8.5 C
New York
Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Sáng một góc trời Cha Lo

- Advertisement -

“Ơi Cha Lo… ới Cha Lo/Nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc, ngời sáng lung linh một vì sao”… Con đường 12A dẫn lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) mùa này bạt ngàn lau trắng. Nắng ấm áp như lấp lánh trong đôi mắt nâu trong veo của những đứa trẻ người Khùa, trong nụ cười rạng rỡ của những cô gái người Sách, người Mày trên nương, trong cái ồn ã của nhịp sống nơi cửa khẩu dưới chân dãy núi Giăng Màn.

 Sáng một góc trời Cha Lo

Mỗi năm tôi lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo vài lần vì công việc, nhưng riêng lần này đi để trải nghiệm trên cung đường 12A từ Quảng Bình đến Khăm Muộn (Lào) cùng người bạn là “phượt thủ” đích thực. Từ thị xã Ba Ðồn, chúng tôi lên xe máy theo hướng Cha Lo thẳng tiến… Ðường từ ngã ba Khe Ve lên biên giới cơ man nào là lau, lau trắng núi, trắng đồi. Lau đung đưa, mơn man trong gió. Bạn nói, trên cung đường huyền thoại này, mỗi tên đất, tên làng như Cổng Trời, Mụ Giạ, Bãi Dinh, Khe Ve, La Trọng, trận địa pháo phòng không của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân… gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc trong những ngày cả nước ra trận. Ở vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi quốc lộ 1 và đường 15 bị chặn lại bởi dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 và hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra thì đường 12A lúc đó trở thành con đường thể hiện ý chí kiên cường của quân và dân miền bắc đối đầu với không quân Mỹ, để vận chuyển hàng hóa, khí tài, nhân lực ngược lên miền tây Quảng Bình, vòng qua Lào tiếp sức cho chiến trường miền nam.

Ghé vào dâng hương tại Di tích đồi 37, tôi chợt nhớ lại câu chuyện kể của người nữ chính trị viên Ðại đội 759 Thanh niên xung phong (TNXP) Trần Thị Thành về sự hy sinh anh dũng của các TNXP bảo đảm thông đường cho xe ra mặt trận: “Tháng 5 năm 1965, 180 TNXP tuổi mười tám, đôi mươi của huyện Tuyên Hóa từ giã miền quê yêu dấu lên đường cứu nước, được biên chế trong đội hình C759 bổ sung cho công trường 12A với nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đoạn đường 10 km từ Khe Cấy đến Bãi Dinh. Trong những ngày mưa bom, bão đạn đó, dù cuộc sống vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng C759 vẫn kiên cường bám đường “cho xe thẳng tới chiến trường” với khẩu hiệu đã trở thành bất tử: Ðịch đánh rừng già, ta ra rừng non/Ðịch đánh rừng non, ta ra đồi trọc/Ðịch đánh đồi trọc, ta ra bám đường. Ngày 3-7-1966, máy bay Mỹ ném bom dữ dội, quả đồi bên đường 12A tại Km21 đổ ụp xuống vùi lấp bảy TNXP đang tránh bom bên dưới. Ðồng đội đã nỗ lực cứu song không thành, cả bảy người đã vĩnh viễn nằm lại dưới hàng nghìn mét khối đất đá. Từ đó, trong tâm thức đồng đội C759, quả đồi bên đường 12A mãi mãi mang tên Ðồi 37 Anh hùng.

Sáng một góc trời Cha Lo

Nhộn nhị trên tuyến đường 12A

Chiến tranh lùi xa 40 năm, đường 12A, với sứ mệnh mới của mình đã nối liền vùng đồng bằng ven biển với vùng phía tây rộng lớn của Quảng Bình. Song cung đường cũng mới chỉ đủ cho một làn xe, nhiều đoạn đi lại còn rất gian nan. Nâng cấp tuyến đường để phát triển kinh tế vùng biên viễn, mở rộng giao thương với nước bạn Lào là định hướng được vạch ra từ nhiều năm trước, nhưng tự huy động sức mình thì Quảng Bình chưa làm được. Mãi tới sau năm 2000, với sự quan tâm của Chính phủ, tuyến đường huyết mạch ngắn nhất từ này Việt Nam sang nước bạn Lào này mới được đầu tư mở rộng, trải thảm đi lại êm thuận.

Cha Lo – một chấm nhỏ dưới chân dãy núi Giăng Màn quanh năm mờ sương giờ đã nhộn nhịp, ồn ã hơn những năm trước. Anh Dinh, Phó ban đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình tại Cửa khẩu Cha Lo dẫn chúng tôi đi một vòng cửa khẩu giới thiệu: Từ khi cầu Hữu Nghị nối tỉnh Khăm Muộn (Lào) với tỉnh Na-khôn-pha-nôm (Thái-lan), đường 12A trở thành cung đường ngắn nhất để hàng hóa từ vùng đông bắc Thái-lan tới Việt Nam và xuất khẩu đi nước thứ ba. Năm 2014, Cha Lo đạt giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu gần 1,7 tỷ USD, cao nhất trong số 10 cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào. Bây giờ đường 12A được nâng cấp trở thành tuyến đường Xuyên Á cho nên phương tiện đi lại càng thuận lợi hơn. Bình quân mỗi ngày, Cửa khẩu Cha Lo đón hơn 200 lượt phương tiện qua lại. Nguồn hàng nhập về cửa khẩu Cha Lo gồm thạch cao, quặng đồng, trái cây… từ Thái-lan và Lào. Hàng hóa xuất qua cửa khẩu là thiết bị điện tử, hàng dệt may, hàng hóa nông nghiệp, than cám và vật liệu xây dựng. Nếu trước đây, chỉ những doanh nghiệp trong tỉnh thông quan qua Cha Lo thì nay cả doanh nghiệp của Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An và các tỉnh phía bắc, phía nam cũng mở tờ khai qua cửa khẩu quốc tế này. Giữa bãi xe đông đúc, chúng tôi trò chuyện với lái xe Nguyễn Văn An của Công ty Hoàng Ðại Long, chở quặng đồng qua cửa khẩu Cha Lo. Anh nói: “Hiện nay doanh nghiệp làm thủ tục thông quan điện tử nên rất tiện lợi. Hơn nữa, chúng tôi chọn cửa khẩu này vì từ Thái-lan về Việt Nam theo đường 12A ra cảng Vũng Áng vừa tốt, vừa gần, tiết kiệm được nhiều chi phí”.

Tôi nhớ lại lần cuối năm 2014, đi cùng với Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình Phạm Văn Năm lên dự khởi công xây dựng kho ngoại quan tại Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo, ông Năm tâm sự: “Chúng tôi rất mừng là sau hơn 20 năm thành lập, bây giờ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo mới có dự án FDI đầu tiên. Linfox là doanh nghiệp vận tải hàng đầu thế giới tìm cơ hội đầu tư tại Cửa khẩu Cha Lo, chứng tỏ họ đã nhìn thấy tiềm năng của vùng đất, của tuyến đường huyền thoại này. Sắp tới, Chính phủ Lào quyết định đầu tư hơn 200 triệu USD xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La (Quảng Bình) vượt dãy Trường Sơn qua tỉnh Khăm Muộn. Mới đây, quy hoạch Khu kinh tế Cha Lo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích gần 54 nghìn héc-ta, bao gồm ranh giới hành chính của sáu xã thuộc huyện Minh Hóa. Ðây là trung tâm kinh tế và đô thị phía tây của tỉnh Quảng Bình, là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với Lào, các tỉnh đông bắc Thái-lan và Mi-an-ma. Như thế, cửa khẩu Cha Lo sẽ còn bứt phá ngoạn mục. Ðiều không kém phần quan trọng là có thêm điều kiện để nâng cao đời sống bà con dọc tuyến đường 12A”.

- Advertisement -

Là đồn biên phòng cửa khẩu duy nhất ở Quảng Bình, hơn nửa thế kỷ qua Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã trở thành phên dậu vững vàng nơi miền tây Quảng Bình. Thiếu tá Ngô Anh Tuấn, Chính trị viên phó Ðồn Biên phòng cho biết, đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới dài 27,5km, có tám mốc quốc giới. Ngoài bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đơn vị còn có nhiệm vụ giúp đồng bào Sách, Khùa, Mày, Vân Kiều phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Thiếu tá Ngô Anh Tuấn cho rằng, từ thành công của dự án đưa cây lúa nước lên vùng cao ở bản Ka Ai, xã biên giới Dân Hóa, đã mở ra hướng sản xuất mới giúp bà con người Sách, người Khùa dần tự chủ được lương thực.

Ðêm biên giới Cha Lo nghe xa xôi nhưng khi được cùng ăn, cùng ở với những người lính biên phòng nơi đây mới thấy thật gần, thật ấm áp. Chúng tôi ngồi bên nhau, ngọn lửa được nhen lên bập bùng cháy giữa màn sương giăng dưới chân dãy núi Giăng Màn. Bài hát Ðêm trên Cha Lo được các chiến sĩ trẻ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo cất lên với niềm tự hào: “Ðêm nay ta về bên nhau nghe tin thắng trận miền Tây/Biên giới sáng trong niềm vui mới vang vọng tiếng đoàn xe qua… /Có chúng tôi đây vững vàng trên miền Tây”.

Theo Nhân dân

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm