6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Dấu ấn trên cánh đồng lớn…

- Advertisement -

(QBĐT) – Đã nhiều lần giống lúa này xuất hiện trên đồng đất Quảng Bình nhưng vẫn đang ở dạng thí điểm, diện hẹp. Lần này, trong vụ hè-thu  nó được gieo trồng trên diện rộng, trên cánh đồng lớn và kết quả về năng suất, thời gian sinh trưởng thực sự thuyết phục người làm lúa…  Nó là “át chủ bài” cho vụ hè-thu và kỳ vọng đến điều lớn lao hơn, sẽ thay thế thói quen làm lúa tái sinh ở nhiều địa phương trong tỉnh…

Chúng tôi đang đề cập đến lúa giống SV 181 do Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình chọn tạo. Trước khi về Vạn Ninh, chúng tôi có chút phân vân, liệu khi ra đại trà, được gieo trồng trên cánh đồng lớn, giống lúa SV này có giữ được “phong độ” như khi nó đang làm điểm trên diện hẹp hoặc là với diện tích vừa phải? Trên diện tích 250 ha vụ hè-thu tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tính đến thời điểm  20-8 lúa đã chín tới và ngày 24-8 nông dân đã gặt rộ.

Trong khi nhiều vùng khác với những giống khác, lúa đang còn xanh, thậm chí vừa cúi. Tính ra thời gian sinh trưởng như nhà sản xuất giống  đã công bố, khoảng 83-85 ngày. Năng suất ước đạt 57- 60 tạ/ha. Một con số đối với ruộng chất đất thuộc loại trung bình này trong vụ hè – thu  là rất cao. Và thời điểm thu hoạch vào lúc này được coi là an toàn, lúa sẽ được phơi phong chu đáo trước khi cơn thịnh nộ của thiên nhiên nhiên kéo vê…

Chúng tôi lại tìm gặp những người “nâng cấp” SV 181 từ diện hẹp lên sản xuất đại trà. Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ nhiệm HTX Vạn Phúc cho hay, việc đưa giống mới vào sản xuất đại trà không phải một mình ai “quyết” được cả mà quyền là ở từng hộ nông dân, hộ thấy thích hợp thì đưa vào sản xuất. Nói cách khác,  chính bản thân giống lúa SV 181 tự quyết lấy sự gắn bó của nó trên đồng đất này.

Dấu ấn trên cánh đồng lớn...
Tham quan cánh đồng lúa giống SV 181 tại Vạn Ninh (Quảng Ninh).

Vâng, rất chí lý, chính năng suất, chất lượng gạo, khả năng chống chịu, thời gian sinh trưởng hợp lý của SV 181 đã thực sự “hữu xạ tự nhiên hương” để người dân tự tìm đến giống này đưa vào sản xuất trong vụ hè – thu, một vụ lúa luôn được coi là bấp bênh dễ bị thiên tai phá hỏng. Cũng phải kể đến chuyện trước đó, trong vụ đông – xuân 2014-2015, SV 181 đã “lấy lòng” người nông dân khó tính nhất ở đây bằng những bông lúa cụ thể, với năng suất đạt 70 tạ/ ha.

Không những năng suất cao, SV 181 còn những ưu thế khác như chất lượng gạo ngon, không bạc bụng, thân lúa cứng chống ngã đổ tốt, khả năng đề kháng với dịch bệnh cao…  Một nét nổi trội nữa của SV 181 là thời gian sinh trưởng cực ngắn, đây là “vũ khí” chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Tìm đến một vùng đất khác, huyện Bố Trạch. Chúng tôi được ông Nguyến Xuân Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, vụ hè – thu này Bố Trạch sử dụng giống SV 181 trên diện tích 300 ha. Nếu ở Vạn Ninh, giống SV 181 trồng tập trung ở xã Vạn Trạch thì ở Bố Trạch đang được triển khai trên nhiều địa bàn. Đến lúc này lúa đã chín tới, năng suất ước đạt từ 53-54 tạ/ha, vượt cao so với nhiều giống lúa khác…  Rồi ông Lâm khẳng định: – SV 181 sẽ là giống lúa chủ lực cho vụ hè-thu trên đồng đất Bố Trạch bởi thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng gạo tốt…

Có thể nói rằng vụ hè – thu là vụ lúa mà độ an toàn khá thấp, thực sự thách thức người sản xuất bởi nó cận kề với bão lũ… Vì vậy việc chọn giống gì luôn là trăn trở của người nông dân, trong đó ưu tiên hàng đầu là giống ngắn ngày. Bởi vậy không phải ngạc nhiên khi những người có trách nhiệm ở Vạn Ninh, Bố Trạch chọn SV 181 là giống  chủ lực. Nghe vậy nhưng tôi còn điều phân vân, khi phong trào làm lúa tái sinh đang loang rộng, vào mấy mùa lúa trước, lúa tái sinh lác đác xuất hiện trên vùng đất Quảng Ninh, tôi liền hỏi tiếp ông Kính:

- Advertisement -

– Giống lúa mới sẽ đẩy lùi ý tưởng làm lúa tái sinh đang manh nha?

-Vâng! Ông Kính trả lời chắc nịch và lý giải thêm: Lúa tái sinh hay lúa hè – thu ăn nhau ở hiệu quả kinh tế. Khi lúa hè-thu có năng suất cao, luồn lách được thiên tai thì ai dại gì làm lúa tái sinh. Ông Kính còn khẳng định, rồi cả Quảng Ninh sẽ không làm lúa tái sinh chứ không riêng gì Vạn Ninh.

Còn tôi lại nghĩ xa hơn, liệu giống lúa mới này có làm được trọng trách… thay thế lúa tái sinh ở Lệ Thủy? Với nhiều người, trong đó có tôi lâu nay không “hâm mộ” lắm lúa tái sinh, bởi những hạn chế cố hữu, đó là không thể thực hiện cơ giới trong khâu thu hoạch, đó là năng suất thấp, hạt gạo mang tính tự cung tự cấp…

Và có thể chủ quan, nhưng tôi cho rằng đến lúc nào đó nhìn lại chặng đường phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện lúa Lệ Thủy, lúa tái sinh là một nốt “nhạc buồn”…  Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất  này sự phì nhiêu của đất đai, nhà nước đầu tư khá chu đáo, không cứ gì nông dân lại phải nhặt nhạnh “hạt lúa nghĩa tình của đất” mãi… 

Trước cánh đồng lúa hè – thu trải rộng vàng ươm trĩu hạt trên đồng đất Vạn Ninh, một số cán bộ nông nghiệp các xã của huyện Lệ Thủy trong chuyến tham quan giống lúa mới ở đây đã phải trầm trồ và cho rằng, vụ hè -thu chọn giống này là thích hợp.

Một cán bộ xã Mai Thủy tâm sự: lúa tái sinh không phải là sự lựa chọn thỏa đáng của nông dân làm lúa, nhưng ngặt một nỗi, lúa vụ hè thu rất dễ làm mồi cho chuột. Chuột là vấn nạn kinh hoàng của lúa hè-thu trong những năm qua. Nhiều địa phương phải làm lúa tái sinh bởi khiếp đảm nạn chuột. Mặc dù như một nghịch lý, lúa tái sinh lại là những ổ chuột, nơi chúng cư trú, phát triển để đi…  đánh lúa hè-thu .

Vì vậy để vượt qua “thói quen” làm lúa tái sinh trên “thủ phủ” của nó chắc sẽ còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh lai tạo giống  cực ngắn ngày, năng suất cao còn phải ngăn chặn được nạn chuột, tạo được phong trào “cả làng” cùng làm lúa hè – thu… Còn với ông Võ Văn Khinh, Chủ nhiệm HTX Thượng Phong (Phong Thủy-Lệ Thủy) lạ
i đòi hỏi giống phải tiếp tục có năng suất cao hơn, ngắn ngày hơn nữa để vượt qua “vòng kim cô” của thiên tai…

Vâng, khi còn đó những vấn đề đang đặt ra trong cuộc chiến nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích giúp người nông dân hòa nhập dòng chảy sản xuất hàng hóa đang diễn ra với tốc độ cao như ngày nay, trọng trách của những người làm công tác giống là rất nặng nề. Nói ra điều này, ông Nguyễn Văn Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình, nói vui mà là khá chuẩn xác: đối với cán bộ làm công tác giống, cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn…

- Advertisement -

V.H

Nguồn: Báo Quảng Bình Online

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm