6.4 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 24, 2023

Tản mạn tháng Giêng

- Advertisement -

Khi những hội làng, đình đám đã vãn, đàn chim sẻ líu ríu gọi nắng về trên mái ngói đầy rêu và lớp lớp hoa xoan vương đầy trên những con đường quê… ấy là lúc lòng ta chơi vơi vì tháng Giêng đang dần cạn. Đi qua những thanh tân, tơ nõn của thiên nhiên và lòng người, tháng Giêng lặng lẽ trở về rồi chia xa trong nỗi tiếc nuối, mong ngóng của muôn triệu con tim luôn biết đắm say trước những điều huyền diệu của cuộc sống.

Năm âm lịch của người Việt Nam rất lạ, bởi tháng đầu và tháng cuối trong năm người ta không đặt tên theo số mà gọi là tháng Giêng và tháng Chạp. Đến nay, có nhiều cách lý giải nhưng dù sao chăng nữa đó cũng là những tháng rất đặc biệt trong năm, không chỉ ở đất trời mà cả trong lòng người cũng có những diễn biến rất đặc trưng. Nếu như tháng Chạp đến trong khí trời rét mướt và bao nỗi lo toan cùng niềm hân hoan đợi chờ năm mới thì tháng Giêng lại về giữa nhân gian trong làn hương ấm áp với chồi non, lộc biếc, với rực rỡ sắc hoa cùng nhiều lễ, Tết linh thiêng, hội hè đình đám và sự thong dong, thanh thản của lòng người.
Cuối Chạp, khi trên khắp cánh đồng đã thưa vắng bóng người, lúa đã bắt đầu bén rễ chuyển màu xanh mơn man, khi gió mang theo mùi hương trầm ấm áp, thoảng hương đồng nội với hoa trái, lá dong… ấy là khi đất trời đi qua mùa đông, khoác áo mới của tháng Giêng tơ nõn… Và ta biết, tháng Giêng đang chậm về bình yên trong niềm vui hội ngộ của những đứa con ly hương, chộn rộn cùng cánh én chao lượn trên bầu trời, lộng lẫy cùng bao nhiêu đào mai, cây cảnh và muôn hoa… Đi giữa đất trời ấy, ta thấy mình như trẻ lại, hoan ca cùng cây cỏ, chim muông và trong lồng ngực dâng lên một niềm hạnh phúc riêng tư dẫu nhỏ nhoi nhưng rất đỗi bền chặt, để mỗi khoảnh khắc đi qua càng thêm yêu cuộc sống…
Tháng Giêng được bắt đầu bằng những ngày nguyên đán thiêng liêng, đó là khoảng thời gian con người gạt bỏ hết những lo toan, phiền muộn để tìm đường về với tổ tiên, tìm đến những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo những biến đổi của đời sống, tập tục mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy ngày nay đã phai nhạt, nhưng không vì thế mà 3 ngày ấy bớt đi sự thiêng liêng. Tùy theo từng gia đình, từng địa phương, người ta sẽ tổ chức ăn Tết khác nhau nhưng ở hầu hết các làng quê, việc đầu tiên trong ngày mùng 1 tháng Giêng, bao giờ con cháu cũng đến dâng hương tại nhà thờ họ trước khi thăm hỏi họ hàng, làng xóm, bạn hữu. Hầu như người người đều tin rằng, ngày đầu tiên của năm mới, tổ tiên sẽ trở về cùng cháu con, lắng nghe và phù hộ độ trì cho dòng tộc bình an, hạnh phúc… Không chỉ ở làng quê mà ngày nay ở thành phố, người ta cũng nỗ lực khôi phục những lễ hội truyền thống. Những hội hè, đình đám trong dịp Tết Nguyên Đán vì thế ngày càng nhiều, làm cho không khí những ngày đầu năm thêm phần sống động và thiêng liêng nguồn cội. Tháng Giêng cũng là tháng mà lòng người trở nên thanh tịnh với hoạt động đi lễ chùa. Dường như, trên dặm dài đất nước, ở đền, chùa, miếu mạo đâu đâu cũng vọng những lời khẩn cầu thành tâm của chúng sinh về một cuộc sống an bình, mạnh khỏe.

Tản mạn tháng Giêng

Vào một ngày giữa tháng Giêng, tôi lặng lẽ lên chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh để được thấy lòng mình nhẹ bay trong tiếng chuông ngân. Đứng trước Phật, rũ sạch hết những lo toan, chen lấn với đời, gạt bỏ những lấn cấn về sự ganh đua, đố kỵ, để rồi chợt nhận ra mình như hạt cát giữa hư vô với lòng thành kính và cái tâm trong sạch không vấn bụi trần. Lên núi cũng để biết rằng, khi mình vượt qua những bậc đá, khi những giọt mồ hôi ướt đẫm bụi đời, thấy lòng nhẹ tênh như vừa vượt qua được những cám dỗ, bước qua được những trắc trở trong đời sống. Và như thế, thấy cuộc đời thêm nhiều ý vị. Đứng trên đỉnh núi Thần Đinh, giữa bao khói hương lãng đãng, giữa một không gian chất chứa tình người, tôi biết, tháng Giêng đã đem đến cho tôi và lòng người muôn phương những giờ khắc tự gột rửa tâm hồn… Tiếc là ở đâu đó, trên những điện thờ, sân chùa một số người đi lễ đã hành xử còn thiếu văn hóa làm mất đi nét đẹp ngày xuân, làm vẩn đục những chốn linh thiêng…
Tháng Giêng của dân tộc ta còn đặc biệt bởi ngày Tết Nguyên Tiêu. Dù thời tiết có biến đổi như thế nào chăng nữa thì vào ngày ấy lòng người vẫn luôn ấm áp; ánh trăng vẫn sáng trong, thanh bình giữa làn gió xuân dịu nhẹ. Ngắm vầng trăng tháng Giêng, người ta không luận bàn bất cứ điều gì, chỉ mơ ước cái quầng sáng thanh khiết, dịu dàng kia sẽ mang lại một năm mưa thuận gió hòa… Theo phong tục của người Việt Nam, Tết Nguyên Tiêu được coi là ngày Tết cuối cùng dịp Tết Nguyên Đán truyền thống. Đó cũng là ngày rằm đầu tiên của năm theo phong tục của những nước tính lịch theo mặt trăng như Trung Quốc, Ấn Độ… Nó trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của những người Việt. Với hầu hết các chùa, trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, mạnh khỏe, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho nhân dân, đất nước. Vì thế, trong ngày rằm, nhân dân ta vẫn có thói quen dành một chút thời gian đi lễ chùa, kính Phật, nguyện cầu những điều tốt đẹp cho gia đình mình. Đó là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”. Các chùa chiền ngày càng được sửa chữa, tôn tạo to đẹp, khang trang. Cùng với đó là sự quan tâm khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc của các cấp chính quyền và nhất là ý thức tìm về những giá trị văn hóa thông qua các lễ hội của nhân dân được đánh thức mạnh mẽ thì việc tham dự các lễ hội như hội rằm tháng Giêng là tất yếu của nhiều người. Câu “Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng” nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt và các nước Á Đông nói chung. Tùy thuộc vào văn hóa tín ngưỡng của mỗi vùng miền, tục cúng rằm tháng Giêng trong dân gian khác nhau nhưng mang ý nghĩa lớn nhất là cầu phúc. Sau một năm lao động vất vả, người dân tự thưởng cho mình một thời gian ngắn để nghỉ ngơi, du xuân. Vì vậy, Tết Nguyên Tiêu đánh dấu sự kết thúc tháng “ăn chơi” để bắt tay vào công việc của một năm mới. Ngày xưa, mỗi dịp đến ngày rằm tháng Giêng, tại các nhà thờ họ, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những thanh niên học cao, hiểu rộng, có tài và có đức lên đọc bản báo cáo thành tích một năm hoạt động với tổ tiên. Qua đó để thấy được sự hưng vượng của dòng họ và giáo dục các thế hệ con cháu một cách tốt nhất. Sau đó, các bô lão tổ chức ngắm trăng, thi đọc thơ hoặc chơi tổ tôm, tam cúc. Sau ngày này, họ thường cất hoặc đốt những bộ trò chơi này đi để thúc giục con cháu khởi động một năm mới làm việc chăm chỉ, thi cử đỗ đạt. Tiếc rằng, trải qua năm tháng, những hoạt động này dần dần bị quên lãng trong đời sống hiện tại, những nó sẽ là những nét đẹp đáng quý được lưu mãi trong cội nguồn văn hóa dân tộc để mỗi khi nhớ về lòng người vẫn thấy chộn rộn, khắc khoải và đầy tiếc nuối như thể vừa đánh mất một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng. Rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt còn là một ngày Tết hết sức linh thiêng. Thế nên đến giờ, khi cuộc sống đã đủ đầy, nhiều người vẫn còn rất háo hức đợi chờ cái tết muộn – Rằm tháng Giêng. Vì thế, ngày rằm vẫn còn níu bước những đứa con đi xa nán lại quê nhà và nhắc nhở mọi người dù đi đâu cũng trở về tụ họp gia đình trong ngày ấy. Sau Nguyên Tiêu sẽ là những chia biệt, những bắt đầu cho một năm mới. Có lẽ vì thế mà sau khi cúng Rằm xong lòng người thường trở nên chơi vơi bởi ý thức về một tháng Giêng ấm cúng, thiêng liêng cùng những nô nức, lộng lẫy đã dần vơi cạn…
Rằm tháng Giêng còn có một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với nền thi ca khi Hội Nhà văn chọn làm Ngày Thơ Việt Nam. Đó là ngày hội ấm tình non sông, đậm nét cội nguồn, chuyên chở hồn thơ dân tộc. Đã qua nhiều lần đươc tổ chức khắp nơi trên mọi miền đất nước với nhiều chủ đề vô cùng đa dạng nên lần nào cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi thế hệ yêu thơ. Ngày Thơ Việt Nam không giống như các lễ hội khác, không yến tiệc linh đình, không quá long trọng mà trầm tĩnh, sâu lắng, rộn ràng, gần gũi. Rằm tháng Giêng vì thế còn là ngày của những tiếng ca vọng ngân từ ruộng đồng, sông nước, của những nhịp ngân rung từ bao trái tim chung dòng máu Lạc Hồng.
Qua đêm trăng thanh, sáng mai thức dậy nhìn qua khung cửa về phía góc vườn chợt thấy một vùng đất phủ tím một màu mong manh, lãng đãng. Hoa xoan rơi bói sao mà nhiều lạ… Những hình ảnh đó đôi lúc khiến ta nhói lòng nhớ về thuở xưa đói nghèo nhưng đong đầy ký ức. Đó là những ngôi làng rợp bóng cây xanh, mỗi độ ra Giêng, lộc non mơn man trên những cành lá; là những con đường đất trắng mịn mỗi độ cuối Giêng, hoa xoan rơi phủ tím đường, tỏa hương ngào ngạt. Thời gian trôi đi, qua mỗi mùa xoan, mỗi chúng ta đều thêm tuổi, chất chứa trong miền ký ức thêm nhiều kỷ niệm đẹp. Vậy mà lạ thay, những dấu ấn của tuổi thơ được sống trong mùa xoan tháng Giêng lúc nào cũng tròn đầy như thể vừa mới hôm qua… Miên man giữa nhớ thương, hoài vọng, chợt giật mình… Vậy là những ngày còn lại của tháng Giêng năm nay đang dần trôi qua. Dẫu tiếc nuối nhưng lòng ta đã sẵn sàng đưa tiễn những ngày thanh tân, sẵn sàng cho nỗi đợi chờ tháng Giêng năm tới trong nỗi nhớ chung riêng, trong những ước mơ, những dự định đang đợi chờ phía trước. Tạm biệt nhé, tháng Giêng, ta chào đón những ngày sung mãn của mùa xuân đất trời, lòng người!

– Theo QBTV
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,657Thành viênThích
336Người theo dõiTheo dõi
23,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm