6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn tại xã Quảng Lộc

- Advertisement -

(QBĐT) – Vụ hè-thu năm nay là vụ đầu tiên thị xã Ba Đồn đưa vào sản xuất thí điểm mô hình cánh đồng lúa chất lượng với quy mô lớn tại thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc. Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa Phòng Kinh tế thị xã và các đơn vị liên quan, sự tích cực vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền xã Quảng Lộc, Ban quản trị HTX Phú Trịch đến nay mô hình đã mang lại kết quả bước đầu.

Nhằm thực hiện kế hoạch xây dựng và đưa vào sản xuất mô hình cánh đồng lúa chất lượng với quy mô lớn vụ hè-thu năm 2015 của thị xã Ba Đồn, Phòng Kinh tế thị xã đã tiến hành rà soát thực tế và chọn HTX Phú Trịch, xã Quảng Lộc làm đơn vị triển khai mô hình.

Với quyết tâm thực hiện đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, Phòng Kinh tế đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức làm việc với UBND xã Quảng Lộc, HTX Phú Trịch nhằm hướng dẫn các bước làm mô hình cánh đồng lớn như: tổ chức họp Ban Thường vụ Đảng ủy xã để xây dựng nghị quyết lãnh đạo; họp chi bộ thôn; quy hoạch vùng làm mô hình; lập danh sách các hộ dân tham gia sản xuất; thành lập ban chỉ đạo mô hình; tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho bà con nông dân…

Theo đó, mô hình cánh đồng lớn được thực hiện trên diện tích 30,7 ha, với 149 hộ tham gia, sử dụng giống lúa HT1 nguyên chủng và được sản xuất theo quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI (là phương pháp canh tác dựa trên các cơ sở khoa học xuất phát từ thực tế sản xuất lúa hiện nay).

Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn tại xã Quảng Lộc
Mô hình cánh đồng lớn tại HTX Phú Trịch, xã Quảng Lộc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn cho biết thêm: Triển khai sản xuất vụ hè-thu năm 2015 nói chung và mô hình cánh đồng lúa chất lượng với quy mô lớn nói riêng, thị xã Ba Đồn cũng như các địa phương khác trong cả tỉnh gặp thời tiết không thuận lợi, đó là nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất.

Cụ thể như nguồn nước ở Hói Trường xuống mức thấp nhất, không bảo đảm cho việc tưới tiêu và chăm sóc lúa, dẫn đến nhiều thửa ruộng phải đối mặt với hiện tượng sủi phèn mạnh trên diện rộng, lúa gieo sạ bị chết do phèn khá nhiều, trong đó có một số diện tích làm mô hình không có khả năng sinh trưởng. Trước tình hình này, Phòng Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, HTX Phú Trịch và bà con nông dân địa phương để khắc phục những rủi ro do hạn hán gây ra.

Theo đó, đã kịp thời chuyển từ hình thức hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sang hỗ trợ phân bón Geno super để xử lý phèn cho đất trồng lúa của các hộ dân trong mô hình bị nhiễm nặng. Ban chủ nhiệm HTX Phú Trịch đã chỉ đạo tổ dịch vụ thủy nông chủ động điều tiết nước tưới một cách hợp lý, bảo đảm đúng theo quy trình hướng dẫn về biện pháp tưới ướt khô xen kẽ “nông lộ phơi”; đồng thời trích kinh phí để đối ứng mua phân Geno super và mua vôi hỗ trợ cho bà con xã viên xử lý phèn.

Sau khi diện tích đất phèn được xử lý, Ban chỉ đạo mô hình tích cực chỉ đạo người dân đầu tư chăm bón nên cây lúa dần hồi phục và sinh trưởng, phát triển cơ bản đạt yêu cầu. Trong quá trình triển khai sản xuất cánh đồng lớn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động bà con nông dân nên công tác chuẩn bị xuống giống gặp nhiều thuận lợi và được thực hiện theo đúng quy trình từ khâu làm đất, ngâm ủ giống, lên luống, xuống giống…

- Advertisement -

Về nguồn giống tại mô hình, giống lúa HT1 nguyên chủng do Trạm giống cây trồng thị xã cung cấp kịp thời, bảo đảm chất lượng và số lượng nên tạo được niềm tin và uy tín cho người nông dân. Và điều đáng mừng nữa là nhờ thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và hướng dẫn biện pháp phòng trừ kịp thời cho bà con nông dân nên không để xảy ra tình trạng sâu bệnh gây hại tại mô hình.

Đến ngày 15-9, phần lớn diện tích lúa từ mô hình cánh đồng lớn tại HTX Phú Trịch đã được bà con nông dân thu hoạch xong với năng suất bình quân đạt 52 tạ/ha, cơ bản đạt mục tiêu và kế hoạch đề ra. Bằng biện pháp hạch toán kinh tế đơn thuần, tổng chi phí cho 1 ha lúa tại mô hình là 18.430.000 đồng, thấp hơn so với 1 ha ruộng đối chứng là 2.440.000 đồng; tổng doanh thu từ 1 ha lúa tại mô hình là 33.800.000 đồng, cao hơn so với 1 ha ruộng đối chứng là 5.200.000 đồng. Như vậy, tổng lợi nhuận từ 1 ha lúa tại mô hình là 15.370.000 đồng, cao hơn so với lợi nhuận từ 1 ha lúa ruộng đối chứng 7.640.000 đồng.

Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI là một chủ trương rất thiết thực với các hộ dân trồng lúa trên địa bàn, nhằm chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sang hướng sản xuất hàng hóa chất lượng tập trung, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập kinh tế cho nông dân. Qua thực tế sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đã khẳng định tính hiệu quả của việc áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, tính cộng đồng và tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất của người dân cũng được thể hiện rõ nét.

Với sự khởi đầu thuận lợi này, UBND thị xã Ba Đồn đang có kế hoạch nhân rộng mô hình cánh đồng lớn lên khoảng 40 ha ở vụ đông-xuân năm 2015-2016, trong đó tại địa điểm cũ là 30 ha với loại giống nguyên chủng HT1 và mở rộng thêm 10 ha để sản xuất lúa nguyên chủng SV181.

Hiền Chi

Nguồn: Báo Quảng Bình Online

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm