7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Làng quê và những câu hỏi lớn

- Advertisement -

Có lẽ mỗi người có một góc nhìn khác nhau về làng quê. Có người, làng quê thật êm đềm với bao kỷ niệm tuổi thơ, ngọt ngào hương lúa… Còn có những người, làng quê với bao điều trăn trở, đấy là cánh đồng đã không còn hấp dẫn người nông dân và cả những dòng người ra đi từ làng quê để mưu sinh nơi đất người…

Ly hương 
5 năm về trước, khi được hỏi xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) có bao nhiêu thanh niên rời làng đi làm ăn xa, ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã cho biết, có cả một… trung đoàn. Còn tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), theo ông Mai Văn Buôi, Chủ tịch UBND xã, con số đó hiện tại là 300 (chủ yếu là nữ), còn trước đó thì gần gấp đôi, công việc chủ yếu là may, gia công giày… trong các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh.Vâng, đó là xu thế chung trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, những trung tâm kinh tế lớn đang cần lao động từ nông thôn và nông thôn “hào phóng” cử con em rời làng, ta khỏi phải bàn… Nhưng thanh niên rời làng có phải vì sức hấp dẫn về việc làm, về thu nhập ở các trung tâm kinh tế lớn hay sự buồn tẻ nơi làng quê đã “xua” họ đi dù phương trời xa lắc có bao điều không dễ…
Một thực tế là làng quê đã trở nên thiếu hấp dẫn với thanh niên. Và cội rễ của những điều không mong đợi đó là gì? Có lẽ một điểm chung trong tâm lý của người nông thôn là ai cũng muốn con cái lớn lên kiếm việc gì đó để làm, tránh cái công việc “chân lấm tay bùn” mà cha ông đã từng trải. Quả là lao động nông thôn thật vất vả, chân lấm tay bùn mà cuộc sống vẫn thiếu hụt. Biết bao gia đình đã nhịn ăn, nhịn mặc lo cho con cái học hành và bươn chải để kiếm lấy một nghề ngoài nghề nông. Và thanh niên rời làng bởi nhiều “kênh”.
Với những thanh niên được học hành tử tế, họ thực hiện ước mơ của bố mẹ và chính họ một cách hoàn hảo, tìm được việc làm ở các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp ở các thành phố lớn… Nhưng con số ấy không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay với mỗi làng quê. Phần lớn ra đi để kiếm những công việc nặng nhọc ở mọi chân trời góc bể.
Làng quê và những câu hỏi lớn
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trực tiếp tác động đến nông dân, nông thôn.

 Ở quê việc làm ít, thu nhập thấp và cả buồn. Tuổi trẻ lại có bao ước vọng lớn lao. Họ ra đi như một lẽ đương nhiên, dù chân trời mới còn mơ hồ và ẩn chứa bao bất trắc…

Có phải sản xuất nông nghiệp đã không phát triển thích ứng với sự phát triển của xã hội? Tôi cho rằng đây là một ý kiến rất đáng quan tâm. Bởi nói làm nông vất vả thì còn có bao nghề vất vả chứ riêng gì nghề nông. Cái quan trọng là làm nông hiện nay đã quá tẻ nhạt. Tẻ nhạt trong công việc là một trong những điều đáng ghét với con người bình thường chứ chưa nói gì đến thanh niên. Làng tôi thuần nông. Cánh đồng quê trong mắt chúng tôi có bao kỷ niệm. Nhưng ngót nửa thế kỷ qua, nó vẫn vậy, hai mùa lúa. Vẫn là những công việc đơn điệu. Thu nhập trên cánh đồng chủ yếu là hạt lúa phục vụ nhu cầu của từng gia đình.
Cùng với đó, điều quan trọng nữa là làm lúa không có lời lãi bao lăm, thậm chí lỗ. Nông dân bỏ ruộng là một bằng chứng cụ thể cho thực tế đáng buồn này. Nói ra điều này, có người hỏi thì thay đổi kiểu gì trên những cánh đồng quê? Là câu hỏi khó, nhưng xem trên ti vi phía Nam nông dân họ khác ta. Lúc làm lúa, trồng cây ăn quả, có lúc họ đào đất làm ao thả cá… Tất nhiên, đồng đất mỗi nơi mỗi khác nhưng dẫn ra để nói rằng họ năng động, sự năng động đó đã làm cho nông thôn có không khí hẳn lên…
Nhưng đi làm ăn xa có nên cơm cháo gì, có phải ai cũng “thành danh”? H, một thanh niên xã Xuân Thuỷ (huyện Lệ Thủy) đang làm ăn ở phía Nam, trong chuyến ra thăm quê tâm sự: Em đi Nam đã 5 năm nay, nhưng chưa tích luỹ được đồng vốn nào để phụ giúp gia đình, vì tiền lương không cao, tiền trọ cứ tăng hoài, rồi thỉnh thoảng lại về quê, nhớ gia đình quá. Vâng, đó là nỗi niềm không riêng H. Tính ra, lương lao động giản đơn trong các khu công nghiệp 4-5 triệu đồng/tháng, thuê trọ mất 1,5-2 triệu đồng, nếu ở chung cũng mất 1 triệu đồng/tháng, rồi cơm ba bữa…
Tại xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch) hiện có hơn 1.000 lao động đang đi làm ăn xa, trong đó gần 300 đi vào phía Nam. Thế nhưng ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Đảng ủy xã lại chia sẻ: Vạn bất đắc dĩ con em mới phải bươn chải kiếm ăn ở xa. Với đồng lương lao động giản đơn hiện nay khó tích lũy lắm, vừa đủ trang trải cho chính bản thân người lao động… Tất nhiên nếu xuất khẩu lao động ở các nước phát triển lại là chuyện khác, nhưng đâu phải ai cũng đi được.
Trở lại vấn đề sản xuất nông nghiệp, với ông Vui, như một điều được ấp ủ, khi hỏi đến là bật lên ngay mà nội dung gói gọn là cần phải thay đổi cung cách làm ăn trong nông nghiệp mới hy vọng có được lời lãi. Với diện tích đất sản xuất lúa hiện tại của mỗi thôn chỉ cần vài hộ đứng ra tổ chức sản xuất, những hộ gia đình khác chỉ đóng góp ruộng đất và ăn chia theo thỏa thuận.
Cũng có thể doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất. Vâng, cơ chế thị trường đã thực sự phủ bóng lên nền nông nghiệp nước nhà mà ở đó sản xuất nhỏ lẻ là phổ biến. Không thể có một phép mầu nào vượt lên trên cơ chế thị trường. Chỉ có đổi mới cung cách làm ăn, là phải sản xuất lớn: diện tích lớn, cơ giới hóa, hiện đại hóa… mới có thể làm thay đổi diện mạo trên những cánh đồng.

Làng quê và những câu hỏi lớn
Bê tông hóa giao thông nông thôn ở Mỹ Thủy, Lệ Thủy.

Nhưng bắt đầu từ đâu? Tôi lại dè dặt hỏi đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, câu trả lời làm tôi hơi bất ngờ, rằng phải từ cơ sở. Theo anh Vui, chính sự năng động, sáng tạo ở cơ sở mới làm tiền đề cho những chủ trương lớn ở cấp cao hơn, thậm chí cả Trung ương. Phải tạo bước chuyển biến trong nhận thức…
Ly nông nhưng không ly hương
Về khía cạnh vĩ mô, phải chăng sự tích tụ phát triển ở các trung tâm đã làm “vón cục” về phân bổ lao động? Để rồi chính sự vón cục lao động này đã kéo theo một loạt hệ lụy tầm vĩ mô, rất khó tháo gỡ mang tầm Quốc gia, như giao thông, nhà ở, những tệ nạn xã hội…
Nhưng có lẽ ta cũng cần quay lại làng quê với những cái cụ thể. Trong tháng 4 năm này khi các nhà đầu tư đã có một làn sóng đầu tư vào tỉnh Quảng Bình khá ồ ạt, ai cũng mừng. Nhưng có lẽ như ông Chủ tịch UBND tỉnh đã nói, có hai dự án rất đáng quan tâm. Tất nhiên đó là hai dự án có số tiền đầu tư cực lớn, nhưng bên cạnh đó là một loạt vấn đề liên quan đến nông dân, nông thôn.
Trong đó có dự án của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex). Theo đó, nhiều nhà máy dệt may sẽ được đầu tư xây dựng ở các huyện trong tỉnh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Khi đó sẽ có nhiều lao động đang làm việc ở phía Nam trở về quê nhà…
Từ đây lại nghĩ đến chuyện, nông thôn sẽ có những thay đổi lớn nếu có nhiều dự án để giải quyết việc làm cho con em. Khi đó sẽ tránh cái nạn di chuyển đi làm thuê ở phía Nam mà một vài cận cảnh đã thấy được “một tiền gà ba tiền thóc” của con em mình khi đi làm ăn xa. Nhưng có lẽ, không chỉ trông chờ vào các dự án tạo việc làm.
Về vấn đề này, ông Vui tâm sự, cùng với sự trợ giúp của Nhà nước, cơ sở cũng phải năng động hơn. Có lẽ thực tế ở địa phương này đã minh họa cho cái điều ông vừa đề cập. Đó là khi có dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn, xã Bắc Trạch đã tính đến chuyện dành 2ha quỹ đất để xây dựng hệ thống dịch vụ phục vụ tàu cá. Mà như ông Vui nói là sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương…
Vâng, nông thôn đang rất cần sự đầu tư của doanh nghiệp, của Nhà nước nhưng cũng cần sự năng động, sáng tạo của chính lãnh đạo địa phương và bản thân người nông dân mới có thể tháo gỡ “nút thắt” việc làm ở mỗi làng quê, mới có thể tạo tiền đề cho cuộc sống, lao động sản xuất ở nông thôn sôi động hơn và phát triển bền vững.

Văn Hoàng
Nguồn: QBTV

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm