6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nhà văn Ngô Kinh Luân: 'Nghe' để viết

- Advertisement -

(Thethaovanhoa.vn) – Nhiều người nghe rất kỹ và nhớ rất dai, nhưng nghe để viết lại thông qua bộ lọc của mình thì không nhiều. Nghe ở đây cũng còn có nghĩa là nhìn thấy và tiếp xúc bằng các giác quan, kiểu như “nghe nắng rớt ngoài thềm leng keng cái mát lạnh của cây cà rem mùa Hạ ngày nào”…

1. Nghe vì tâm trạng, nghe bởi nhu cầu công việc. Nhà văn Ngô Kinh Luân nghe vì cả hai. Và cuốn tản văn đầu tay Đi ở nhớ về (NXB Hội Nhà văn và Công ty Liên Việt ấn hành) của Ngô Kinh Luân thể hiện sự chịu nghe như thế.

Như bao nhiêu chàng trai cô gái ở các miền quê, Ngô Kinh Luân cũng rời quê lên chốn phồn hoa trọ học. Sinh viên có phải trí thức không? Trí thức hay không thì chưa biết nhưng chắc chắn nếu chịu khó học hành thì mai này có thể thành cử nhân, tiến sĩ.

Nhà văn Ngô Kinh Luân: 'Nghe' để viết

Nhà văn Ngô Kinh Luân

Nếu so học vị, thì cử nhân, tiến sĩ phải cao hơn hẳn cái thời cụ Trần Kế Xương mới chỉ là ông tú “bất đắc chí” làm thơ kể khổ với vợ “quanh năm buôn bán ở mom sông”. Ngô Kinh Luân cũng vậy, nếu chịu khó ngày hai buổi đến trường thì biết đâu bây giờ cũng thành tiến sĩ như ai chứ chả phải mang thân cử nhân lóc cóc đi viết báo dạo, lại còn tản văn nữa mới khiếp.

Làm nghề báo hơn chục năm, ngày viết đêm viết để có tiền nuôi vợ nuôi con, nên Ngô Kinh Luân nghe được cái tâm trạng “bolero” từ ngày xưa vọng đến.

Ngô Kinh Luân tự sự: “Ngày mới lên Sài Gòn trọ học, sẵn mang trong mình tâm thế não nề của thằng nhà quê lần đầu lên phố, tôi càng nghe nhạc sến bạo. Nghe chẳng vì buồn chuyện tình ái, chán chuyện công danh, sầu chuyện nhân tình thế thái hay gì cả… Nghe vì thấy nó cũng xuôi xuôi tai. Có vậy thôi”.

- Advertisement -

2. Nghe hay sống đều theo thói quen. Mọi thói quen đều có thể từ bỏ. Ngô Kinh Luân chiêm nghiệm: “Mua một đôi giày mới, mang vào có cảm giác chật chân. Vài ngày lại quen, hóa ra êm hơn đôi giày cũ. Đã có lúc nghĩ vứt đôi giày mới đi lại giày cũ cho thoải mái.

Nhà văn Ngô Kinh Luân: 'Nghe' để viết

Bìa cuốn “Đi ở nhớ về”

Cuối cùng, phát hiện ra mọi phiền phức chẳng qua là do thay đổi thói quen. Vậy đó, mang giày cũ cũng như yêu đương. Chia tay người tình đầu tiên, ngay lập tức muốn leo lên cầu cao, đâm đầu xuống sông”.

Nhưng qua vài mối tình, thì cảm giác quen dần, dù có nuối tiếc. Nuối tiếc này vì ta quá nhỏ bé với thời gian không thể làm tất cả mọi thứ mình muốn. Ngô Kinh Luân ghi lại cảm giác này: “Như lâu lắm rồi, tôi nắm lấy bàn tay của nhà văn Sơn Nam, thời ông còn sống.

Như khi tôi được ngồi với nhà văn Nguyễn Khải, thời ông còn sống. Như khi tôi dìu nhà văn Nguyễn Quang Sáng, thời ông còn sống. Như khi tôi nhìn nhà văn Võ Hồng, thời ông còn sống… Để rồi chợt nhận ra rằng, thời gian hữu hạn quá, mà con người thì bé nhỏ”.

Đọc Đi ở nhớ về để thấy sự chịu nghe và viết lại của Ngô Kinh Luân. Anh viết rất khỏe, viết với đủ loại bút danh Ngô Nguyệt Hữu, Mr.Bim, Mỗ… trên các nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san và kể cả báo mạng cập nhật hàng giờ. Nhưng văn của Ngô Kinh Luân không đơn thuần có tính chất… thông tấn.

Giữa thời “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, như cách cụ Tản Đà nói, không viết nhiều sao lo nổi cho tấm thân và người thương. Giữa thời loạn danh xưng này, gọi Ngô Kinh Luân là nhà văn cũng không có gì quá “xa xỉ”, khi những gì anh viết, ít nhất trong tập tản văn Đi ở nhớ về đã thể hiện được cái riêng nhưng chạm vào một số đông người đọc.

- Advertisement -

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Nguồn: Văn hoá – Giải trí

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm