8.5 C
New York
Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy: Dấu ấn lễ hội cộng đồng trong vùng văn hóa Bắc Miền Trung

- Advertisement -

Quảng Bình có các lễ hội đua thuyền trên sông nước lâu đời ở các làng, xã của các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thành phố Đồng Hới. Ở Quảng Trị có đua thuyền trên sông Thạch Hãn. Ở Hội An – Quảng Nam có đua thuyền trên sông Thu Bồn… Nhưng tất cả chỉ có đua thuyền nam và quy mô có mức độ. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang – Lệ Thủy, có từ trước năm 1555(1), đến năm 1946, huyện Lệ Thủy tổ chức đua thuỵền trong ngày Quốc khánh 2/9, từ đó trở đi hàng năm lễ hội diễn ra mừng Tết Độc lập với nam giới tham gia thuyền bơi, nữ giới tham gia thuyền đua(2). Qua các thời kỵ, hoàn cảnh lịch sử không gian văn hóa có thể thấy lễ hội đua thuỵền ở Lệ Thủy là một lễ hội cộng đồng có dấu ấn sâu rộng ở Quảng Bình và trong vùng văn hóa Bắc miền Trung.

Lễ hội đua thuyền được tổ chức, diễn ra trên diện rộng ở tất cả các làng, xã thôn, phường, ấp có sông nước từ hội xuân đến hội cầu đảo.

Về đua thuyền mùa xuân – hội xuân diễn ra khoảng ba thế kỷ (1555-1845). Trên địa bàn huyện Lệ Thủy, thời đó đã có 15/32 xã, có tổ chức lễ hội đua thuyền, thu hút hàng chục ngàn người dân tham dự, hóa thân vào lễ hội (vì hoạt động lễ hội có tính diễn trình, mang yếu tố tâm linh tín ngưỡng). Đó là các làng, xã: Đại Phúc Lộc (Đại Phong); Tuy Lộc; An Xá; Ngô; Tiểu Phúc Lộc (Thượng Phong); Xuân Hồi; Cổ Liễu; Quy Hậu; Uẩn Áo; An Trạch (Mỹ Trạch); An Chế (An Định); Phù Việt; Ba Nguyệt Thượng; Ba Nguyệt Hạ; Hoắc Đặng (Đặng Lộc). Ngoài ra có 14 xã thuộc huyện Khang Lộc mà ngày nay thuộc huyện Lệ Thủy cũng tổ chức đua thuyền sôi nổi, đó là: Cái Xá (Thai Xá); Cồn Bồ (Xuân Bồ); Hoàng Khê (Hoàng Giang); Quân Ly (Quảng Cư); Mai Xá; An Mễ (Xuân Lai); Phúc Lộc (Mỹ Lộc); Lộc Châu (Lộc An); Thạch Bồng (Thạch Bàn); Tân Lệ; An Truyền (Xuân Hòa); Ngô Xá; Lại Xá; Quất Xá (Mỹ Đức).

Đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy: Dấu ấn lễ hội cộng đồng trong vùng văn hóa Bắc Miền TrungLễ hội đua thuyền ở các làng, xã tổ chức diễn ra trong 2 ngày chính thức. Ngày đầu, tổ chức tế lễ tại đình làng và cúng bái, dâng hương hoa ở các đền thờ, miếu thờ các vị thần thiêng. Nghi thức tế lễ: đại lễ, có cờ đại, lọng tàn, đại cổ, tiểu cổ, văn tế, tư văn, chấp lễ, chủ bái, do bộ máy ngũ hương chủ sự, đứng đầu là lý trưởng. Lễ vật thông thường gồm: bò thui, lợn quay, xôi, hương hoa, trà tửu, vàng bạc, nhiều bánh trái tượng trưng cho các dòng họ trong làng; đồng thời có nhiêu mâm cỗ của dân làng (những gia đình khá giả) mang đến dâng cúng. Tất cả những người trong bộ phận tế lễ và người dự tế lễ đều phải tinh sạch, tươm tất. Ngày thứ hai, tổ chức hội đua thuyền. Từ sáng sớm thuyền đua của các thôn (dưới làng) đã lướt đến đậu ở bến đình làng để thực hiện lễ tạ ơn đất, trời, thần linh, cầu yên; sau đó vào hội đua thuyền. Thuyền đua phải lướt đi qua ba vòng (sáu tao) trên chiều dài khúc sông quanh làng, xã, từ trung tiêu, thượng tiêu, hạ tiêu và về đích giật giải.

Lễ hội đua thuyền cầu đảo tiếp tục diễn ra trên diện rộng, ở tất cả các cụm vùng đều có đua thuyền khoảng (1845 – 2014): cụm vùng đồng bằng, vùng trũng, cụm vùng đồi bán sơn địa, cụm vùng dải cát nội đồng ven biển, cụm vùng phía Tây Nam, Tây Bắc huyện. Cả 7/7 tổng trong huyện và tổng Thạch Bàn (phủ Quảng Ninh sau năm 1945 thuộc địa bàn huyện Lệ Thủy) đều có các làng, xã, thôn, phường, ấp tổ chức đua thuyền (tuy mỗi thời kỳ có sự thay đổi về địa giới, hành chính, tên gọi tổng, làng, xã… nhưng không lớn). Cụ thể từ năm 1939 như sau:

Tổng Mỹ Trạch có: Cổ Liễu xã, Quy Hậu xã, Dương Xá xã – còn gọi là Làng Dương, Mỹ Trạch Thượng, Mỹ Trạch Hạ, Tâm Duyệt xã, Uẩn Áo xã – còn gọi là Nhà Ngo, Thuận Trạch phường – còn gọi là Trạm, Tân Hậu phường, Tiểu Giang phường – còn gọi là phường Tiểu. Tổng Đại Phong có: Đại Phong Lộc xã – còn gọi là Đợi, Mỹ Phước thôn – còn gọi là Nhà cồn, Tuy Lộc xã, An Lạc phường, An Xá xã, An Xá Hạ. Tổng Thạch Xá có: Ba Nguyệt xã, Mỹ Duyệt thôn, Mỹ Duyệt Hạ, Phù Việt xã, Tân Việt phường, Bình Phú ấp. Tổng Thượng Phong Lộc có: Xuân Hồi xã, Phú Thọ xã, Thượng Phong Lộc xã – còn gọi là Làng Tiểu. Tổng Xuân Lai có: Xuân Lai xã, Xuân Bồ xã, Hoàng Giang xã – còn gọi là Nhà Vàng, Phan Xá xã – còn gọi là Nhà Cai, Phú Bình Thượng Phong. Tổng Mỹ Lộc có: Mỹ Lộc xã – còn gọi là Mỹ Lược, Lộc An xã – còn gọi là Lộc Hậu, Phú Hòa xã. Tổng Thủy Liên có: Đặng Lộc xã, Hòa Luật Nam(3).

Với sự tổ chức đua thuyền đông đảo của làng, xã, phường, có thể ghi nhận rằng lễ hội đua thuyên cầu đảo đã có quy mô và sâu rộng trong cộng đồng dân cư, tạo dấu ấn cả huyện vui hội đua thuyền cầu đảo rằm tháng 7 trên sông nước quê hương. Hình thức quy cách tổ chức lễ hội đua thuyên cầu đảo cũng tương tự như đua thuyền hội xuân. Điều khác biệt là thuyền bơi có cải tiến một bước đáng kể. Đó là thuyền mực, tức loại thuyền đã được đóng vạt lại để thuyền có hình dáng đẹp hơn, lướt nước nhanh hơn.

Lễ hội đua thuyền gắn với sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng bằng cách tổ chức cúng tế tại thôn, làng, xã, nơi có thuyền bơi, rất nhiều người dân tham gia vào việc cúng tế, nghi lễ cúng tế nối đời thực với đời sống tâm linh.

- Advertisement -

Trong lễ hội đua thuyền trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, mỗi làng, xã, phường, ấp… ở huyện Lệ Thủy rất coi trọng việc cúng tế thần linh để phù hộ độ trì cho làng, xã, dân làng. Ở Lệ Thủy có lưu truyền câu ca qua bao đời: “Người ta cày, cấy lấy công/ Tôi đi cày, cấy còn trông nhiều bề/ Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên sông lặng mới yên tấm lòng”. Nó thể hiện sâu sắc lòng người dân lao động nông nghiệp, cấy cày ruộng lúa phải còn phụ thuộc thiên nhiên, mong được chế ngự thiên nhiên bằng con đường tâm linh, tín ngưỡng, cầu xin thần linh phù hộ độ trì cho người dân, bởi “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Hầu hết trong các làng lớn nhỏ đều có đinh làng để thờ các vị thần và các đền thờ, miếu thờ các vị thần khác (Bà Thủy, BàHỏa, Thổ Công, Hà Bá).

Đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy: Dấu ấn lễ hội cộng đồng trong vùng văn hóa Bắc Miền TrungTừ đua thuyền hội xuân đến đua thuyền cầu đảo rằm tháng 7, các làng đều tổ chức cúng tế, bái tại đình làng rất tôn kính, long trọng. Đồng thời, với việc tế lễ ở đình làng, hầu hết các làng, xã, thôn tổ chức hoạt động vui chơi cộng đồng, hát hò diễn xướng hò khoan Lệ Thủy. Bởi hò khoan Lệ Thủy là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng rất cao. Hình thức diễn xướng hò khoan (khác với hát hò khoan) là một, hai hoặc 2 đến 4 người hát hò, nhưng lại có rất đông người xố vòng trong, vòng ngoài, không giới hạn số lượng người xố  nên hiệu ứng đám đông có sức lan tỏa, mạnh mẽ(2). Nhiều thôn, làng như: Quảng Cư, Mỹ Lộc, Lộc An, Đại Phong, Thượng Phong Lộc, Quy Hậu, Xuân Hồi, Xuân Bồ… tổ chức diễn xướng hò khoan Lệ Thủy và có nhiều “bạn hò” ứng khẩu nhanh. Chủ đề nội dung hò khoan Lệ Thủy dịp lễ hội đua thuyền luôn gắn với tình yêu đất nước, quê hương xứ sở, noi chôn rau cắt rốn, nhắn nhủ con người sống trung hậu có trước, có sau “tối lửa tắt đèn có nhau”, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Trong dân gian còn lưu truyền lại rất nhiều câu hò khoan có sức lay động lòng người, đi cùng năm tháng khó phôi phai. Chẳng hạn câu hò: “Anh khó nhưng họ anh đông. Mỗi người mỗi đồng cũng đủ anh ăn”; “Quê ta đẹp đất, đẹp nước, đẹp người. Tình làng nghĩa xóm đời đời không phai”. Chính các hoạt động sinh hoạt đó đã thu hút mọi người tự giác đến với lễ hội đông vui.

Sau Cách mạng thảng Tám năm 1945, tiếp nối đua thuyền cầu đảo, lễ hội bắt đầu từ ngày Quốc khánh 2/9/1946, từ đó trở đi hằng năm lễ hội đua thuyền diễn ra với ý nghĩa mừng Tết Độc lập 2/9.

Qua 51 lần tổ chức (1946-2014) trừ những năm nhân dân “gác chầm, chèo” để tham gia kháng chiến chống Pháp, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ – lễ hội đua thuyền luôn thành công cả phần lễ và phần hội. Ngày 7/7/2003, UBND huyện Lệ Thủy đã có Tờ trình số 3211/TTr-UBND kèm theo bản thuyết minh về lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang – Lệ Thủy, đề nghị UBND tỉnh và Sở Văn hóa Thông tin Quảng Bình xem xét để công nhận lễ hội văn hóa cấp tỉnh. Ngày 01/9/20037 UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 2549/QĐ-UBND công nhận và đưa vào danh mục lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang – Lệ Thủy là lễ hội tiêu biểu cấp tỉnh. Lễ hội đua thuyền ở huyện Lệ Thủy đã được đưa vào bộ sách Thống kê Lễ hội Việt Nam do Cục Văn hóa cơ sở – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2008(5). Xét thấy lễ hội có đặc điểm nội dung sau: Tên lễ hội: Lễ hội đua thuyền Lệ Thủy mừng Tết Độc lập 2/9; loại lễ hội: Dân gian và truyền thống cách mạng; thời gian tổ chức: ngày Quốc khánh 2/9; địa điểm tổ chức: trên sông Kiến Giang; cấp tổ chức: cấp huyện; cấp quản lý: cấp tỉnh; đối tượng tưởng niệm: Người có công với nước, Thần mưa, Thần nông… Phần lễ: có thiết bàn lễ hương hoan trà tửu, bánh trái; Phần hội: diễu hành thuyền hoa, thuyền bơi, thuyền đua, buông phao thuyền đua; buông phao thuyền bơi…

Đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy: Dấu ấn lễ hội cộng đồng trong vùng văn hóa Bắc Miền TrungMỗi dịp lễ hội đua thuyền của huyện diễn ra là mỗi dịp người dân các vùng trong huyện đổ về trung tâm huyện Mũi Viết ngã ba sông vào lúc 4, 5 giờ sáng nhằm “hít thở” không khí ngày lễ và chiếm được vị trí đứng ngồi quan sát được phần lễ, phần hội bên bờ sông. Không chỉ có người dân Lệ Thủy, hàng nghìn người dân ở các nơi trong và ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Vĩnh Linh (Quảng Trị}… cũng náo nức về Lệ Thủy xem hội đua thuyền. Do đó, trong ngày lễ đua thuyền dọc hai bờ sông Kiến Giang và nhất là khu vực Mũi Viết nơi tổ chức phần lễ và buông phao đua thuyền đông kín người chen nhau ngồi, đứng, từ cụ già, mẹ già cho đến các cháu nhỏ. Thanh niên nam nữ trong bộ cánh đủ màu của các làng, xã có thuyền bơi, thuyền đua tay cầm cờ Tổ quốc chạy dọc hai bờ sông hò la, cổ vũ, động viên các thuyền bơi, đua. Con em quê hương Lệ Thủy dù công tác, làm ăn ở xa quê, vào dịp này cũng thường tìm mọi cách để về dự lễ hội đua thuyền và cũng để anh em, bạn bè có dịp gặp nhau sau một năm gắn kết thêm tình nghĩa… Do thế, mà ở Lệ Thủy có câu ca: Dù ai đi Tây đi Đông/ Mồng hai tháng chín cùng mong về nhà/ về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trãi, nhà nhà cờ bay… Một nét đẹp trong lễ hội đua thuyền là dù thuyền bơi, thuyền đua của làng, xã có đạt thứ hạng nào đi nữa, thì làng, xã nào cũng tổ chức liên hoan ăn mừng ngày Tết Độc lập, mừng ngày hội lớn của xứ Lệ ở huyện. Ban tổ chức lễ hội tổ chức liên hoan mời đại diện các cấp, các ban ngành tỉnh, huyện, quý khách ngay sau khi kết thúc trao các giải thưởng trong hội đua thuyền, có năm tổ chức tiệc đứng thật đông vui.

Lễ hội đua thuỵền truyền thống trong ngày Quốc khánh 2/9 hằng năm ở Lệ Thủy thực sự có sức cảm hóa, sức lan tỏa ở trong tỉnh Quảng Bình và các tỉnh Bắc miền Trung với nam giới tham gia thuyền bơi, đọ sức trên quảng đường đua 24km, nữ giới tham gia thuyền đua, đọ sức trên quảng đường đua 18km, trong thời gian bơi, đua liên tục khoảng 90 phút đối với mỗi loại thuyền, hạng thuyền B và A. Năm 2012, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã có công văn mời đại diện thuyền bơi Lệ Thủy vào dự hội đua thuyền trên sông Thạch Hãn. Năm 2013, đoàn cán bộ gồm 20 ông, bà của huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang do Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu vào thăm, học tập kinh nghiệm lễ hội đua thuyền Lệ Thủy và đề nghị huyện cử cán bộ và giới thiệu thợ đóng thuyền bơi trong huyện đến Quang Bình giúp đóng thuyền và tỗ chức huấn luyện đua thuyền cho trai bơi, gái đua địa phương; sau đó dịp 19/8 năm 2013 và 2014, huyện Quang Bình đã tổ chức tốt lễ hội đua thuyền trên sông Chừng – Quang Bình. Năm 2014, đơn vị thuyền bơi xã Mai Thủy đoạt giải nhất được cử đến Thái Lan tham dự giải đua thuyền trên sông Mê Kông của Hiệp hội đua thuyền Thái Lan. Năm 2014, Công ty cổ phần đóng thuyền đua Com-ma-nhích Hà Nội cử cán bộ đên học tập kinh nghiệm tổ chức đóng thuyền bơi truyền thống Lệ Thủy…

Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy trải qua gần 500 năm (1555-2014) là sản phẩm văn hóa các giá trị tinh thần quý giá mang đậm văn hóa cộng đồng của con người, làng xã, vùng đất “có tiếng” trong tỉnh và vùng văn hóa Bắc miền Trung. Vì thế, hơn lúc nào hết, Lệ Thủy đã và đang tiếp tục phát huy lễ hội ngày càng tốt hơn làm phong phú các giá trị văn hóa trên quê hương Quảng Bình văn hóa và cách mạng.

– Theo LÊ ĐÌNH TỚI, Chi hội trưởng Hội Di sản Văn hoá huyện LệThuỷ, Tạp chí TTKHCN Quảng Bình, 2015

- Advertisement -

Tài liệu tham khảo:

(1) Dương Văn An, Ô châu cận lục, Nxb Chính trị Quốc gia, HàNội, 2009.

(2), (3) Địa chỉ huyện Lệ Thủy, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010.

(4) Đặng Ngọc Tuân, Hò khoan Lệ Thủy, Nxb Thời Đại, 2013.

(5) Thống kê Lễ hội Việt Nam, Tập II, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở ấn hành 2008.

(6) Lịch sử Đảng bộ Lệ Thủy; các ấn phẩm văn hóa khác của làng xã trong huyện.

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm