Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch: Tính đến thời điểm hiện tại, Bố Trạch là địa phương có diện tích trồng sắn lớn nhất tỉnh, chiếm trên 90% tổng diện tích của toàn tỉnh. Với diện tích đất vụ Hè Thu bị bỏ hoang nhiều, địa phương đã đưa chủ trương chuyển đổi cây trồng sang trồng sắn vừa có giá trị kinh tế cao vừa phù hợp với vùng đất cũng như tập quán canh tác của người dân trên địa bàn.
Trước đây, do tình hình biến động của giá cả nên người nông dân huyện Bố Trạch chưa mặn mà với việc trồng sắn. Tuy nhiên, từ khi có các chính sách, cơ chế liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cùng với sự hình thành và hoạt động của Nhà máy Tinh bột sắn xuất khẩu Bình Lợi (nay là Công ty Cổ phần Fococev Quảng Bình) nên cây sắn đã có nguồn thu mua ổn định. Từ đó, tận dụng ưu thế của vùng đất gò đồi miền Tây Quảng Bình, người dân trên địa bàn đã ưu tiên trồng sắn và không ngừng mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Trong năm 2015, toàn huyện có hơn 3.430ha đất trồng sắn, tăng so với cùng kỳ 152ha, trong đó nhiều xã, thị trấn có diện tích trồng sắn từ 200ha – 400ha như Tây Trạch, Vạn Trạch, Hòa Trạch, Phú Định, Nam Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung… Nhờ chú trọng đầu tư giống, phân bón và công chăm sóc vụ sắn năm 2015, năng suất sắn trên địa bàn huyện đạt trên 30 tạ/ha; giá sắn được nhà máy thu mua với 1.800 đồng/kg và nhiều hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng sắn. Giống sắn được trồng đại trà ở địa phương là giống NA1, KM 94 cho năng suất khoảng 25 – 30 tấn/ha đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống sắn mà người dân thường trồng trước đây.
Đặc biệt, hiện nay, ở Bố Trạch rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã đầu tư mở rộng diện tích trồng sắn nguyên liệu. Bà Dương Thị Lứu ở xã Tây Trạch cho biết: “Mấy năm trở lại đây, nhận thấy việc trồng sắn nguyên liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật trồng đơn giản, đầu tư ít nên gia đình đã chuyển từ trồng các loại hoa màu khác kém chất lượng sang trồng sắn thâm canh, xen canh và không ngừng mở rộng diện tích sắn hàng năm. Mỗi năm 01 ha sắn của gia đình chị cho thu nhập bình quân từ 25 – 30 triệu đồng/năm”.
Hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng để Bố Trạch có diện tích trồng sắn nguyên liệu lớn nhất trong toàn tỉnh, thời gian tới, các cấp chính quyền huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và cách thức phòng trừ sâu bệnh, đồng thời đầu tư trồng theo hình thức thâm canh, xen canh nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, sản lượng và đem lại thu nhập cao cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn.