6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Điểm sáng từ Bố Trạch

- Advertisement -

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Bố Trạch đã tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa… Từ các phong trào ấy đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống kinh tế, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Thời gian qua, Hội nông dân Bố Trạch đã chủ động xây dựng nhiều phong trào hoạt động cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng tổ chức hội cơ sở, địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả. Hội đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xem đây là nội dung quan trọng có tác động trực tiếp đến nhiều phong trào khác như thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thi đua lao động giỏi, sản xuất, kinh doanh giỏi.

Hưởng ứng các nội dung của phong trào nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, toàn huyện đã tích cực áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.

Hội còn tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế như hỗ trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức dạy nghề cho hội viên ở các địa phương. Những năm gần đây, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn, các trung tâm giáo dục cộng đồng địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút trên 12.000 hội viên tham gia.

Điểm sáng từ Bố Trạch
Nuôi cá lồng một trong những mô hình kinh tế mang lại nguồn thu nhập khá cao của người dân Bố Trạch.

Thông qua nhiều chương trình hoạt động, nông dân toàn huyện được đào tạo ngắn hạn tại chỗ với các nghề chủ đạo như chăn nuôi, thú y, mộc dân dụng, làm nón lá dừa, nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật khai thác và chăm sóc cây cao su… Nhờ được trang bị kiến thức, kỹ năng nên nông dân Bố Trạch đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao.

Nếu như trước đây, nông dân chỉ tập trung vào cây lúa thì nay những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi thành các hồ nuôi trồng thủy sản; diện tích lạc, ngô cho sản lượng thấp được thay thế bằng cây ớt mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Kinh tế trang trại được xem là một trong những thế mạnh của nông dân Bố Trạch.

Toàn huyện có khoảng 500 trang trại (đạt tiêu chí mới). Nhiều gia đình nông dân trở thành hộ giàu nhờ mô hình kinh tế trang trại. Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong mỗi hội viên nông dân, xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, số lượng nông dân làm chủ các cơ sở sản xuất ngày càng tăng, tạo công ăn việc làm, giúp thoát nghèo cho hàng ngàn hội viên.

Thực hiện kế hoạch giảm nghèo bền vững của huyện, ngay từ đầu năm 2013, Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trong việc giúp đỡ hội viên nghèo. Hội đã tiến hành khảo sát thực tế đời sống của các hộ dân ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và tổ chức tập huấn kiến thức nuôi gà ri-một mô hình kinh tế đang cho thu nhập cao, đồng thời hỗ trợ vốn vay cho nhiều gia đình nông dân thuộc diện khó khăn.

- Advertisement -

Ngoài ra, các cấp hội đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể địa phương để triển khai chương trình xóa nghèo có địa chỉ. Theo đó những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tự nguyện giúp đỡ những hộ nghèo vươn lên. Với sự giúp đỡ cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất, công lao động… đã mở ra cơ hội cho nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bằng những việc làm thiết thực, hội đã huy động được sự đồng tình hưởng ứng của toàn thể cán bộ, hội viên. Tại các địa phương, nông dân đã tự nguyện hiến đất, hiến vườn, đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.

Trong phong trào xây dựng làng văn hóa, bà con luôn ý thức đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo sự nghiệp giáo dục, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm, trên 90% gia đình hội viên Hội Nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa, các phong trào văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể thao thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia.

Thi đua yêu nước đã trở thành phương châm trong mọi chương trình hoạt động của Hội Nông dân Bố Trạch. Từ việc xây dựng và triển khai thực hiện các phong trào thi đua đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo của mỗi nông dân, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Kết quả đó là động lực để nông dân Bố Trạch không ngừng vươn lên nhằm tiếp tục tạo nên những thành quả mới, góp phần tích cực vào sự triển chung của toàn huyện.

Nhật Văn

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm