6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chuyện về 2 vườn lim ở miền tây Tuyên Hóa

- Advertisement -

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, tình trạng “chảy máu rừng” vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và không ít khu rừng tự nhiên, rừng gỗ quý đã bị lâm tặc xâm hại. Thật kỳ lạ, hàng chục năm nay, tại vùng miền tây huyện Tuyên Hoá vẫn tồn tại 2 vườn lim tự nhiên và lim trồng ngay sát nách khu dân cư đông đúc (trong đó có những cây lim đường kính một người lớn ôm không xuể), được chính người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt…

Vườn lim của Bí thư Thoan

Một trưa hè tháng 7-2015 khá oi bức, Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá Nguyễn Tư Thoan mời chúng tôi về nhà chơi sau chuyến đi thực tế ở cơ sở. Nhà anh Thoan nằm cách trụ sở UBND xã Lâm Hoá chừng 500 mét. Cửa chính ngôi nhà hướng mặt ra phía đường liên thôn, lưng tựa vào ngọn núi cao xanh um – ở đó có một khu vườn rừng do chính bản thân anh đã dày công khoanh nuôi, bảo vệ suốt gần 20 năm qua…

Khu vườn rừng khoanh nuôi, bảo vệ của anh Thoan có diện tích chừng 3ha. Anh Thoan cho biết: Trước đây cả khu vực này toàn là rừng tự nhiên rậm rạp và có khá nhiều loại gỗ quý, đặc biệt cây lim nhiều vô kể. Có những cây lim cổ thụ thân to đến vài người ôm không xuể. Cũng chính vì có nhiều loại gỗ quý nên lâm tặc thường kéo nhau đến khu vực này để chặt phá.

Đặc biệt, kể từ khi giá trị của cây gỗ lim “sốt lên”, thì đó cũng là lúc nạn phá rừng xảy ra ồ ạt hơn. Nhiều ngọn núi xung quanh khu vực này trước đây rậm rạp, xanh um, toàn cây cổ thụ, ấy vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn bị lâm tặc tàn phá, đã trở nên tan hoang. Ngay cả khu rừng phía sau lưng nhà, hầu như ngày nào cũng có lâm tặc vào chặt phá…

Chuyện về 2 vườn lim ở miền tây Tuyên Hóa

Khu vườn lim nằm sát Di tích lịch sử cấp Quốc gia- hang Lèn Hà (xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá) của cựu binh Đinh Xuân Niệm.

“Cách đây chừng 20 năm (thời điểm đó anh Thoan đang là cán bộ đoàn ở xã), nhận thấy nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu thì khu rừng phía sau lưng nhà cũng sớm trở nên trơ trọi nên tui làm đơn xin chính quyền xã nhận khoanh nuôi và bảo vệ. Nhờ vậy nên khu rừng này mới được bảo vệ cho đến tận hôm nay” anh Thoan nói.       

- Advertisement -

Để chứng minh, anh Thoan mời chúng tôi ra khu vườn rừng của anh để xem xét. Anh Thoan đi trước, chúng tôi hì hục bám theo sau. Rất vất vả, chúng tôi mới vạch được đường đi giữa những chằng chịt các dây leo, bụi gai mọc chen chúc quanh thân các cây gỗ lớn. Dẫn chúng tôi đến địa điểm một cây cổ thụ cao vút, anh nói: “Hai chú nắm tay nhau thử xem có ôm xuể cái cây này không?”. Quả thật, cả hai chúng tôi không thể dùng vòng tay để đo hết thân cây.

Thoan cười khề khà giải thích: Đây là cây gỗ lim lớn nhất ở khu vườn này. Để có được đường kính như thế này thì chí ít cây cũng cần tới vài trăm năm phát triển. Ngoài cây lim này, khu vườn còn có cả chục cây lim khác với đường kính chừng 0,5 mét. Nếu tính những cây lim có đường kính to bằng cổ tay thì toàn khu vườn này có gần cả trăm cây, đó là chưa kể số lượng cây lim con mới được trồng và nhiều cây gỗ quý khác như vàng tim, sến…

“Bán đi thì dễ, bảo vệ được thì mới khó các chú à. Nhờ có khu vườn này, không khí ở đây trong lành hẳn ra. Chim chóc, sóc, chồn, gà rừng… kéo nhau về khu vườn này trú ngụ nhiều lắm. Tui đã bỏ công mấy chục năm trời mới có thể bảo vệ và gây dựng nên khu vườn gỗ quý này…”- anh Thoan tâm sự thêm.

…Và vườn lim nơi chân núi Lèn Hà của ông Đinh Xuân Niệm

Khu vườn lim độc đáo thứ hai mà chúng tôi nói đến, có vị trí nằm ngay dưới chân núi Lèn Hà, gần khu dân cư khá đông đúc ở bản Hà, xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa). Nhắc tới địa danh này, nhiều người sẽ nhớ ngay tới sự kiện bi hùng, đó là vào ngày 2-7-1972 máy bay Mỹ bất ngờ ném bom vào khu vực hang Lèn Hà làm 13 chiến sỹ Trạm cơ vụ A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc hy sinh cùng một lúc.

Đến ngày 7-5-2009, hang Lèn Hà đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, trở thành một địa chỉ được nhiều người biết đến như một chứng tích hào hùng về những cống hiến, hy sinh của các chiến sỹ bộ đội thông tin trước bom đạn của giặc Mỹ…

Những năm gần đây, có rất nhiều người từng đến tham quan, tìm hiểu về Di tích lịch sử cấp Quốc gia hang Lèn Hà. Thế nhưng, ít ai biết được xung quanh núi Lèn Hà còn có một khu vườn rừng “độc nhất vô nhị” dày đặc gỗ lim tự nhiên và lim trồng của cựu binh Đinh Xuân Niệm. Với diện tích đất rừng khai hoang được chừng 5ha, gần 30 năm qua, ông Niệm đã dày công bảo vệ và trồng xen vào đó được khoảng 1.500 cây gỗ lim, trên 2.000 cây trầm gió, hơn 500 cây mít, hàng ngàn cây dẻ cùng nhiều loại cây gỗ quý khác như vàng tim, sến, hương, ngát, trám…   

Chạm tay vào một cây lim đường kính to hơn nồi cơm điện, ông Niệm hớn hở khoe: Gia đình hiện có cả trăm cây lim to bằng chừng ni, chúng đều trên dưới 30 năm tuổi cả. Lim mọc tự nhiên có, trồng thêm có. Riêng những cây lim mới trồng và to bằng bắp chân trở lên thì nhà tui có gần cả ngàn cây.

- Advertisement -

Tiếp tục dẫn chúng tôi đến một khu rừng dày đặc cây trầm dó, ông Niệm kể, nhà có khoảng 2.000 cây trầm dó, hầu hết chúng đều trên 20 năm tuổi, kích cỡ cây lớn nhất cũng gấp hai đến ba lần cái phích nước. Cách đây tròn 2 năm, nhờ việc bán đi chừng 1.000 cây dó, gia đình đã thu về hơn 200 triệu đồng tiền mặt. Họ còn đòi mua hết toàn bộ cây trầm dó trong vườn, nhưng tôi không muốn bán vì giá cả như thế quá rẻ. Có tiền, tui lại tiếp tục đầu tư vào việc trồng lim cùng nhiều loại cây gỗ quý khác.

Ông kể tiếp buổi đầu mới xây dựng khu vườn này, có người cười mỉa mai: “Trong rừng sâu thiếu gì lim cổ thụ và gỗ quý khác, vào đó mà chặt cho đỡ tốn công, tốn của. Ông trồng cây lim con như thế thì đến đời cháu, đời chắt mỗi cây cũng chưa thể cho gỗ đóng đủ cái giường mà nằm, huống hồ…”.      

Được biết, cách đây gần 30 năm trong những lần vào núi tìm mật ong rừng, ông Niệm đã cất công nhổ các cây lim con đưa về khu vườn nhà trồng, chăm sóc, bảo vệ. Lúc đầu, không ít người cho rằng ông bị điên khùng nên mới làm thế. Mãi đến một thời gian dài, nhiều người mới “ngộ” ra được giá trị của việc trồng cây gây rừng của ông.

Một đời người tạo dựng nên một rừng cây rất độc đáo, không ít người đã gọi ông Đinh Xuân Niệm với cái tên trìu mến: “Vua lim” ở bản Hà. Ông Niệm cho biết, ông trồng cây cốt là để lại làm của hồi môn cho con cháu, nhắc nhở chúng luôn có ý thức bảo vệ và phát triển rừng.

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm