5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nạo vét thông luồng cửa sông Nhật Lệ: Cần sớm xã hội hóa

- Advertisement -

(QBĐT) – Những năm gần đây tình trạng bồi lắng cửa sông Nhật Lệ xảy ra khá thường xuyên và ngày một nghiêm trọng, có nhiều thời điểm tàu thuyền không thể ra khơi được, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của ngư dân. Bởi vậy việc nạo vét thông luồng cửa sông Nhật Lệ rất cấp thiết, nhằm phục vụ kịp thời mùa vụ sản xuất cho ngư dân và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Do điều kiện địa hình và chế độ thủy lực, thủy văn phức tạp nên cửa sông Nhật Lệ thường xuyên bị bồi lấp. Việc bồi tụ cửa sông Nhật Lệ chủ yếu xảy ra vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8) làm cho luồng luôn có sự thay đổi vị trí theo từng mùa trong năm nên các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn khi ra vào; ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế biển của nhân dân cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Nạo vét thông luồng cửa sông Nhật Lệ: Cần sớm xã hội hóa
Cửa sông Nhật Lệ bị bồi lắng.

Qua báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, dựa trên cơ sở nghiên cứu của các nhà khoa học thủy lợi thì nguồn vốn để chỉnh trị ổn định dòng chảy sông Nhật Lệ khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Đó là số tiền quá lớn mà ngân sách Trung ương cũng như ngân sách tỉnh khó có được vào thời điểm này. Bởi vậy vấn đề đặt ra là tìm giải pháp phù hợp (giải pháp tình thế), không cần phải tốn quá nhiều tiền vẫn thông được luồng cho ngư dân ra vào cửa sông để sản xuất.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở đã tham mưu để UBND tỉnh có báo cáo, đề nghị Bộ GTVT và Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để nạo vét các cửa sông nhưng do thiếu vốn đầu tư nên Bộ GTVT chưa thực hiện được. Trước đây Bộ GTVT và UBND tỉnh cũng đã có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn nạo vét để tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu, kết hợp khơi thông luồng tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào các cửa sông.

Tuy nhiên, do trữ lượng cát đạt tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu ở các cửa sông nói chung là không lớn và để tận thu được lượng cát này cần phải tổ chức nạo vét luồng để di chuyển thiết bị với khối lượng thi công lớn hơn nhiều lần so với lượng cát có thể tận thu; ngoài ra việc vận chuyển phương tiện, thiết bị đến khu vực nạo vét khá tốn kém, hiệu quả kinh tế thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên không có nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Đối với cửa sông Nhật Lệ, trước đây Bộ GTVT đã phê duyệt dự án nạo vét thông luồng cửa sông Nhật Lệ kết hợp tận thu sản phẩm do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Kim Việt thực hiện. Trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị này chú trọng đến khai thác cát để xuất khẩu mà thiếu quan tâm đến thông luồng. Vì vậy có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận về luận cứ khoa học và tính hiệu quả của dự án do Công ty Hoàng Kim Việt thực hiện và kiến nghị của cử tri, nên tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVI, Chủ tọa kỳ họp đã có kết luận yêu cầu dừng thực hiện dự án để nghiên cứu các giải pháp thi công phù hợp.

Theo các chuyên gia đầu ngành thủy lợi thì, thời gian qua tình trạng bồi lắng cửa sông, xói lở bờ biển xảy ra phổ biến tại các khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Bình, rất khó xử lý dứt điểm; việc chỉnh trị các cửa sông, bảo đảm ổn định dòng chảy, không bị xói lở cần nguồn kinh phí rất lớn. 

Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho các loại phương tiện, nhất là đối với tàu thuyền đánh bắt thủy sản của nhân dân khi ra vào cửa sông trong vụ đánh bắt năm 2016, Sở GTVT đã báo cáo và đang trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nạo vét cục bộ cửa sông Nhật Lệ đoạn Km0+350-Km0+950 bảo đảm thông luồng phục vụ tàu cá ra vào.

- Advertisement -

Theo đó, cần thiết phải nạo vét thông luồng trên chiều dài 600m, chiều rộng 40m, độ sâu -2,3 đến      -2,5m, khối lượng cát cần nạo vét 55.000m3 mới bảo đảm cho tàu thuyền ngư dân ra vào. Theo đề xuất của một số nhà quản lý, chuyên gia thủy lợi, việc nạo vét cửa sông Nhật Lệ cần tiến hành từng bước, chỉ nạo vét ở những đụn cát làm cản trở luồng tàu thuyền với độ sâu vừa phải (khoảng -2,3m đến -2,5m) vừa đủ để thông luồng tàu thuyền ra vào, chứ không tiến hành trên phạm vi rộng. Khối lượng cát nạo vét nên vận chuyển đổ vào hai bên bờ sông, sẽ không ảnh hưởng đến xói lở bờ sông sau khi nạo vét. Nếu làm được như vậy thì kinh phí đầu tư cho nạo vét không nhiều (chỉ vài tỷ đồng) mỗi năm. Mặt khác quan trọng hơn là hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng xói lở bờ sông.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), nguyện vọng thiết tha nhất của ngư dân là thông được luồng để ra vào sản xuất thuận lợi, còn vấn đề kinh phí người dân sẵn sàng đóng góp cùng với Nhà nước thực hiện.

Nạo vét thông luồng cửa sông Nhật Lệ: Cần sớm xã hội hóa
Dự án Khu neo đậu tàu thuyền Nhật Lệ đang gấp rút thi công.

Hiện tại xã Bảo Ninh có khoảng 400 tàu thuyền đánh cá và khoảng vài trăm tàu của các tỉnh bạn ra vào cửa sông. Kinh phí nạo vét lần đầu thông luồng do ngân sách nhà nước đầu tư, còn lại hàng năm Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh sẽ đứng ra vận động hội viên và chủ các tàu thuyền các địa phương có sử dụng cửa sông Nhật Lệ đóng góp kinh phí để tiến hành duy tu, nạo vét thông luồng một cách thường xuyên (tương tự như người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ phải đóng góp kinh phí đường bộ vậy).

Được biết, cửa sông Roòn cũng đang bị bồi lắng, có nhiều thời đi
ểm tàu thuyền không thể ra vào được.  Mới đây UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh xin đứng ra nạo vét thông luồng cửa sông Roòn theo hình thức xã hội hóa trên chiều dài khoảng 1.000m, rộng 30m, sâu 2m, khối lượng 60.000m3. Trên địa bàn các xã Cảnh Dương, Quảng Phú và đội tàu các tỉnh bạn thường xuyên ra vào cửa Roòn khoảng 800 chiếc. Nếu vận động mỗi tàu thuyền đóng góp khoảng 500 ngàn đồng/năm, thì số tiền thu được cơ bản đủ chi phí cho việc duy tu luồng tuyến.

Điều đáng quan tâm là tại cửa sông Roòn có dự án khu neo đậu tránh bão với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 82 tỷ đồng, đủ phục vụ 300 tàu thuyền đã đưa vào sử dụng và khu vực sông Nhật Lệ cũng đang đầu tư dự án gần 300 tỷ đồng cho khu neo đậu 400 tàu thuyền. Nếu như các cửa sông này không được nạo vét sẽ lãng phí hàng trăm tỷ đồng.

Giải pháp lâu dài là cần phải tính đến việc xã hội hóa nạo vét thông luồng các cửa sông trên địa bàn trong đó có cửa sông Nhật Lệ. Trước mắt để việc xã hội hóa nạo vét cửa sông Nhật Lệ thực hiện thuận lợi, UBND xã Bảo Ninh cùng với Nghiệp đoàn nghề cá xã đứng ra vận động tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao của bà con ngư dân. Mỗi khi bà con nhận thấy được lợi ích của mình cũng như xác định trách nhiệm để chung tay cùng với Nhà nước thì việc nạo vét thông luồng cửa sông chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.

Trọng Thái

Nguồn: Báo Quảng Bình Online

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm