6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Can trường bám biển

- Advertisement -

Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta thì hành động ngang ngược của họ đối với ngư dân ta ngày càng hung hăng, lộ liễu. Biết bao tàu cá của ngư dân đã bị tàu Trung Quốc lấy lưới cụ, phá hoại, thậm chí là đâm chìm tàu. Thế nhưng, ngư dân của ta vẫn can trường bám biển. Đối với họ, còn sống là còn bám biển mưu sinh và hơn thế là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Can trường bám biển

Hai ông cháu đều là ngư dân lão luyện của ngư trường Hoàng Sa tiếp chuyện với phóng viên.

Nghề truyền thống  

Tỉnh ta có đường bờ biển dài 116 km với vùng đặc quyền lãnh hải khoảng 20.000km2, gấp 2,5 lần diện tích đất liền; có 5 cửa sông chính (Roòn, Gianh, Dinh, Lý Hòa và Nhật Lệ) tạo ra nguồn cung cấp phù du sinh vật có giá trị cho việc phát triển nguồn lợi thủy sản. Ven biển có các hòn đảo: Hòn La, Hòn Cỏ, Hòn Nồm, Hòn Gió, Hòn Vũng Chùa.

Nghề cá được xem là một nghề truyền thống có từ ngàn đời nay của ngư dân trong tỉnh. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt, nhưng ngư dân vẫn ngày đêm bám biển, “tay lưới, tay súng” sẵn sàng, góp sức giữ vững vùng biển quê hương. 

Những năm gần đây nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trong tỉnh có điều kiện mở mang ngành nghề, đóng mới tàu cá có công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi ra các ngư trường xa. Hiện tại, tỉnh ta có 2,6 vạn lao động trên biển và hơn 10 vạn dân sống dựa vào nghề biển.

Ngư trường là máu thịt

- Advertisement -

Một ngày trung tuần tháng 9-2014, chúng tôi về làng biển Đức Trạch, là địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh ta, gồm có 257 tàu cá có công suất từ 90 đến 800CV, với tổng công suất gần 92.300CV.

May mắn chúng tôi đã gặp được ông Võ Văn Luyến, chủ tàu QB 9231, công suất 295 CV sau chuyến đi biển dài ngày ở Hoàng Sa trở về. Ông kể rằng, đời xưa, khi chưa có tàu trang bị máy đẩy, ngư dân trong xã đã đưa những chiếc thuyền chạy bằng buồm ra Hoàng Sa đánh cá. Ngư trường này ngư dân thuộc như lòng bàn tay, cứ nhìn ánh trăng và hướng gió mà đi không bao giờ bị lạc cả.

Ông kể gia đình ông hiện có 3 thế hệ đang bám biển, riêng ông suốt 25 năm gắn bó với Hoàng Sa, ông thuộc lòng từng đàn cá, từng mùa trăng ở đây. Trước đây mỗi chuyến đi biển dài trên 30 ngày, nay rút xuống 20-25 ngày. Tàu xuất phát từ cửa Gianh ra Hoàng Sa chạy liên tục mất 4 ngày, 4 đêm là đến; nếu xuất phát từ cảng Thuận Phước (Đà Nẵng) sẽ rút ngắn được một ngày, một đêm.

Ngư dân Đức Trạch đã đón đầu chủ trương khuyến khích đánh bắt xa bờ, mạnh dạn đầu tư tàu lớn vươn khơi xa, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Xã Đức Trạch có 5 tổ hợp tác và 37 tổ đoàn kết trên biển. Hàng năm tổng sản lượng đánh bắt hải sản của xã đạt 8.000 tấn, trong đó có 65% số sản phẩm là mực ống, cá thu, cá hố và một số loại hải sản khác có giá trị kinh tế hàng hóa cao.

Góp sức giữ biển

Về Bố Trạch chúng tôi được nghe câu chuyện những cựu chiến binh (CCB) can trường bám biển. Sau khi rời quân ngũ, những cựu chiến binh vẫn luôn giữ trong mình ý chí kiên định, bám biển, giữ chủ quyền. Những “cột mốc” sống ấy đang ngày đêm bám giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, truyền ngọn lửa yêu nước đến nhiều thế hệ ngư dân. Họ là những CCB sống đầy trách nhiệm, nghĩa tình.

Can trường bám biển

Niềm vui được mùa cá cơm.

- Advertisement -

Gần 50 tuổi, hơn 30 năm đi biển, là một thuyền trưởng lão luyện, CCB Nguyễn Đức Vinh vẫn giữ cho mình một phong thái chuẩn mực của “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa. Vừa trở về sau phiên biển ở Hoàng Sa, ông vội nạp nhiên liệu, lương thực, chuẩn bị phiên biển mới.

Bắt chuyện, ông Vinh chia sẻ: Sau hơn 5 năm quân ngũ phục vụ ở Quân chủng Hải quân, hoàn thành nhiệm vụ thì ông xuất ngũ về quê, xây dựng cuộc sống mới. Dồn tiền đóng con tàu 33 mã lực, ông tham gia đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa. Kinh tế ngày một khấm khá, ông sắm con tàu có công suất lớn hơn (500CV) để thỏa chí đi xa, làm giàu từ biển. Với một CCB như ông, ngoài chuyện đi biển làm kinh tế, thì trách nhiệm cao cả hơn là góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.

Nhiều năm theo nghề trên biển, CCB Nguyễn Đức Vinh kiêm thuyền trưởng được nhiều ngư dân nể phục bởi tấm lòng hào hiệp, hy sinh thầm lặng. Ông đã nhiều lần cứu giúp tàu bạn gặp nạn giữa biển khơi.

Gần 30 năm hít thở cái vị mặn mòi của biển khơi, “quả ngọt” cho những năm tháng nhọc nhằn nơi sóng nước là một cơ ngơi bạc tỷ, con cái học hành đàng hoàng. Đang cùng vợ vá lưới, chuẩn bị cho phiên biển mới, ông Lê Văn Hải trải lòng: “Tàu mình mỗi năm ra khơi được 11 phiên biển. Các tháng hè vừa rồi phía Trung Quốc tăng cường các hoạt động gây hấn, đâm va nhiều tàu cá của ngư dân, nhưng điều đó không làm ngư dân mình nhụt chí bỏ biển. Đảng và Nhà nước cùng đồng bào cả nước luôn kề vai sát cánh cùng ngư dân. Giữa lúc Biển Đông dậy sóng, tinh thần quả cảm của những CCB là ngư dân như mình càng phải được phát huy để mọi người noi theo”.

Lão ngư Nguyễn Văn Tân, là một trong những ngư dân can trường bám biển có tiếng ở xứ biển Bố Trạch. Lão ngư Tân bảo rằng: “Dạo này Trung Quốc làm căng quá. Nó kè ép, vây ráp, phá mình, không cho tàu mình đánh bắt. Mình phải đợi đến tối, tắt hết đèn rồi tiến vô. Dù mất nhiều thời gian, công sức và nhiên liệu, sản lượng khai thác không nhiều, lỗ… nhưng mình không sợ. Mình không thể bỏ biển được, vì đó là nơi mưu sinh và vì Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam”.

Về làng biển Tân Mỹ, Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, chúng tôi được nghe câu chuyện ngư dân Lê Văn Chiến, mưu trí dũng cảm chốn chọi với tàu tuần tra của Trung Quốc. Sự việc xảy ra ngày 26-5-2014, khi tàu anh đang hành nghề ở vị trí 16,57 độ vĩ bắc, 109,46 độ kinh đông, vùng biển cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý, nằm giữa Đà Nẵng và huyện đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ có một tàu tuần tra Trung Quốc mang số hiệu 788 được trang bị nhiều loại vũ khí áp sát. Ngay lập tức, tàu 788 bắn pháo hiệu, dùng loa thông báo bằng tiếng Trung Quốc. Tiếp đó, tàu cá của anh Chiến bị tàu Trung Quốc số hiệu 788 bắt, áp tải về phía Trung Quốc.

Can trường bám biển

Đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn khơi.

Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, anh Chiến và những ngư dân trên tàu quyết định điều khiển tàu chạy tránh mặc cho tàu Trung Quốc phun nước, vượt lên dùng súng đe dọa và yêu cầu chạy theo chúng. Đến 13 giờ cùng ngày, khi tới vị trí cách bờ biển Đà Nẵng 75 hải lý, tàu anh Chiến mới thoát khỏi sự truy đuổi của tàu Trung Quốc.    

Không riêng gì anh Chiến, sáng 28-5-2014, khi đang đánh cá ở khu vực vùng biển trên, tàu cá QB- 93436 do anh Nguyễn Ngọc Lâm, thôn Xuân Lộc, xã Quảng Phúc cũng bị một tàu tuần tra Trung Quốc truy đuổi, phụt vòi rồng làm bể 18 bóng đèn cao áp, tuy nhiên do số lượng đèn trên tàu vẫn còn nhiều và các trang thiết bị đánh bắt còn bảo đảm nên tàu anh Lâm vẫn tiếp tục bám trụ khai thác thủy sản.

Nói về nghiệp đi biển của mình, ông Nguyễn Văn Tân kể cả ngày không hết chuyện. Ông kể cho chúng tôi nghe chuyện tàu cá của ngư dân ta bị tàu Trung Quốc uy hiếp cản trở khi đang đánh bắt trên biển. Một lần trong tháng 5-2014, tại vùng biển từ vĩ độ 17°00 N đến  17°26 N, kinh độ 110°20 E đến 110°31 E, vào lúc 14 giờ đến 16 giờ 30 phút có 1 tàu số hiệu 2401 sơn màu trắng của Trung Quốc chạy tới quấy phá, cản trở và rượt đuổi phi lý các tàu cá của các ngư dân tỉnh ta.

Một lần khác trên vùng biển tiếp giáp với Hoàng Sa, khi 20 tàu cá của ngư dân Đức Trạch và Bảo Ninh đang thả lưới đánh cá, thì bất ngờ phát hiện 2 tàu tuần tra Trung Quốc  từ xa phóng tới rượt . Sau đó có một tàu của Trung Quốc cũng rượt đuổi, uy hiếp 7 tàu cá của xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) tại vị trí này. Tuy nhiên, các tàu cá của ta đã khôn khéo tránh né nên vẫn an toàn và tiếp tục bám ngư trường để khai thác…

Bất kể sự ngang ngược của tàu Trung Quốc, làm tình hình Biển Đông nóng lên trong thời gian qua, ngư dân tỉnh ta vẫn can trường bám biển. Đối với họ, còn sống là còn bám biển mưu sinh và hơn thế là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tr.T và nhóm P.V

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm