7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Giăng Màn nước thiêng

- Advertisement -

Cao nguyên Minh Hóa (Quảng Bình) hình thành hàng trăm triệu năm trước. Dãy Giăng Màn án ngữ ở phía Tây được các tộc người Khùa, Mày, Sách, Trì, Thổ… xem là núi thiêng từ thuở hồng hoang đến nay. Nơi đó những điệu hát, nết ăn, cách ở, bản sắc mỗi tộc người đã tạo ra một vùng văn hóa rất riêng.

Giăng Màn nước thiêng

Phụ nữ Khùa ở cao nguyên Minh Hóa

Minh Hóa trong các nghiên cứu của những nhà truyền giáo Pháp xưa kia là một cao nguyên có diện tích hơn 1.413km2, dày đặc rừng rậm. Cho đến nay, chưa một nhà khám phá nào có thể hiểu hết cao nguyên huyền bí này.

Những tộc người bản địa Minh Hóa có cuộc sống bí ẩn đến kỳ lạ. Dù cuộc sống đã có phần văn minh, nhưng các cổ tục thì chỉ trong dòng tộc của họ mới được biết để thực hành và không bao giờ lộ ra bên ngoài.

Ngày trước lên xứ này, cứ 10 người đi thì chừng một nửa bỏ mạng vì sốt rét ác tính hoặc bị hổ vồ. Bây giờ, từ TP. Đồng Hới ngược ngàn theo những con đường trải nhựa, lên tới đèo Đá Đẽo đã chạm đất Minh Hóa. Một con đường khác có thể tiếp cận vùng đất kỳ bí này là quốc lộ 12A từ Quảng Trạch, xuyên huyện lỵ Tuyên Hóa để vào trung tâm Quy Đạt của Minh Hóa.

Cung đường thứ ba là từ Hương Khê (Hà Tĩnh), vượt những bản làng của người anh em Chứt ở huyện Tuyên Hóa để vào vùng Khe Ve, La Trọng bắt tay anh em Khùa, Mày. Có một con đường nữa là từ Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo thì chạm mặt với ngọn núi Giăng Màn.

Theo tài liệu của những nhà truyền giáo Pháp, ở cao nguyên này có những tộc người được họ đặt tên là Xá Lá Vàng, Tu Vang, Pa Leng, Xe Lang, Tơ Hung, Cha Cú, Tắc Cực, U Mo.

- Advertisement -

Sau này, những danh tộc đó được gọi đúng tên là Chứt, Mày, Rục, Khùa, Sách, Trì, Thổ, Nguồn. Trong các tài liệu hiện đại đều nói các tộc người này thuộc nhóm dân tộc Chứt, thông minh, dí dỏm, can trường, tuy cuộc sống thảo dã có phần lạc hậu.

Từ aray (xa xưa) người Khùa, Mày, Sách, Rục… đã kể về vị thần Giang Bra có quyền năng tối thượng, ngự trên dãy Giăng Màn. Những học sinh như Hồ Đăm, Hồ Khe khi nghe chúng tôi kể chuyện về thần Zeús (tiếng Việt gọi là thần Dớt), vua của các vị thần, là thần trị vì các vị thần và là thần của bầu trời trong thần thoại Hy Lạp, các em thấy tương tự như quyền năng của vị thần tổ Giang Bra ngự trị trên quê hương mình.

Có lẽ chúng tôi là những vị khách may mắn nhất khi nhìn rõ được dãy núi Giăng Màn, bởi theo Hồ Khiên, một người Mày ở Trọng Hóa, mỗi năm dãy núi thiêng này chỉ cho con người nhìn rõ hai đợt, mỗi đợt chỉ ba ngày. Đó là ba ngày cuối tháng 4 và ba ngày đầu tháng 9.

Theo Hồ Khiên, vì đó là nơi của các vị thần ở nên mây giăng phủ quanh năm. Chỉ có hai lần trong năm trời quang mây để các vị thần nhìn về những tộc người xem họ sống như thế nào, có đoàn kết hay không, có giữ được đất đai tổ tiên để lại như lời thề hay không.

Trong sáu ngày của hai đợt nhìn rõ dãy núi Giăng Màn hùng vĩ này thì thời gian tiếp kiến đủ hình hài núi thần chỉ từ khoảng 8 giờ đến 9 giờ 30 phút sáng vì ngay sau đó là mây kéo về. “Mây kéo tới là cách của các vị thần giăng màn che núi để bàn việc giữ yên bình cho hạ giới của người Khùa, người Mày, người Sách, người Rục… nên người dân ở đây gọi chung các ngọn núi là Giăng Màn” – Hồ Khiên giải thích.

Trong dãy núi Giăng Màn bí ẩn ấy có núi Tồông Vốôc, Ku Lôông, Y Răng, Y Hơn, mỗi núi lại có một vị thần nuôi nấng, chở che người Mày, người Khùa, người Sách… Tất cả hợp lại, tạo thành vị thần thiêng liêng cai quản cương vực ở đây và được tôn kính gọi là Giang Bra, thần của các vị thần.

Trong nhà của người Mày đều thờ cúng thần Giang Bra nhưng vị thần họ thường nhắc đến nhiều nhất là thần Ku Lôông, vì vị thần này cho các tộc người ở cao nguyên Minh Hóa nhiều thứ để giữ gìn cương thổ.Giăng Màn nước thiêng

Một góc bản người Mày ở xã Trọng Hóa được bộ đội biên phòng xây tặng

- Advertisement -

Cộng động Khùa, Mày, Rục, Sách, Nguồn… ở cao nguyên Minh Hóa còn có một quyền thần khác là ma: ma nước. Ma nước thường bắt người khi lũ về.Người Mày và người Khùa ở đây không lập miếu thờ, mà chọn một nơi cao ráo, sạch sẽ, khi có lễ, chủ bản đưa đến ba thanh gỗ, cắm kiểu chân kiềng, trên đó sắp mâm cúng gồm gà luộc, cá suối và thuốc rừng mời gọi thần Ku Lôông, mời thần Giang Bra về dùng với dân bản, mong được phù hộ dân bản bình yên, nương rẫy tốt tươi, săn bắt thuận tiện.

Cao nguyên Minh Hóa là nơi đầu nguồn sông Gianh. Vùng đất này cung cấp nước cho Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn. Dòng nước từ đỉnh Cu Pi chảy về khe được các tộc người trong vùng giữ gìn qua hàng ngàn năm.

Các tộc người ở rừng núi Minh Hóa đều dựng bản cạnh nguồn nước. Nước không chỉ để ăn uống,tắm giặt mà còn là nơi cố kết bản quán, nhất là nơi truyền tin nguy hiểm bằng cách thả máu lá rừng làm ám hiệu để ứng cứu nhau. Và đặc biệt, nước còn là phương thuốc giải độc cho những ai bị nhiễm độc từ cây cối rừng già.

Trách nhiệm đầu tiên giữ gìn nguồn nước thuộc người Mày. Họ án ngữ ở dòng suối Tà Âu và Pà Ài, hai nguồn nước từ Giăng Màn chảy ra, để tạo nên dòng sông Gianh cho anh em người Kinh phía dưới được đồng bằng phì nhiêu.

Theo điển tích dân gian mà chúng tôi nghe Hồ Khiên kể, các vị thần tạo ra nước trên đỉnh Cu Pi và con suối Tà Âu, Pà Ài, có “yểm” những chất riêng của thần núi để suối không bị độc, nước mát ngọt và chia đều cho mỗi tộc người trong vùng.

Và người Mày được phân công ở nơi cao nhất, sát nhất với các vị thần trong Giăng Màn để giữ nước. Người Khùa ở giữa để canh các mó nước không bị thú hoang chiếm giữ, người Nguồn ở thấp hơn để đảm bảo nguồn nước không có ai ngăn lại cho anh em người Kinh phía dưới được trồng trọt, chăn nuôi.

Còn đồng bào Rục ruột thịt, theo ký ức của những người già ở cao nguyên Minh Hóa, đi tuần ở các rặng núi đá vôi tuyến dưới để nguồn nước không bị kẻ lạ bỏ thuốc độc. Nguồn nước Giăng Màn đã gắn kết các tộc người, đấy là nguồn nước thiêng…

Các tộc người ở cao nguyên Minh Hóa còn có kho tàng truyện cổ, ca dao, tục ngữ khá phong phú. Mỗi tộc người một bản ngã, nhưng luôn cùng nhau bảo đảm cho một phần cương vực của mái nhà Việt Nam được bình yên. Ngày nay, bản ngã đoàn kết của họ được dìu dắt bởi bộ đội biên phòng.

Từ đó đồng bào được tiếp xúc với thế giới văn minh nhưng vẫn bền dai chung thủy với cao nguyên Minh Hóa. Họ giàu có về trí tuệ, hào sảng về tinh thần, hào phóng với khách khứa.

Cao nguyên này, xa xưa đã công hiến nhiều người tài đánh giặc giữ đất, qua hai cuộc kháng chiến vừa rồi cũng xuất hiện nhiều anh hùng sát cánh với các dân tộc anh em giữ nước. Và nay, những tộc người anh em ở cao nguyên Minh Hóa đang được Nhà nước giúp đỡ và tự mình để tiến kịp miền xuôi.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm