6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chuyến bay bí mật trước bình minh

- Advertisement -
8 giờ 30 ngày 16.6.1957, chuyên cơ IL II 203 đáp xuống sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), mảnh đất chỉ cách vĩ tuyến 17 về phía bắc 70 km. Một cụ già giản dị từ trên máy bay bước xuống, theo sau là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Chuyến bay bí mật trước bình minh
Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên khán đài sân vận động Đồng Hới – Ảnh: Tư liệu bảo tàng Quảng Bình
Đó là chuyến đi xa nhất vào phía nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm đồng bào Quảng Bình-Vĩnh Linh vùng giới tuyến. Chuyến đi tuyệt đối bí mật của Bác sau nhiều năm mới có nhiều tình tiết được hé lộ.
Một ngày trên đất Quảng Bình
Chuyến bay phải được giữ tuyệt đối bí mật nên nhân dân Đồng Hới không ai được biết. Ra sân bay đón Bác chỉ có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Cổ Kim Thành; Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nguyễn Tư Thoan và Chính ủy Sư đoàn 325 Hoàng Văn Thái.
Đoàn cán bộ đi theo Bác cũng không nhiều, ngoài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị còn có Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu 4 Hoàng Văn Diệm; ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác; ông Đỗ Viết Kháng, Cục trưởng Cục Bảo vệ và ông Nhữ Thế Bảo, bác sĩ chuyên trách bảo vệ sức khỏe của Người.
Chiếc xe Povida đưa Bác về trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh. Bác không nghỉ mà đi luôn vào thăm nơi làm việc và nhà ăn của cán bộ công nhân viên. Liền sau đó làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Đến 11 giờ 30 mới nghỉ ăn một bữa cơm đạm bạc. 13 giờ 45 tiếp đoàn đại biểu Vĩnh Linh và đoàn cán bộ hoạt động bí mật vùng nam giới tuyến. 14 giờ 15 tiếp đoàn đại biểu dân tộc Vân Kiều. 14 giờ 30 gặp gỡ đoàn nhân sĩ, trí thức. 15 giờ gặp mặt 500 cán bộ cốt cán của tỉnh. 16 giờ, Bác nói chuyện với 3 vạn đồng bào tại sân vận động Đồng Hới. 17 giờ 30, Bác đến thăm và nghỉ tại nhà nghỉ của Sư đoàn 325 tại bãi biển Nhật Lệ. Theo kế hoạch, ngày hôm sau Bác sẽ gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 nhưng kế hoạch đã phải thay đổi, cuộc gặp gỡ được tổ chức sớm hơn và 4 giờ sáng ngày 17.6 Bác chỉ nói chuyện với bộ đội được 5 phút rồi ủy nhiệm lại cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để kịp lên máy bay vào lúc 5 giờ sáng cùng ngày.
Nguyên nhân của sự thay đổi này bắt đầu từ một bức điện khẩn của Bộ Tư lệnh 09 yêu cầu chuyên cơ chở Bác phải vượt qua đèo Ngang trước 7 giờ sáng.
Câu chuyện bí mật này chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau.
“Ta có khuyết điểm thì nói ra để mà sửa”
Nói chuyện với 500 cán bộ cốt cán của tỉnh, Bác mở đầu rất ngắn gọn:
Thưa các đồng chí trong Đảng và ngoài Đảng!
 
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đưa đến với các đồng chí lời chào thân ái.
 
Sau đây tôi nêu ra mấy ưu điểm, mấy khuyết điểm, mấy nhiệm vụ. Ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để sửa chữa, nêu nhiệm vụ để chấp hành.
Đọc lại bài lược ghi ý kiến của Bác tại buổi nói chuyện, thấy rõ nét dung dị, cụ thể, đi thẳng vào từng vấn đề một cách ngắn gọn, khúc chiết và sâu sát của vị lãnh tụ. Phần khuyết điểm Bác chỉ ra từng việc, có dẫn chứng cụ thể cho từng việc đó. Tóm lại cán bộ có 9 khuyết điểm như sau:
1. Có óc suy nghĩ tị nạnh, kèn cựa việc đãi ngộ.
 
2. Cứ ngồi lo tiền đồ mà không hành động.
 
3. Có óc công thần.
 
4. Tự do cá nhân.
 
5. Khuyết điểm trên là do không giữ kỷ luật lao động, xem khinh lao động chân tay, không thấy lao động chân tay là vẻ vang.
 
6. Rượu chè be bát, say sưa lu bù, nhất là tết nhất, cờ bạc, đồng bóng, hủ hóa.
 
7. Lãng phí dân công do đó mà hại sản xuất, phí công quỹ, hại đến Nhà nước; hại xây dựng nông nghiệp.
 
8.Không thích học tập nhưng ưa tiến bộ.
 
9. Đoàn kết kém.
Kết thúc buổi nói chuyện, Bác so sánh:
Lúc vận động Cách mạng tháng Tám, ta chỉ có 4.000 đảng viên từ Nam chí Bắc; địch thì mạnh, có chính quyền, quân đội, mật thám, nhà pha; ta chỉ có tay không, vậy mà cách mạng đã thành công.
 
Bây giờ Quảng Bình-Vĩnh Linh có 5.500 đảng viên, ta lại có chính quyền, bộ đội, mặt trận. So sánh 4.000 đảng viên của toàn quốc trước cách mạng và 5.500 đảng viên chỉ riêng Vĩnh Linh-Quảng Bình cái nào dễ, cái nào khó? Trước khó nhưng đảng viên tin chắc, quyết tâm nên làm được; nay dễ hơn phải làm được. Nếu không làm được thì nghĩ thế nào? Phải học tập các đồng chí trước để làm cho được.
Rồi Bác hỏi:
– Các cô, các chú có hứa quyết tâm không? Có làm được không? Có tin tưởng không?
Tất cả đồng thanh đáp:
– Có!
Vào thời điểm đó, đã một năm địch phản bội lại Hiệp định Genève, việc đi lại qua giới tuyến rất khó khăn nhưng các cán bộ được cử cũng đã kịp về Khu ủy Vĩnh Linh để nhận nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ đó là ra Đồng Hới để gặp Bác Hồ.
Đoàn đại biểu Vĩnh Linh và đoàn cán bộ hoạt động bí mật vùng Nam giới tuyến do Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh Hồ Sĩ Thản dẫn đầu được Bác tiếp đón rất ân cần. Bác hỏi chuyện đi đường, chuyện hoạt động trong vùng địch hậu, hỏi hoàn cảnh của từng người… Rồi Bác dặn một số điểm cần lưu ý trong xây dựng và bảo vệ lực lượng, Bác nói: “Phải kiên trì, đừng nóng vội dễ bị hỏng việc. Phải quyết tâm chiến đấu cho ngày độc lập”. Bác quay sang hỏi đồng chí Bằng, Trưởng ty An ninh Quảng Trị: “Bà con trong ấy có khỏe không?”. Ông Bằng thưa với Bác: “Dạ, bà con ai cũng mong được đón Bác vào thăm”. Bác trầm ngâm một lát rồi nói: “Bác biết thế, nhưng lần này Bộ Chính trị không chấp thuận để Bác vào. Các chú ra đây là thay mặt cho cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh – Quảng Trị nói cho Bác nghe tình hình trong đó…”.
Khu áp thấp nhiệt đới và chuyến bay trước bình minh
Sau cuộc liên hoan ngoài bãi biển Nhật Lệ với cán bộ, chiến sĩ nhà khách Sư đoàn 325, bảo vệ mời Bác vào phòng nghỉ. Dừng lại trước cửa phòng, Bác hỏi: “Ở đây trăng sáng, gió mát, chú cho Bác nghỉ trong phòng thì làm sao thưởng thức được biển”. Nói xong, Bác ôm luôn chiếc chiếu hoa và chiếc gối ra trước thềm nhà, tự tay trải ra nằm nghỉ. Chính ủy Sư đoàn 325 Hoàng Văn Thái rất lo cho công tác bảo vệ nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bảo: “Cứ để cho tự nhiên, tùy Bác…”.
23 giờ đêm đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận được tin báo của trực ban Bộ Tư lệnh 09 đi bảo vệ chuyến bay hiện đang trực tại sân bay Đồng Hới: “Ngày mai, 17.6, một khu áp thấp sẽ hình thành từ Thanh Hóa trở vào, gây mưa to gió lớn trong 5 ngày liền. Trung ương mời Bác trở ra Hà Nội”. Bộ Tư lệnh 09 đề nghị, máy bay chở Bác phải vượt qua đèo Ngang trước 7 giờ sáng.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hội ý với các đồng chí trong đoàn và quyết định chuyển cuộc gặp gỡ bộ đội sang 4 giờ sáng rồi báo cáo lại toàn bộ sự việc với Bác.
Ngay lập tức Chính ủy Hoàng Văn Thái điện báo cho Tham mưu trưởng Sư đoàn Lê Đình Sung phát lệnh báo động, khẩn trương tập kết các trung đoàn 18, 95 và 101 tại sân vận động trước 4 giờ sáng.
Đúng 4 giờ. Đèn pha sân vận động bật sáng. Bác xuất hiện trên khán đài, khoan thai giơ tay vẫy chào bộ đội trong tiếng hoan hô, reo mừng. Bác nói chuyện được chừng 5 phút thì dừng lại, nói: “Đáng lẽ Bác nói chuyện nhiều với các cô, các chú, nhưng vì Trung ương có điện khẩn, Bác phải về Hà Nội ngay. Bác ủy nhiệm cho chú Thanh thay mặt Bác nói chuyện với các cô, các chú”. Đại tướng tiến đến chỗ Bác, nói chuyện ngay với bộ đội, đoàn xe đưa Bác ra sân bay Đồng Hới.
5 giờ kém 15, trời chưa sáng hẳn. Bác xuống xe, không vào phòng khách mà rút đôi dép cao su ngồi xuống bên thảm cỏ cạnh đường băng. Mọi người cùng ngồi xuống. Bác quay mặt vào phía nam, trầm ngâm. Cách đây không quá 70 km là dòng Bến Hải, bên kia, một mảnh hình hài của đất nước còn trong nỗi đau chia cắt.
Đúng 5 giờ, Bác đứng dậy: “Bác rất tiếc là thăm Quảng Bình-Vĩnh Linh chưa hết chương trình đã phải trở về. Bác về rồi Bác lại vô!”.
Chiếc chuyên cơ màu nhũ bạc mang số hiệu IL II 203 rời đường băng, lượn một vòng thị xã tỉnh lỵ, nghiêng cánh chào đồng bào rồi phút chốc chuyển thành một giọt nắng lấp loáng bay về phương bắc.
Rất nhiều năm sau, trong hội thảo “Bác Hồ với Đồng Hới, Đồng Hới với Bác Hồ”, đồng chí Vũ Kỳ, Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, nguyên Thư ký riêng của Bác mới cho biết: Cùng với bức điện của Bộ Tư lệnh 09 về khu áp thấp xuất hiện, còn có một bức điện khác của Bộ Công an gửi Bộ Tư lệnh 09 mà chỉ được truyền đạt đến Bác khi máy bay cất cánh, nội dung: “Nhận thấy bên kia giới tuyến có sự hoạt động không bình thường, mời Bác ra ngay”.
Không ngờ đó lại là chuyến đi vào Nam xa nhất và cuối cùng sau một vòng bôn ba khắp trái đất của Bác Hồ.

-Chú có biết Quảng Bình có câu đối “Bò đi đá nhảy” đến nay đã có ai đối được chưa?
Đồng chí Nguyễn Thanh Đàm đứng bên cạnh thưa:
-Thưa Bác, có ông Tú người làng La Hà đối được ạ!
Bác hỏi:
-Đối thế nào?
-Dạ ông ta đối là “Hùm hét la hà”.
-La Hà ở đâu, chú có bản đồ cho Bác xem.
Tôi chạy đi lấy bản đồ trải ra chỉ vào địa danh La Hà (thuộc xã Quảng Văn, Quảng Trạch). Bác xem xong thì hỏi:
-La Hà nằm ở hạ nguồn sông Gianh, lại giữa một cái cồn, hùm về thế nào được?
Mọi người lúc đó mới ớ ra.
Bác nói tiếp:
-Lúc 16 tuổi, cùng các cụ đồ xứ Nghệ vào thi hương ở Huế, khi đi qua vùng Đá Nhảy của Lý Hòa, một thầy đồ thấy một con bò gặm cỏ đá phải hòn đá lăn xuống khe, bèn ra vế đối thách nhau. Đây là vế đối gắn liền với địa danh Đá Nhảy nhưng lại nói về bốn hoạt động của cái chân con người (bò, đi, đá, nhảy). Ông Tú ở làng La Hà cũng giỏi, đối lại bằng bốn hoạt động của cái miệng (hùm, hét, la, hà). Vế đối hay, chữ nghĩa đấy nhưng có thực tế không?
Mọi người chịu cái thực tế Bác đặt ngược lại như thế. Hơn nữa, lúc đó Bác đã 67 tuổi mà vẫn có một trí nhớ đặc biệt.
(Cổ Kim Thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình)

 

Đêm đó nằm bên cạnh Bác, Bác cứ trằn trọc không ngủ được, liên tiếp đốt thuốc lá, rồi Bác nói: “Mẹ mình mất ở Huế, bố mất ở Cao Lãnh, quê mình còn suốt mãi trong kia, cho nên mình về thăm quê lần này, mới dừng chân lại ở đây vẫn là chưa đi đến nơi về đến chốn”.
(Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Bác)

Nguyễn Thế Thịnh
(Bài viết sử dụng tài liệu gốc trong cuộc hội thảo “Bác Hồ với Đồng Hới, Đồng Hới với Bác Hồ”)
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm