5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Dấu ấn vùng đất Minh Hóa trong phong trào Cần Vương

- Advertisement -

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, vào những năm cuối của thế kỷ XIX, một phong trào chống Pháp và chống triều đình phong kiến đầu hàng tay sai dưới tên gọi “Cần Vương” do vua Hàm Nghi lãnh đạo đã khởi phát rầm rộ và rộng khắp trên phạm vi toàn quốc. Vùng đất Quảng Bình được vua Hàm Nghi cùng Sơn triều chọn làm nơi đóng đô và gắn bó lâu dài suốt quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình nói chung và nhân dân Minh Hóa nói riêng đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp theo lời dụ Cần Vương của Hàm Nghi.

Dấu ấn vùng đất Minh Hóa trong phong trào Cần Vương

Đình Kim Bảng, một trong những di tích lịch sử quan trọng của huyện Minh Hóa. Ảnh: T.H

Có lẽ, việc vua Hàm Nghi cùng đoàn triều thần đến với núi rừng Minh Hóa lại không nằm trong kế hoạch dự định sau thất bại của binh biến kinh thành. Chính sự ngẫu nhiên này đã tạo ra một dấu ấn lịch sử trong trang sử vẻ vang hào hùng của tỉnh Quảng Bình và huyện Minh Hóa. Trong cuộc kháng chiến đó, vùng đất và con người Minh Hóa đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, thể hiện được trọng trách là địa bàn đầu não của phong trào Cần Vương, bảo vệ Sơn triều, bảo vệ vua Hàm Nghi và kháng chiến chống Pháp.

Dấu ấn về vùng đất Minh Hóa chính là địa hình hiểm trở thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ kháng chiến; lòng dân Minh Hóa luôn đồng thuận theo vua. Mặt khác, do Minh Hóa nằm cách xa hai trung tâm quân sự mạnh của Pháp và tay sai là Huế và Vinh, cộng với hệ thống giao thông đi lại trắc trở gây khó khăn cho việc vận chuyển quân từ Huế ra, Đồng Hới lên và từ Vinh vào để trấn áp.

Thực dân Pháp lại không thông thạo địa hình ở đây và vấp phải sức kháng cự quyết liệt của nghĩa dân nên rất khó hành quân và thực hiện ý đồ chiến lược của chúng; còn vua Hàm Nghi và triều thần thì dễ ẩn náu, trốn tránh khi địch vây lùng; nghĩa quân Cần Vương thì thuận lợi cho lối đánh du kích, cầm cự và phản công.

Việc vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết quyết định chọn miền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình đặt cơ quan đầu não của phong trào Cần Vương là một sự lựa chọn sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược. Từ địa bàn này nếu tiến thì có thể làm chủ một khu vực rộng lớn và đông dân, có thể liên lạc thuận lợi mà bí mật được với các tỉnh phía Bắc, nơi có nhiều sĩ phu yêu nước và đông đảo nhân dân hưởng ứng phong trào Cần Vương rất mạnh mẽ; thoái thì có thể dựa vào một vùng núi non hiểm trở sát biên giới Việt – Lào, có thể bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài.

Trong thời gian đóng đô, vua Hàm Nghi cùng các triều thần đã thể hiện trí tuệ và tầm nhìn bao quát để chọn các vùng đất xây dựng căn cứ kháng chiến làm sao để vừa bảo đảm an toàn cho nhà vua và Sơn triều, vừa đập tan sự truy bắt của thực dân Pháp. Sự tài tình đó được thể hiện qua việc lựa chọn vùng đất Ma Rai và Khe Ve làm căn cứ kháng chiến. Vùng căn cứ Ma Rai, là nơi rất rộng, lọt thỏm giữa một thung lũng hẹp bốn bên núi rừng cao ngất, là một địa bàn hiểm yếu. Muốn vào được thung lũng này phải qua hai cái đèo, muốn rút lui có hai đường về Khe Ve, hoặc qua Lào.

- Advertisement -

Tại đèo Lập Cập hiểm trở của căn cứ Ma Rai, đội quân nhà vua và đội quân địa phương đã đánh thắng cuộc truy bắt của thực dân Pháp; Đối với căn cứ cửa Khe, trên địa bàn Khe Ve nhờ có nhiều hang động, nên rất thuận lợi trong việc đóng quân và cất giấu lương thực cũng như thuận lợi cho chiến thuật đánh du kích. Muốn đến vùng Khe Ve, phải qua hai dãy núi đá Ma Rai và Lập Cập rất hiểm trở. Cũng tại căn cứ này, đầu năm 1886, đội quân vua Hàm Nghi đã đánh bại cuộc hành quân của thực dân Pháp do trung úy Camus chỉ huy.

Nói đến phong trào Cần Vương ở Quảng Bình không thể không nhớ đến công lao, đóng góp của cộng đồng cư dân Minh Hoá. Mặc dù gồm nhiều thành phần tộc người và sống trong sự cai trị hà khắc của chính quyền thực dân, tay sai nhưng cộng đồng cư dân Minh Hóa luôn có truyền thống đoàn kết, gắn bó, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi có hoạn nạn, biến động xảy ra.

Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến vùng đất Minh Hóa, Sơn triều Hàm Nghi đã được cộng đồng cư dân Minh Hóa luôn sát cánh bên vua và các tướng lĩnh, cùng đội quân hộ giá thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và tiếp tế lương thực, trở thành tai mắt của nghĩa quân; ngoài ra còn hăng hái gia nhập nghĩa quân của các thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương, chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương trên địa bàn Minh Hóa và các vùng lân cận… góp phần quan trọng vào thành quả đạt được trong phong trào Cần Vương trên đất Quảng Bình nói riêng và của cả nước nói chung.

Chiến thắng oanh liệt tại đèo Lập Cập đã thể hiện sự phối hợp hiệp đồng giữa đội quân nhà vua và đội quân của cư dân bản địa. Chiến thắng đèo Lập Cập là chiến thắng đầu tay của đồng bào các dân tộc thiểu số trong những ngày đầu tham gia chiến đấu trong đội nghĩa quân của Hàm Nghi trên mảnh đất Minh Hóa, qua đó đã bảo vệ sự an toàn nhà vua và bộ máy Sơn triều đến căn cứ mới để tiếp tục lãnh đạo phong trào kháng chiến. Chiến thắng tại Khe Ve là chiến thắng của lối đánh phục kích, các đội quân của đồng bào tiếp tục mai phục đánh úp đạo binh của thực dân Pháp khi chúng cố vượt qua Khe Ve khiến cuộc hành binh bị bẻ gãy hoàn toàn. 

Trong thời gian đóng quân tại căn cứ Ma Rai và Khe Ve, Sơn triều Hàm Nghi luôn được sự hỗ trợ của cộng đồng cư dân Minh Hóa, nhằm tránh các đợt truy kích của của thực dân Pháp. Ngoài sự tích cực hưởng ứng tham gia quân đội Hàm Nghi, cộng đồng cư dân ở đây tuy nghèo khổ nhưng vẫn mang lương thực đến ủng hộ khá nhiều. Có lúc thấy lương thảo của dân mang đến ủng hộ nhiều quá, trong khi dân trong vùng này rất nghèo, thường xuyên thiếu đói nên vua Hàm Nghi sai người đem tiền trả lại cho đồng bào. Ngoài ra, cộng đồng cư dân Minh Hóa còn thể hiện lòng tuyệt đối trung thành với vua, cho dù trước sự bắt bớ, khủng bố ráo riết của thực dân Pháp.

Chính những phẩm chất trung quân, ái quốc, hy sinh vì nghĩa lớn của đồng bào Minh Hóa đã có những tác động sâu sắc đến nhận thức và tư tưởng của vua trẻ Hàm Nghi, tạo động lực cho nhà vua không nản lòng mà còn quyết tâm cùng bộ máy Sơn triều và đồng bào dấn thân vào cuộc chiến, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi bị bắt.

Theo lẽ thường, sau khi người đứng đầu phong trào Cần Vương bị bắt thì phong trào kháng chiến sẽ suy yếu và lụi tàn, nhưng phong trào Cần Vương ở Quảng Bình tuy có những ảnh hưởng nhất định song vẫn duy trì và phát triển. Đặc biệt, đối với cộng đồng cư dân Minh Hóa, trải qua chặng đường chiến đấu anh dũng kiên cường ấy đã tạo thêm sự cố kết và gắn bó lẫn nhau, cùng tiếp tục sát cánh bên người Kinh đấu tranh và phát triển phong trào Cần Vương trên địa bàn Minh Hóa vào thập niên cuối của thế kỷ XIX.

Sự trụ vững và tồn tại của Sơn triều Hàm Nghi tại Minh Hoá luôn gắn liền với những đóng góp của văn thân, sĩ phu, tướng sĩ và nhân dân Quảng Bình hưởng ứng dụ Cần Vương chống Pháp, bảo vệ Sơn triều, bảo vệ vua Hàm Nghi trên vùng đất Minh Hoá và Tuyên Hóa.

- Advertisement -

Những tháng ngày đầu đứng chân trên vùng đất Minh Hóa, Sơn triều Hàm Nghi được sự hỗ trợ trực tiếp về quân sự của lực lượng nguyên Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân, người được vua Hàm Nghi phong Thượng tướng quân, là người phò tá đắc lực bên cạnh Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều trận đánh quan trọng, lập nhiều chiến công lớn, làm cho quân Pháp nhiều phen thất bại cay đắng, đồng thời bảo vệ vua Hàm Nghi và Sơn triều trong thời gian từ năm 1885-1888, đặc biệt, tại trận Khe Ve ngày 17-1-1886. Thực dân Pháp đã phải thừa nhận ông là linh hồn của cuộc kháng chiến.

Dấu ấn vùng đất Minh Hóa trong phong trào Cần Vương

Ngã ba Pheo, huyện Minh Hóa hôm nay. Ảnh: P.V

Cùng với nghĩa quân của Thượng tướng Nguyễn Phạm Tuân, trong cuộc kháng chiến bảo vệ vua Hàm Nghi và Sơn triều ở hướng Đông Bắc Minh Hoá không thể không nhắc đến Đề đốc Lê Trực, vị thủ lĩnh kiên cường cầm đầu một cánh quân làm cho Pháp bao phen kinh hoàng bạt vía, chịu nhiều tổn thất khi tấn công lên Minh Hoá để vây bắt vua Hàm Nghi.

Nghĩa quân Lê Trực làm chủ cả một vùng rộng lớn gồm một phần của huyện Tuyên Hoá và vùng Bắc Quảng Trạch. Dưới sự chỉ huy của Lê Trực, nghĩa quân đã đánh nhiều trận lớn gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất, tiêu biểu là các trận Đồng Vại, Hương Phương, các trận bao vây công đồn Minh Cầm, Quảng Khê, chợ Đồn, Roòn, Mỹ Hòa, Đan Xá… Có những trận, Lê Trực chỉ huy nghĩa quân đánh thọc sâu vào tận phủ lỵ Đồng Hới. Sau khi Nguyễn Phạm Tuân hy sinh, phong trào kháng chiến gặp nhiều khó khăn, nhưng Lê Trực cùng với Tôn Thất Đàm gây dựng và củng cố lại lực lượng, tổ chức nghĩa quân đánh bại nhiều đợt tấn công của kẻ thù vào “kinh đô kháng chiến”.

Ở phía hữu ngạn sông Gianh, đội nghĩa quân “Cần Vương” dưới sự chỉ huy của Lãnh binh Mai Lượng hoạt động rộng khắp từ vùng núi đến đồng bằng hữu ngạn sông Gianh, nhằm bảo vệ sườn phía Nam Sơn triều Hàm Nghi. Trên địa bàn rừng núi thượng nguồn sông Gianh, nghĩa quân Mai Lượng thường tổ chức các trận tập kích, phục kích, tiêu diệt những toán giặc từ mạn phía Nam huyện Tuyên Hóa đột kích lên căn cứ của triều đình bảo vệ sự an toàn cho vua Hàm Nghi.

Những hoạt động kháng Pháp và triều đình tay sai của văn thân, sĩ phu, tướng sĩ và nhân dân Quảng Bình trên khắp toàn tỉnh đã làm cho thực dân Pháp phải phân tán lực lượng ra đối phó, do vậy khiến cục diện trên chiến trường Quảng Bình thay đổi có lợi cho triều đình kháng chiến Hàm Nghi.

Cho dù các cuộc dấy binh khởi nghĩa của các văn thân, sĩ phu, tướng sĩ và nhân dân Quảng Bình hưởng ứng dụ Cần Vương chống Pháp, bảo vệ Sơn triều, bảo vệ vua Hàm Nghi trên vùng đất Minh Hoá, Tuyên Hóa và ở một số địa phương trong tỉnh đều thất bại, nhưng công lao và những đóng góp của họ là rất lớn. Họ đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng hoặc tuẫn tiết, không chịu đầu hàng giặc.

Là vùng đất ngẫu nhiên nhưng lại mang tính tất yếu của lịch sử, được vua Hàm Nghi chọn làm “Kinh đô kháng chiến” để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp, từ trong những năm tháng của cuộc kháng chiến đó, những tên đất, tên người Minh Hóa và Quảng Bình đã để lại những dấu ấn đậm nét trong trang sử vàng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Nhân dân Quảng Bình, nhân dân Minh Hóa luôn tự hào là địa bàn trung tâm nơi đặt bộ máy lãnh đạo phong trào Cần Vương, là “Kinh đô kháng chiến” phong trào Cần Vương; tự hào về những hy sinh, cống hiến của mình để bảo vệ vua Hàm Nghi, bảo vệ bộ máy lãnh đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp với quyết tâm giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Những cống hiến và sự hy sinh đó đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của nhân dân Minh Hóa nói riêng, nhân dân tỉnh Quảng Bình nói chung, là một trong những nét đẹp văn hóa – lịch sử đặc sắc của vùng đất Minh Hóa.

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm