5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa IV và V (1971-1976)

- Advertisement -

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2016):

(QBĐT) – Trong những năm từ 1971-1976, Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có hai nhiệm kỳ Quốc hội.

Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa IV và V (1971-1976)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Anh hùng LLVT Trần Thị Lý, ĐBQH tỉnh Quảng Bình tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IV.

Đoàn ĐBQH tỉnh đã cùng Quốc hội tham gia nghiên cứu, thông qua phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế năm 1972, năm 1973 và kế hoạch 2 năm 1974-1975; tham gia phê chuẩn các dự án và quyết toán ngân sách hàng năm của nhà nước, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ, tiêu biểu là trận “Điện Biên Phủ trên không” vào hạ tuần tháng 12-1972; dốc sức chi viện cho miền Nam tiền tuyến lớn trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời chi viện cho cả 2 nước bạn: Lào và Campuchia.

Quốc hội khóa IV (1971-1975)

Quốc hội khóa IV ra đời trong bối cảnh, ở miền Bắc, nhân dân ta đã bước đầu khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh và bắt đầu thực hiện kế hoạch Nhà nước 3 năm (1971-1973) nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa. Ngày 11-4-1971, cuộc bầu cử Quốc hội khóa IV đã diễn ra sôi nổi trên toàn miền Bắc nước ta.

Cuộc bầu cử đã tiến hành đúng Luật quy định, cử tri trên toàn miền Bắc đi bầu đạt 98,88% tổng số cử tri có trong danh sách và đã bầu ra 420 đại biểu, trong đó tỉnh Quảng Bình có 8 đại biểu trúng cử là:

1. Võ Nguyên Giáp (đại biểu tái cử),
2. Đinh Thị Thu Hiệp,
3. Hoàng Hiệp,
4. Phạm Kỉnh,
5. Nguyễn Lễ,
6. Trần Thị Lý,
7. Cổ Kim Thành,
8. Lê Trạm (đại biểu tái cử).

Trúng cử Quốc hội khóa IV nhiệm kỳ 1971-1975, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có đại biểu Võ Nguyên Giáp được bầu vào Ủy viên Hội đồng Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng và ông Cổ Kim Thành, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình được bầu làm Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

- Advertisement -

Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội họp 5 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 lần, thông qua 559 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Ủy ban. Xác định vai trò trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực có những ý kiến đóng góp vào phương hướng, nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế hai năm 1974-1975 và thông qua chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước năm 1974.

Nhiệm vụ của miền Bắc trong hai năm 1974-1975 là: Nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của CNXH, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa về mọi mặt, ổn định tình hình kinh tế và đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, ra sức làm tròn nhiệm vụ đối với miền Nam anh hùng.

Tham gia tại các kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã cùng Quốc hội thông qua Nghị quyết tán thành việc ký kết hiệp định Pari; tán thành kế hoạch quân sự của Chính phủ về việc mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta nhằm đánh đổ tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, đánh đổ chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất Tổ quốc.

Hoạt động trong những năm tháng vào giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn ĐBQH tỉnh đã cùng Quốc hội hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Việt Nam DCCH-Quốc hội khóa IV là Quốc hội chiến thắng cuộc “chiến tranh Việt Nam hóa” của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.

Quốc hội khóa V (1975-1976)

Giữa lúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đang diễn ra ở đỉnh cao, nhân dân cả hai miền Bắc và Nam đang dồn sức để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử thiêng liêng nhất của mình, thì ở miền Bắc đã tiến hành cuộc bầu cử ĐBQH khóa V.

Tại Quảng Bình, tỷ lệ tham gia bầu cử là 98%. Không có đơn vị nào phải bầu lại và bầu thêm. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V diễn ra thành công tốt đẹp, tổng số đại biểu được bầu là 424 đại biểu, trong đó có 8 đại biểu trúng cử tại Quảng Bình gồm các ông bà:

1. Võ Nguyên Giáp (đại biểu tái cử).
2. Hoàng Hiệp (đại biểu tái cử),
3. Dương Bạch Liên,
4. Trần Thị Lý (đại biểu tái cử),
5. Hoàng Thị Nghĩa,
6. Hồ Thu Quang,
7. Cổ Kim Thành (đại biểu tái cử),
8. Dương Viết Thuận.

- Advertisement -

Trúng cử Quốc hội khóa V nhiệm kỳ 1975-1976, đại biểu Võ Nguyên Giáp tiếp tục được bầu giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

Để tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tổ chức bộ máy, ổn định địa giới hành chính và phát triển KT-XH, Quốc hội nhiệm kỳ 1975-1976 không thông qua và ban hành một luật nào mà ủy quyền cho UBTVQH, các Ủy ban của Quốc hội thông qua 64 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Ủy ban.

Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa IV và V (1971-1976)
Đại biểu Cổ Kim Thành, ĐBQH tỉnh Quảng Bình đọc tham luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IV.

Đề nghị các cơ quan Nhà nước và địa phương phải quan tâm đúng mức đến công tác xét xử và giải quyết đơn thư của cán bộ và nhân dân, phải nghiêm chỉnh thi hành chính sách pháp luật của Nhà nước
, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Phát huy vai trò của mình, đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia cùng Quốc hội nghiên cứu thảo luận đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1975 và quyết định kế hoạch Nhà nước năm 1976, năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mở đầu thời kỳ xây dựng một Nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính Nước Việt Nam DCCH, phê chuẩn giải thể cấp khu và hợp nhất một số tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã tham gia phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương chính trị giữa hai Đoàn đại biểu Bắc, Nam về thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa tiếp theo sẽ tiến hành trong nửa đầu năm 1976, theo đúng nguyên tắc dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Số ĐBQH sẽ tính theo số dân. Khoảng 100.000 dân được bầu một đại biểu.

Trong giai đoạn 1971-1976, trước và sau các kỳ họp Quốc hội, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của UBTVQH, đoàn ĐBQH tỉnh đã tỏ rõ vai trò vị trí của mình, tích cực tham gia động viên đông đảo quần chúng nhân dân ra sức phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, chiến đấu thông minh dũng cảm của quê hương Quảng Bình.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua giành thắng lợi to lớn trong lao động xây dựng quê hương, tham gia chiến đấu và thực hiện nghĩa vụ của hậu phương lớn. Toàn dân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa, đóng góp sức người, sức của, tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng thường xuyên nắm chắc tình hình quân sự, diễn biến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và tại Quảng Bình nói riêng, để tích cực phối hợp với HĐND, UBHC, UBMTTQVN tỉnh tổ chức thường xuyên các đợt TXCT, tiếp công dân nghe ý kiến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tổng hợp, phản ánh đến Quốc hội.

Bài học lớn của Đoàn ĐBQH tỉnh trong giai đoạn lịch sử này là: Bám sát chủ trương của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tập trung sức lực, trí tuệ tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Tại các diễn đàn Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kịch liệt lên án tố cáo tội ác chiến tranh, tính chất man rợ của chiến tranh, đã gây tội ác trên đất Quảng Bình, đồng thời phản ánh được quyết tâm, ý chí sắt đá và chiến công của người dân Quảng Bình quyết tâm bám ruộng sản xuất, bám làng chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, xứng đáng là quê hương “Hai giỏi” được cả nước yêu mến.

P.V (lược trích)

>> Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình những năm chống Mỹ

Nguồn: Báo Quảng Bình Online

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm