nga vào lòng vỗ về cho con ngơi cơn đau, trời Quảng Bình tháng 8 lúc nắng lúc mưa bức bối, ngôi nhà càng bức bối, ngột ngạt- “Nếu có một lời thỉnh cầu, tôi mong vợ chồng có sức khỏe để đồng hành cùng các cháu đi hết cuộc đời này. Số phận nghiệt ngã gõ cửa và vận vào ai thì người đó chịu thôi”- Lời ông Địu trầm trầm, chậm rãi, day dứt, quặn thắt lòng người tiếp chuyện.

- Advertisement -

Những đứa trẻ "mang tên" da cam - Bài 1: Lời thỉnh cầu từ những nạn nhân da cam

Bà Phan Thị Do (xã Đại Trạch, Bố Trạch) đang chăm sóc đứa con bị nhiễm CĐDC, cháu Nguyễn Thị Luyên.

Ông Nguyễn Mạnh Hoanh (thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh) bố của ba nạn nhân CĐDC, trong đó có hai người con nằm liệt giường. Với riêng gia đình ông vật chất bảo đảm cuộc sống hàng ngày dù không dư dả gì nhưng vẫn đủ sống, sống bằng đồng lương Nhà nước chi trả vì sự cống hiến mồ hôi, xương máu mình trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng cực lắm! Cực trong cái tâm ni nì… Ông Hoanh day dứt.

Ngày Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang lên thăm gia đình ông vào khoảng cuối tháng 7, hỏi có đề xuất chi không? Lắc đầu: “Mong chế độ hỗ trợ cho nạn nhân CĐ DC/dioxin được cải thiện. Cho không riêng chi gia đình tui, mà cho hàng ngàn, hàng vạn gia đình nạn nhân CĐDC chịu hoàn cảnh thương tâm như tui”.

Ngôi nhà cấp bốn xây dựng kiên cố, khang trang, khách vào nhà, đập vào mắt là hai thân hình chỉ còn da bọc xương, chân tay què quặt, vẹo vọ. Hai người nằm riêng biệt ở hai chiếc giường khác nhau. Nằm bán thân bất toại từ khi lọt lòng mẹ… đã mấy chục năm trôi qua trong vô thức!.

Ông là Trần Văn An, sinh năm 1937, thương binh 1/4, bị thương hỏng một mắt, ở xã Quảng Phương. Vợ ông Ngô Thị Mai, sinh năm 1940. Ông An tham gia quân ngũ chiến đấu tại chiến trường phía nam sông Bến Hải, Gio Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị, xa hơn là chi viện cho các đơn vị bộ binh chiến đấu vùng ven Thừa Thiên- Huế.

Bi kịch gia đình vợ chồng ông An, bà Mai có lẽ cũng chỉ kém gia đình ông Đỗ Đức Địu… hai ông bà có 8 đứa con: Trần Thị Hương, Trần Thơm, Trần Thị Tuyệt, Trần Đượm, Trần Thị Tình, Trần Hữu, Trần Thị Hảo và Trần Văn Tâm. Những con gái thì sống được. Những con trai  thì qua đời, ông An tự tay chôn lần lượt Trần Thơm, Trần Đượm, Trần Hữu. Riêng Trần Văn Tâm, sinh năm 1982,  32 năm sống đời sống thực vật, vô thức trên chiếc giường nhỏ kê ngoài gian bếp. Bà Ngô Thị Mai một tay vun vén cho hai cha con. Cha thương binh luôn ngã bệnh mỗi khi trái gió trở trời. Con liệt giường liệt chiếu lúc mới lọt lòng…

Năm trước ra thăm ông, hai vợ chồng chui ra chui vào trong gian nhà nhỏ dột nát, Trần Văn Tâm nằm hun hút sâu phía căn bếp ám khói. Tháng 8 này trở lại, ngôi nhà tình nghĩa do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ vừa kịp hoàn thành.

Bà Mai nghẹn ngào: “Rứa là thằng Tâm có một chỗ nằm đàng hoàng, cho hắn sống được với ông mệ ngày mô hay ngày đó kẻo tội!”. “Một lời ước duy nhất đối với ông mệ là có sức khỏe, để sống lâu, sống bên thằng Tâm để lo cho hắn, chứ vợ chồng chết đi, hắn còn, lấy ai lo cho?”- Ông An nói, con mắt già nua còn lại ánh lên tia hy vọng.

Ngô Thanh Long

Bài 2: Không vẹn nguyên hình hài

- Advertisement -.

bài liên quan

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm