6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Neo đời nơi cửa sông

- Advertisement -

Trời mưa tầm tã. Con đò nhỏ là tổ ấm của gia đình ông Phạm Văn Chinh (Đồng Hới, Quảng Bình) chao nghiêng theo từng cơn gió lạnh rít liên hồi.

Suốt 35 năm qua, vợ chồng ông Chinh “neo đời” bên cửa sông Nhật Lệ để mưu sinh.
Neo đời nơi cửa sông

Ông Chinh giăng lưới bắt cá trên sông Nhật Lệ – Ảnh: N.L.

Ông Chinh là dân vạn đò, gia đình nhiều đời sống nổi trôi trên mặt nước. Quê ông ở một làng nổi trên sông Gianh (thuộc xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), hơn 30 năm nay ông đăng ký tạm trú ở phường Hải Đình (sống trên sông Nhật Lệ, TP Đồng Hới).Trời tối dần mang theo từng cơn gió lạnh buốt. Ông Phạm Văn Chinh (60 tuổi) cầm chèo lái khua nhẹ, còn vợ ông – bà Nguyễn Thị Tình – ngồi trước mui đò, tay thoăn thoắt thả lưới dưới màn mưa lạnh cóng.

Ngồi nép mình vào chiếc mui đò cũ nát tránh mưa lạnh, ông Chinh nhìn mông lung về cửa sông Nhật Lệ và kể về phận đời “bọt nước” của mình.

“Dân quê tui sống bằng nghề chài lưới nghèo đói quanh năm, làm không đủ ăn. Người dân phải bỏ làng, kéo đò lang bạt khắp nơi để mưu sinh. Đói quá, gia đình tui cũng phải bỏ làng mà đi” – ông Chinh trầm ngâm.

Đầu năm 1980, ông Chinh chèo đò chở vợ và đứa con trai 2 tuổi vượt sóng cửa Gianh, theo bờ biển xuôi vào bến sông Nhật Lệ rồi bám trụ ở cửa sông này suốt 35 năm qua. Và trên dòng Nhật Lệ, vợ chồng ông Chinh chào đón thêm sáu đứa con trong con đò chật hẹp.

Ròng rã suốt 35 năm qua trên con thuyền nhỏ bé, vợ chồng ông Chinh tháng ngày lênh đênh ngược xuôi theo dòng Nhật Lệ để thả lưới, buông câu. Bảy đứa con lớn lên theo năm tháng, được vợ chồng ông xin cho học lớp xóa mù chữ, nhưng gánh nặng mưu sinh đã làm con chữ rụng rơi theo sóng nước. Ngày ngày, những người con lại bỏ trường theo cha mẹ chèo thuyền đi buông lưới, thả câu.

Ông Chinh góp vui: “Hơn 30 năm trước ở Đồng Hới đất dọc bờ sông Nhật Lệ để hoang, tui nói vợ lên bờ làm cái nhà ở cho ổn định nhưng vợ lại cản, nói ở đó sợ ma. Nếu hồi đó liều lên ở thì có khi nhà mình đã thành triệu phú, chắc giờ số phận cũng khác”. Nghe chồng nói, bà Tình nhìn lên dãy nhà cao tầng mọc san sát bên dòng Nhật Lệ cười buồn.

- Advertisement -

Tâm sự chuyện vì sao “neo” mãi ở sông Nhật Lệ mà không trở về quê, ông Chinh bảo sông Nhật Lệ như có duyên nợ, nhiều lần tính chuyện trở về quê nhưng chưa thể dứt ra được.

Ông Chinh nói rằng vợ chồng ông có một căn nhà nhỏ ở quê nhưng sống riết trên con đò nhỏ tròng trành đã thành thói quen, bởi thế mà mỗi lần có việc gì cần lên bờ hay về nhà là ông không thể chợp mắt được, cứ nôn nao nhớ về bến sông Nhật Lệ.

“Sống ở đây hơn nửa đời người, mọi thứ đã trở nên thân thương nhưng không có người thân thích. Giờ vợ chồng tôi cố gắng làm lụng dành dụm ít tiền, lúc già sẽ trở về quê” – ông Chinh nói.

Theo Tuổi trẻ

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm