Trang chủ Đất và Người Quảng Bình Lung linh Chợ tình Minh Hóa

Lung linh Chợ tình Minh Hóa

1
540

Một mùa xuân nữa đã qua, hứa hẹn cho mùa tìm duyên mới trong phiên chợ tình duy nhất trong năm. Một phiên chợ khắc sâu vào trong tâm trí, cuộc đời của người Nguồn huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Không ai bảo ai, người già người trẻ trai gái cứ háo hức mong chờ ngày rằm tháng 3 để được đến chợ rằm. Không đến được với phiên chợ xem như cả năm đó thiếu đi cái may mắn, thiếu đi một niềm vui kết bạn, thiếu đi cái gì đó đã và sẽ thuộc về mình.

“Thà rằng đau ốm mà nằm/ Chớ ai lại bỏ chợ rằm tháng 3″

Câu dặn lòng ấy không biết có tự bao giờ, nhưng nó đã gắn với truyền thống cũng như lễ hội chợ tình của con người nơi đây. Cứ vào ngày rằm tháng ba âm lịch hằng năm, người dân ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa (Quảng Bình) lại vào hội rằm tháng ba.

Theo tích ngày xưa lưu truyền lại: ngày xưa có ba anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi tìm mật ong. Họ đi lạc vào một hang động. Trong đó có cơ man nào là tượng Bụt bằng đá… Ba anh em họ mỗi người vác một tượng về. Đến thác Bụt họ xuống suối tắm. Nhưng khi vác tượng lên lại để trở về nhà thì không tài nào vác được nữa. Mãi sau họ mới vác được một tượng về đến Hói Chàm và đặt ở đó. Từ đó đến nay dòng thác mà ba anh em nhà kia tắm và để tượng Bụt lại, được gọi là thác Bụt. Vậy là mỗi năm, cứ đến lễ hội rằm tháng ba mọi người lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc chuẩn bị cho một lễ hội rằm mới.

Lung linh Chợ tình Minh Hóa

Nam thanh nữ tú hẹn hò trong đêm hội Rằm tháng ba ở chợ tình Minh Hóa

“Tháng ba (âm lịch) mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông”… lúc này tiết trời đã sang mùa hạ mất rồi, không còn là mùa xuân với cây xanh hoa lá tốt tươi. Tháng ba là thời gian đẹp nhất trong năm theo lệ của người Nguồn bởi đây là tháng thu hoạch mùa màng, thu hoạch thành quả lao động sau cả quảng thời gia dài chăm bón và trong đợi. Tháng 3 là tháng ấm áp, khí trời tốt đẹp, sông suối xanh trong, tiện cho một mùa “thuốc cá” bội thu. Tháng 3 là tháng bắt đầu mùa cưới cho một năm mới…

Hội rằm tháng 3 được tổ chức đó là lễ hội tạ ơn trời đất đã cho mùa màng bội thu. Chợ tình được tổ chức đó là nơi tìm hiểu, giao lưu để tìm “duyên” của biết bao trai tài gái sắc.

Chợ tình không phải là nơi để bán “tình” mà là nơi để tìm hiểu và kết thêm duyên mới. Cứ đến dịp rằm tháng 3, các tộc người của huyện Minh Hóa không ai bảo ai, từ già trẻ, gái trai đều háo hức chờ đợi để được đến chợ rằm. Như một nét riêng của truyền thống người Nguồn, năm nào không đến được phiên chợ thì như năm đó thiếu cái may mắn cho bản thân.

Đến ngày rằm tháng ba, hầu như người dân trong huyện ai cũng xuống chợ, nhà cửa được khóa cẩn thận và thường là phiêu du cả đêm. Bây giờ Nguồn nhiều lúc xuống chợ cũng chẳng để mua cái gì, mà thường chỉ để nhìn lại một cái gì đó thân quen, một cái gì đó là kỷ niệm, để tìm niềm vui và kết thêm bạn mới.

Lung linh Chợ tình Minh Hóa

Du khách và các tộc người Minh Hóa háo hức trẩy hội trong đêm chợ tình.

Kết duyên chợ tình

Chợ tình Minh Hóa đã đi qua nhiều năm tháng, dẫu có sự thay đổi so với ngày xưa, nhưng nét đẹp của phong tục và ý nghĩa của lễ hội thì vẫn còn nguyên vẹn. Không chỉ có người Minh Hóa về hội rằm tháng 3, mà những người ở các vùng Đồng Hới, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Ba Đồn cũng tìm về chơi hội. Người về cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, nhưng người dân khác huyện về hội chủ yếu là nam thanh nữ tú, họ đi chơi để tìm hiểu nét đẹp văn hóa lễ hội và cũng mong có cái duyên, niềm vui đến với mình. Dưới ánh trăng rằm, nhiều người đã làm quen và đến với nhau đầy thi vị.

Thu Hồng ở Đồng Hới, hôm nay cùng chồng về chợ tình Minh Hóa, như dịp để ôn lại kỉ niệm ngày đầu vợ chồng gặp gỡ nhau.

Hồng kể lại 5 năm trước, chị cùng nhóm bạn 4 người lên Minh Hóa để vui chợ tình, đi cho biết vì nghe kể mà chưa được đi lần nào, thế rồi năm đó chị gặp anh Võ Nam, một y sỹ làm việc ở dưới Tuyên Hóa lên chơi.

Qua mấy câu xã giao trêu ghẹo nhau, anh và chị đã đi đến kết bạn. Sau 2 năm họ làm đám cưới, anh Nam cũng chuyển vào Đồng Hới làm để gần vợ con. “Vợ chồng mình phải gửi con nhờ ông bà để hẹn nhau quay lại chợ tình này, ngoài kỉ niệm gặp gỡ ngày trước thì nó có gì thiêng liêng, làm tình cảm vợ chồng cũng gắn bó thêm. Năm nào vợ chồng cũng lên đây”, anh Nam tâm sự.

Lung linh Chợ tình Minh Hóa

Càng về khuya, những đôi trai gái tìm không gian riêng tâm sự, trao nhau những lời hẹn thề.

Chị Kim Cúc người Ba Đồn trong lần lên nhà bạn ở thị trân Quy Đạt chơi tham dự chợ tình đã nảy sinh tình cảm với chàng trai địa phương Văn Tiến. Nhà anh Tiến có truyền thống làm chè đãi khách đến chơi trong phiên chợ tình. Bên ly chè, anh chị làm quen nhau, liên lạc yêu nhau được gần 1 năm họ tổ chức đám cưới. Hai vợ chồng mở quán tạp hóa bán ở thị trấn Quy Đạt, nhưng cứ gần đến ngày rằm tháng 3, hai vợ chồng lại tất bật làm các món chè để chiêu đãi khách.

Trong đêm hội các trò chơi dân gian được tái hiện, các làn điệu dân ca được thể hiện như mời gọi bạn tình. Dưới ánh trăng những đôi nam nữ thấy hợp, thích nhau thì rủ bạn đến chỗ khác hẹn hò, tìm hiểu. Còn những đôi tình nhân đã yêu nhau thì dẫn nhau vào rừng hay xuống bờ suối tâm sự trao nhau những lời hẹn thề.

Đêm hội rằm tháng 3 năm nay lại đến, khắp Minh Hóa đang háo hức đón chờ câu hát đúm dưới ánh trăng. Dẫu chợ tình là nơi giao lưu gặp gỡ của mọi người du khách thập phương, là nơi hội ngộ của cộng đồng các tộc người Minh Hóa. Nhà nhà đã sắp xếp kế hoạch để tham dự phiên chợ may mắn nhất trong năm của người Nguồn. Và người Nguồn cũng vậy, chắc chắn sẽ đến để đi tìm cái gì đó từng là của mình, cái gì mới sẽ là của mình.

· Thanh Hà – Hà Vy

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây