5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Khơi nguồn mát trong…

- Advertisement -

Những ngày hè nắng đổ lửa, trong ký ức của bao người lại chợt hiện về hình ảnh giếng làng trong mát với cây đa xanh tươi che chở cho bao ký ức tuổi thơ. Có sống trong khí trời nóng nực, thiếu nước, thèm làn gió mát, mới thấy chênh chao nhớ về mảnh ký ức tròn vành vạnh như miệng giếng đêm hè đó. Sát kề với từng cồn cát trắng xóa và dãy gò đồi khô cằn, ấy vậy xã Lộc Ninh (TP.Đồng Hới) lại được trời phú hệ thống giếng nước mát lành, với giếng của làng, của thôn, rồi của mỗi gia đình, nhóm gia đình… Nổi bật hơn tất cả có lẽ là các giếng cổ trong xã với tuổi đời phải hơn 400 năm như lời của các cụ cao niên chia sẻ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú trong cuốn “Địa chí Đồng Hới”, vùng đất Lộc Ninh vừa là gò đồi, vừa là đồng bằng, xưa kia gồm có ba làng, Hữu Cung, Phú Xá và Lộc Đại, có thời kỳ còn có thêm Phú Hội (Quang Phú ngày nay).

Tương truyền, nguồn gốc của cả ba làng đều nguyên từ Thanh Hóa đi theo Chúa Nguyễn Hoàng vào, đến nay, dù qua nhiều biến động, dân nhập cư đến rồi đi, nhưng căn cơ chiếm phần đa vẫn là các họ tộc khai khẩn nên mảnh đất này tồn tại đến tận bây giờ. Lộc Ninh có cánh đồng rộng mênh mông thẳng cánh cò bay, là nguồn sống mưu sinh của hầu hết bà con nơi đây. Làm nông nghiệp, nhưng Lộc Ninh lại không có con sông, khe suối nào để cung cấp nguồn nước tưới tiêu. Bù đắp lại, xã được ưu ái với hệ thống hồ nước, giếng nước luôn ăm ắp, đầy tràn.

Khơi nguồn mát trong...

Lộc Ninh (TP.Đồng Hới) có nhiều giếng cổ, nước trong mát quanh năm.

Cụ Nguyễn Phiếm, 85 tuổi, thôn 8, Lộc Ninh cho rằng, trời thương bà con quanh năm chăm chỉ làm ăn, cho nên phú cho mảnh đất này nhiều mạch nước ngầm tươi tốt. Lộc Đại có hồ Bảo Luồng, hồ Vàng, hồ Ninh; Phú Xá, Hữu Cung có hồ Bàu Chùa, Bàu Tràm, Bàu Tuần, Bàu Miện… và phải kể đến hệ thống các giếng nước cổ trải dài khắp địa phận của xã, đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt đời thường và trong tâm thức dân gian của người dân Lộc Ninh. Có thể kể tên ở đây giếng Bôộng, giếng Ngát, giếng Thùng, giếng Tằm…

Nhà nghiên cứu Văn Tăng xếp những giếng nước ở Lộc Ninh vào nhóm các giếng vùng đồi cùng với Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Lý Ninh, cùng chung một mạch đất chạy dài ven chân núi Trường Sơn tràn về phía đông cắt xẻ địa hình Đồng Hới thành nhiều khúc. Trước khi đào giếng, người xưa thường sử dụng đất tổ ong cắt thành từng viên, đem phơi nắng thành đá tổ ong cứng chắc, tiếp đó mới bắt tay vào đào giếng. Giếng đào sâu gặp mạch nước ngầm thì dừng lại và cho đá tổ ong xây từng vòng, từng lớp cao dần đến miệng giếng. Nhờ lớp đá tổ ong này, mà nước giếng nhanh trong và mát lành hơn.

Theo dòng ký ức, cụ Nguyễn Quốc Bương, 75 tuổi, thôn 8, Lộc Ninh cho biết hai giếng cổ nhất của Lộc Ninh chính là giếng Bôộng và giếng Ngát của làng Phú Xá xưa. Hai giếng này hình thành từ thuở khai sinh lập địa của làng, gắn bó với bao sự đổi thay của con người, cảnh vật nơi đây. Thuở trước, làng Phú Xá được chia thành Tây Xá và Đông Xá, giếng Bôộng và giếng Ngát được xem là hai mạch nguồn chính của làng, quyết định đến mùa màng bội thu, sự sinh sôi nảy nở, phát triển của làng. Đặc điểm chính của hai giếng nước này là sự trong lành, mát lạnh dù là mùa hè hay mùa đông. Và đặc biệt, cứ sau mỗi trận mưa xối xả, nguồn nước như lại càng thêm mát trong hơn.

- Advertisement -

Giếng Bôộng là giếng nước mang ý nghĩa tâm linh lớn nhất của Lộc Ninh bởi trước đây đình làng, cây đa nằm sát cạnh giếng nước lịch sử này. Sau những buổi làm đồng vất vả, những trưa hè nóng nực hay những đêm trăng sáng, những buổi chiều êm đềm, nam thanh nữ tú, trẻ em rồi cả các bậc cao niên đều tìm đến giếng Bôộng như một người bạn tri kỷ.

Nhiều cặp đôi trai gái nên duyên từ giếng Bôộng, sinh con đẻ cái, và đến lượt con cháu họ cũng gắn bó chặt chẽ với chiếc giếng cổ linh thiêng. Tính cộng đồng gắn kết bền dai cũng từ chính giếng nước mà ra. Giếng làng, đình làng là nơi tập trung, rèn luyện quân, tuyên truyền, động viên trong những mốc thời điểm lịch sử của cách mạng tháng 8, là nơi hợp tác tác xã nông nghiệp đầu tiên của Lộc Ninh được thành lập.

Chính vì vậy, giếng Bôộng có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của xã Lộc Ninh. Bên cạnh đó, lễ hội xuống đồng của xã cũng gắn kết mật thiết với nguồn nước ở giếng cổ này. Lễ hội là sự khẳng định sự hòa hợp, sinh tồn của người dân với cây lúa, với thần nông và với trời đất, thiên nhiên, được tổ chức hàng năm và là nét văn hóa đặc sắc truyền từ đời này sang đời khác ở Lộc Ninh. Nước được lấy từ giếng Bôộng chính là sản vật dâng lên trời đất, cầu mong thời tiết thuận lợi để mùa màng bội thu, người người ấm no.

Ngày nay, tuy giếng làng đã được thay thế bởi nước máy, nước khoan vào tận từng nhà, nhưng những giá trị thiêng liêng của giếng làng vẫn vẹn nguyên và trường tồn với thời gian. Để rồi vào những ngày hè nóng bức đổ lửa, con cháu không chỉ của Lộc Ninh mà ở bất cứ vùng quê nào khác ở mảnh đất Quảng Bình gió Lào cát trắng dù đi đâu xa, vẫn đau đáu nhớ về vùng ký ức xưa với giếng nước, sân đình, cây đa và thêm yêu, thêm quý từng giọt nước quý báu của mẹ thiên nhiên.   

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm