7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đội ca trù… hát đứng

- Advertisement -

Ở làng Đông Dương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã hơn 15 năm nay tồn tại một câu lạc bộ ca trù của những người nông dân chân đất. Điểm đặc biệt của đội ca trù này là hát đứng chứ không ngồi hát như ca trù phía Bắc.

Đứng hát ca trù

Ngay đầu làng Đông Dương, chiếc cổng chào cao lớn đưa chúng tôi về một làng quê thanh bình nép mình bên những rặng trâm bầu cổ thụ trên cát. Đang thả hồn theo trên con đường làng rợp bóng trâm bầu, bất chợt nghe tiếng phách, tiếng hát vang lên giữa buổi chiều mùa thu nghe trầm bổng mà dặt dìu đến lạ.

Những đứa trẻ với nụ cười trong veo đang thong thả trên chiếc xe đạp đến trường ngoảnh lại nhìn chúng tôi nói lớn, như thế đã hiểu được nỗi lòng của những người khách lạ: “Mấy o, mấy mệ đang tập ca trù đó”. Lần theo tiếng phách, tiếng ca chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Tấn Đạt- Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Đông Dương nằm ở giữa làng, nơi các thành viên CLB đang tập dượt để chuẩn bị cho một hội diễn sắp tới.

Đội ca trù... hát đứng

Các thành viên CLB Ca trù Đông Dương tập luyện chuẩn bị cho hội diễn mới.  Ảnh:  P.P

Một khoảng trống trong căn nhà cụ Đạt vừa được dọn dẹp bớt bàn ghế cho rộng, các thành viên CLB sôi nổi trao đổi và truyền dạy cho những kép và ca nương lớp sau từng nhịp phách, lời ca. Theo lời cụ Đạt: “Ca trù có ở đất này hơn 200 năm về trước. Đây cũng là nơi mà ca trù tiến vào Nam xa nhất, nó không vượt sông Gianh để đi xa nữa. Đến đây, ca trù đặc biệt ở chỗ là người ta hát đứng, độc nhất vô nhị, không như ca trù ở miền Bắc là ngồi hát”.

Các bậc cao niên của làng giải thích rằng, thời Nam-Bắc phân tranh, chiến tranh liên miên, các buổi thưởng thức văn hóa văn nghệ thường diễn ở đình chợ hay đồn lính, phải diễn nhanh để tránh hòn tên mũi đạn. Có lẽ vì thế mà hát (ca trù) đứng ra đời, để khi có biến thì người hát, người nghe cùng nhau cuốn gói chạy cho lẹ. Không biết đó có phải là nguồn gốc của lối đứng hát ca trù làng Đông Dương hay không, chỉ biết rằng hàng trăm năm qua, ca trù đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp hội làng. rằm tháng Giêng, khi con trăng đầu tiên của năm mới đầy đặn, làng lại mở hội tại đình. Với các nghi lễ tâm linh, ca trù như một sợi chỉ đỏ kết nối tâm nguyện của dân làng với các thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no…

- Advertisement -

Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt là vậy nhưng chiếu hát ca trù ở làng Đông Dương vẫn tồn tại, vẫn át cả tiếng bom trong các ngày hội làng. Cũng có thời gian dài, điệu hát ca trù ở làng Đông Dương lắng xuống, nhưng từ đầu năm 2000 đến nay, nó lại được phục hồi và phát triển, bởi những người tâm huyết như các ông bà Lê Tấn Đạt, Hồ Xuân Thể, Phạm Xuân Hộ, Phạm Thị Thứu…

Theo ông Lê Tấn Đạt, năm 2000, quyết tâm nhóm lại “ngọn lửa” ca trù của làng, họ đã đứng ra thành lập lại CLB Ca trù làng Đông Dương với 6 thành viên. Nhưng cũng  phải mất 3 năm sau, những người tâm huyết mới khôi phục được nghệ thuật ca trù…

Nuôi tiếng hát bằng hạt lúa, củ khoai

” Đông Dương là một làng thuần nông, cuộc sống với hạt lúa, củ khoai còn nhiều khó khăn, nhưng vì say mê điệu hát ca trù nên người dân nơi đây tự nguyện đóng góp. Người có thì vài chục ngàn đồng, người khó thì vài cân lúa, khoai… Không có người làng chung tay, chúng tôi không thể làm gì nổi”.
Ông Lê Tấn Đạt

Đến bây giờ người làng Đông Dương vẫn luôn nhắc đến câu chuyện của cụ Hồ Thị Thứu (1920 -2009). Khi biết mình sắp sửa “đi xa”, cụ đã cố hết sức để trao lại gia tài ca trù của mình cho các đào thứ, kép thứ với lời dặn “cùng nhau giữ lấy ca trù, đừng để mai một”.

Từ đó, người làng không ai bảo ai, tự nguyện cùng nhau giữ lấy những làn điệu của cụ Thứu để lại. Ngọn lửa ca trù cũng từ đó lan tỏa khắp xóm làng Đông Dương.

Từ chỗ ngày đầu thành lập chỉ có 6 thành viên, nay đội ca trù chuyên nghiệp của làng Đông Dương đã lên đến 19 người. CLB Ca trù Đông Dương đã có 50 chuyến lưu diễn trong và ngoài tỉnh và sưu tầm được gần 200 bài ca trù cổ như hát văn, hát phú, hát mở, hát khế… Nhưng có lẽ điều vui mừng nhất đối với CLB Ca trù Đông Dương là trong các buổi biểu diễn ca trù của họ, vẫn thấy 3 thế hệ cùng đứng  trên chiếu hát: Lớp già có ông Thể, ông Đạt; lớp giữa có chị Quyết, chị Khuyên, anh Sứt và lớp trẻ có em Duyên, em Dũng, em Lan… “Tre già, măng mọc” đó là mạch nguồn mà những người yêu ca trù ở làng Đông Dương mong muốn gìn giữ cho muôn đời sau.

Có một điều đặc biệt của ca trù ở làng Đông Dương là không sống bằng kinh phí nhà nước cấp mà bằng sự chắt chiu khoai, lúa của người dân góp lại dưỡng nuôi. Cứ đến mùa khoai, lúa, mỗi nhà mang ít lúa, ít khoai đến nhà chủ nhiệm CLB góp nuôi ca trù, phụ thêm cho đào kép, ca nương. Từ sản vật quê mùa đó, họ bán đi để duy trì sức kép bằng nước nôi, rau quả, duy trì những áo mão, cân đai của đội hát, mua sắm trống, sanh, phách, nhịp… cho cuộc giữ gìn gia tài tinh thần để dạy bảo cháu con biết hồn cốt, rường cột của làng.

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm